Hình tượng rồng bay trên tòa nhà trường Trưng Vương
Trong cuốn sách "Mỹ thuật Việt Nam soi từ phía khác" (2021), nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã có những khám phá về biểu trưng thành phố (gọi là thành huy) Hà Nội thời Pháp thuộc có hình ảnh hai con rồng. Điều thú vị là trên trán của tòa nhà trường THCS Trưng Vương (26 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng có hình tượng tương tự. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông.
1. Khi Hà Nội trở thành thủ phủ Đông Dương cũng là lúc thành phố rồng bay chuyển mình thức giấc sau giấc ngủ dài. Hình tượng con rồng cũng dần dần trở lại. Biểu trưng thành phố (thành huy) Hà Nội do người Pháp thiết kế có hình ảnh hai con rồng. Trong cuộc gặp gỡ Đông - Tây, phương Tây đã đi trước một bước.
Trong Triển lãm một số hình ảnh tiêu biểu về Hà Nội giai đoạn 1873 – 1945 do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tổ chức vào đầu Xuân Nhâm Thìn 2012 tại khu Hoàng thành Thăng Long, công chúng yêu Hà Nội được chiêm ngưỡng hình ảnh mẫu biểu trưng đầu tiên của thành phố rồng bay. Chính nhờ triển lãm này, người viết mới hay rằng những hình ảnh rồng bay trên trán tòa nhà trường THCS Trưng Vương có xuất xứ từ biểu trưng thành phố.
Hình đắp nổi hai con rồng đang từ dưới nước bay lên, ở giữa có một thanh gươm, bên ngoài cùng là nhành ô liu, sồi tượng trưng cho vinh quang và sức mạnh chiến thắng là một hiện tượng tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật rất đáng quan tâm.
2. Coat of arms (tạm dịch là Huy chương, trong tiếng Hán là Thuẫn huy hoặc Thuẫn hình văn chương) ban đầu là dạng phù hiệu quân sự xuất hiện ở châu Âu khoảng thế kỷ XII.
Mặc dù không có văn bản nào quy định cụ thể việc thiết kế các huy chương, nhưng ở châu Âu các kiểu thức gia huy các lãnh chúa, hay quốc huy cũng khá nhất quán. Do có nguồn gốc từ quân hiệu, nên việc thiết kế các huy chương thành bang (nói gọn lại là thành huy) ở châu Âu thường mang dấu ấn của quyền lực và sức mạnh. Hình ảnh binh khí (gươm, dao) và những mãnh thú (sư tử, đại bàng, gấu, rồng) thường xuất hiện trên huy chương. Loài thú có tần suất cao nhất, phổ biến nhất trên các huy chương là sư tử, ví dụ như thành huy của London.
Với người Việt Nam, rồng là con vật thiêng liêng, gắn bó một cách máu thịt vì ai ai cũng nghĩ mình là con rồng cháu tiên. Và đặc biệt hơn, với người Thăng Long - Hà Nội, thành phố bên bờ sông Hồng còn gắn liền với tích rồng vàng bay lên khi đức vua Lý Thái Tổ rong thuyền từ Hoa Lư về thành Đại La. Nhưng những thế kỷ vinh quang hiển hách của đệ nhất kinh thành đã khép lại khi Gia Long lên ngôi. Kinh đô chuyển vào Phú Xuân (Huế), Thăng Long với chữ "Long" nghĩa là rồng chuyển thành "Long" - với nghĩa hưng thịnh…
Căn cứ vào kiểu cách thiết kế thành huy Hà Nội, ta có thể lờ mờ phỏng đoán người vẽ ra nó có sự giúp đỡ của những trí thức bản địa. So với mẫu thiết kế thành huy của Paris, thành huy Hà Nội có một số điểm tương đồng về bố cục và mô-típ. Những điểm chung đó là cùng có các mô-típ: thành lũy, sóng nước, nhành ô liu, sồi, băng lụa có hàng chữ Latin. Nhưng xét về hào khí, thì thành huy Hà Nội dũng mãnh hơn, không chỉ về câu chữ mà ở chiều hướng vận động của đường nét và các biểu tượng sức mạnh.
Nếu câu khẩu hiệu Latin của thành huy Paris là FLUCTUAT NEC MERGITUR (nghĩa là Dẫu có chao đảo cũng không thể nhấn chìm) thì câu Latin của thành huy Hà Nội là DISLECTA FORTITUDINE PROSFERA (nghĩa là Lòng dũng cảm đem đến sự giầu có mà chúng ta yêu thích) rõ ràng có khẩu khí dứt khoát hơn. Đặc biệt là, nếu như hình ảnh con thuyền trên sóng nước ở trung tâm của thành huy Paris gợi nên những hương vị lãng mạn thì ở thành huy Hà Nội, đó là "song long chầu bảo kiếm" hẳn nhiên dữ dội và thách thức hơn nhiều. Khẩu hiệu này thể hiện sự hiểu biết về Đông phương học khá uyên thâm của người Pháp. Chữ Thăng Long, với nghĩa rồng bay long viết là [龍], con rồng bay lên tượng trưng cho sức mạnh dũng mãnh, còn khi chữ long viết là [隆] thì Thăng Long hàm ý thịnh vượng giầu có. Suy ra, từ tên gọi mới và cũ, ta có Thăng Long = Dũng mãnh và Thịnh vượng. Tiếng Latin DISLECTA FORTITUDINE PROSFERA từ đó mà ra.
3. Bức thành huy này làm sống lại truyền thuyết dời đô xưa kia. So với mẫu thành huy ban đầu, hình phóng tác đắp nổi trên trán tòa nhà trường THCS Trưng Vương đã có một số chỉnh sửa về đường nét và tỷ lệ. Đặc biệt, hình rồng đẹp và uyển chuyển hơn.
Thành huy Hà Nội, xét về mặt tạo hình, ta thấy đôi chỗ còn có sự thô vụng, rườm rà, nhưng điều quan trọng, nó đã lựa chọn rồng là vật linh của thành phố huyền thoại này - điều mà mẫu logo do họa sỹ Việt kiều Phạm Ngọc Tuấn (đã được UBND Thành phố Hà Nội lựa chọn chính thức là biểu trưng thành phố sau cuộc bỏ phiếu năm 1999) không có.
Trong buổi tọa đàm về biểu tượng con rồng của người Việt ngày 3/2/2012 tại Viện Bảo tồn trùng tu di tích, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra thắc mắc tại sao một đất nước ngàn năm nay gắn bó với hình tượng rồng, nhưng từ khi lật đổ chế độ phong kiến, rồng gần như vắng bóng trong đời sống hiện đại. Cũng có thể tiếp tục đặt lại vấn đề tại sao biểu trưng thành phố Hà Nội không có hình tượng rồng. GS Kiều Thu Hoạch trong nghiên cứu gần đây đã khẳng định vị trí số một trong hàng tứ linh của con rồng Việt có cội nguồn từ văn hóa bản địa.
Trong bộ ảnh về Hà Nội xưa, một trong những bức ảnh lãng mạn và lịch lãm nhất là bức ảnh chụp trường Trưng Vương. Ngày ấy phố xá còn vắng vẻ, phía trước mặt không bị những cây xà cừ um tùm che bít những đường nét trang trí cầu kỳ, tinh tế trên mặt tiền của ngôi nhà. Năm 1948, trường này đã được đổi tên, từ tên của ông vua bù nhìn Đồng Khánh sang tên của nữ anh hùng giải phóng dân tộc Trưng vương.