Góc nhìn 365: 'Di sản' Nho học
Một tuần qua, cuộc trưng bày Quốc Tử Giám - trường quốc học đầu tiên tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội đang thu hút được khá đông du khách, đồng thời nhận về những đánh giá rất tích cực từ phía người làm nghề.
Đây không phải là cuộc trưng bày đầu tiên tại Văn Miếu, và cũng không phải là triển lãm đầu tiên đưa chúng ta tiếp cận với di sản Nho giáo - vốn là hệ tư tưởng từng chiếm vai trò chủ đạo trong nhiều thế kỷ và in dấu ấn lên rất nhiều khía cạnh của lịch sử Việt Nam.
Nhưng, những gì đang được trưng bày tại Văn Miếu cho thấy một cách tiếp cận khá hiện đại và khoa học trong lĩnh vực tưởng như khô cứng này.
Tại đó, không gian của triển lãm được chia thành các phần "tĩnh" và "động", với sự kết hợp của ảnh màu (nhiều tấm lần đầu được công bố); các bức tranh tái hiện cảnh lớp học thầy đồ xưa, cảnh lều chõng trường thi, cảnh vinh quy bái tổ; các hệ thống panô, và cả các hiện vật khảo cổ gắn với sự ra đời của Văn Miếu.
Chưa hết, phần ngoài trời của cuộc trưng bày lại là nơi phục dựng, tái hiện cách bài trí của lớp học thời xưa, lều chõng của sĩ tử dự thi, rồi cảnh các nho sinh "bằng xương bằng thịt" đang bình văn, luyện chữ.
Đặc biệt, cuộc trưng bày này có sự xuất hiện của công nghệ, với các thiết bị điện tử thông minh giúp du khách chủ động tìm hiểu, theo dõi thông tin chú thích. Phần tương tác, trải nghiệm cũng được chú trọng, khi những người tới tham dự cuộc trưng bày có thể thử viết chữ Hán bằng bút lông, hay trải nghiệm các quy trình làm giấy dó, in tranh truyền thống "vinh quy bái tổ"…
Có nghĩa, từ câu chuyện chung của một Quốc Tử Giám trong lịch sử, khá nhiều hình thức kể chuyện - cũng như "chất liệu" thể hiện - đã được khai thác để người xem có thể lựa chọn tiếp cận với ngôi "trường đại học" đầu tiên ở Việt Nam: Khởi đầu thời Lý, phát triển dưới thời Trần - Hồ, đạt đỉnh cao thời Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng, biến đổi dưới thời Nguyễn rồi hồi sinh dưới lớp vỏ của một di tích trong thời hiện đại.
Được biết, phía tổ chức đã dành tới 3 năm chuẩn bị cho cuộc trưng bày này, với sự hỗ trợ từ các chuyên gia Pháp.
***
Thực tế, ở góc độ tích cực, Nho giáo trong lịch sử Việt Nam vẫn từng tồn tại như một khái niệm gắn cùng đạo học và tri thức, với sự thanh tao và nghiêm cẩn. Để rồi, bên cạnh một Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng ta vẫn còn những Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương), Văn Miếu Sơn Tây, Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai), Văn Miếu Huế…, chưa kể một hệ thống Văn từ, Văn chỉ thờ Nho học và các bậc tiên hiền tại nhiều làng xã.
Một thời gian khá dài, do tư duy cũ, những di sản ấy vẫn được tiếp cận một cách khá cứng nhắc trong mọi góc độ từ bảo tồn, tôn tạo cho tới giới thiệu cùng du khách.
Những gì diễn ra ở Văn Miếu cho thấy, với những góc độ tiếp cận hợp lý và khoa học, di sản Nho học tại Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên những sản phẩm đặc thù trong bối cảnh cần phát triển công nghiệp văn hóa như hiện tại. Nhất là khi, những di sản ấy lại là biểu tượng của tri thức và học vấn - điều mà xã hội đang hướng tới để tôn vinh.
Đã từng có nhiều chuyên gia nhắc tới việc Việt Nam nên sớm thống kê và có kế hoạch khai thác tiềm năng về văn hóa, du lịch hay giáo dục từ những di sản đặc biệt này. Nhưng chắc chắn, để làm được điều ấy, đó phải là những nghiên cứu tỉ mỉ về hình thức "kể chuyện", biên soạn và diễn giải tư liệu, cũng như kết hợp các yếu tố của nghệ thuật sắp đặt và công nghệ hiện đại.
Xa hơn, những di sản Nho học tại Việt Nam cần có sự kết nối với nhau – thậm chí là kết nối với di sản tương tự ở những nước Đông Á - cũng như các loại du lịch trang trại, du lịch các làng khoa bảng, làng nghề, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… tại các địa phương để tăng sức hút.
Đó là một lộ trình không đơn giản, nhưng những gì diễn ra tại cuộc trưng bày "Quốc Tử Giám - trường quốc học đầu tiên" ít nhiều vẫn khiến chúng ta có thể hi vọng vào tương lai của loại di sản đặc biệt này.