Tác giả Tạ Thu Phong: 'Có một Hà Nội khác, sau những nhà cao tầng hiện đại…'
Hà Nội chuyện xưa phố cũ (NXB Hà Nội) ra mắt cuối năm 2022, trong bối cảnh những cuốn sách khảo cứu về lịch sử, văn hóa và đời sống của Hà Nội cũ đang dần trở thành một xu thế trên thị trường xuất bản. Nhưng với cách tiếp cận và góc nhìn riêng của Tạ Thu Phong, nó vẫn được đón nhận bởi một lượng độc giả đặc thù, với tâm thế cũng rất đặc thù…
Tâm thế đặc thù ấy trước hết đến từ những người vốn biết tới Phong trên tư cách một nhà sưu tập tư liệu và sách báo cổ có tiếng tại Hà Nội. 49 tuổi, công việc chính là luật sư, thú sưu tập ấy tưởng như chỉ là một thú chơi. Để rồi, trong một chừng mực, nó cộng hưởng cùng ước mơ từ thời trẻ của anh - trở thành một nhà nghiên cứu - để mang đến một Tạ Thu Phong - tác giả với một số đầu sách khảo cứu từng thực hiện, trong đó có Hà Nội một thân (NXB Hồng Đức, 2020).
Lần này, "trở lại" cùng Hà Nội, cuốn sách của Tạ Thu Phong gồm 39 đoản văn ở dạng biên khảo về một Hà Nội đầu thế kỷ XX và xa hơn nữa. Tại đó, độc giả được biết về chuyện ăn - mặc - chơi với Cao lâu tửu điếm, Món Pagpag Cửa Đông, Chợ hoa phố Hàng Lược; chuyện của những nơi chốn cụ thể như Vui nhất có chợ Đồng Xuân, Ngõ Tạm Thương, Thương em thì ngỏ, Trường tư thục Thăng Long; chuyện về những thân phận đặc biệt xưa của kiếp người làm phu xe, làm đao phủ tại Hà thành… Tất cả như những mảnh ghép được người viết dựng lại từ quá khứ để tạo ra bức tranh đa diện về Hà Nội một thời.
Đôi lúc, tôi không đủ can đảm để viết
* Xin bắt đầu với một đề nghị: Anh viết một - hai câu thôi - về một Hà Nội trong quá khứ qua góc nhìn của mình?
- Có một Hà Nội khác ẩn sau những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Ở đó, đằng sau mỗi góc phố, mỗi con đường và dưới những viên gạch rêu phong mốc đỏ đều cất giấu những câu chuyện, những tiếng rì rầm của lịch sử.
* Còn nếu phải chọn một địa danh của Hà Nội vốn luôn trở đi trở lại trong trí nhớ?
- Tôi nhớ đến chợ Đồng Xuân. Không hẳn bởi tuổi đời trăm năm của nó mà bởi chợ Đồng Xuân là hình ảnh thu nhỏ của đời sống người Hà Nội. Tôi thấy chợ Đồng Xuân không chỉ xưa nhất mà còn "đời" nhất nhưng cũng đầy bí ẩn.
Bí ẩn ấy gắn với những gia đình buôn bán nhiều đời, những thương hiệu sản phẩm hàng trăm năm hoặc những mặt hàng mang tên gọi từ xa xưa như "La ghim" (rau) chẳng hạn.
* Thẳng thắn, anh nghĩ cuốn sách này có những nét riêng gì so với những sách khảo cứu từng có về Hà Nội?
- Bởi tình yêu đối với mảnh đất này qua các thế hệ, những đầu sách viết về Hà Nội luôn như dòng chảy không ngừng. Đọc những cuốn sách về Hà Nội - nhất là từ những tên tuổi lớn - thú thực đôi lúc tôi không đủ can đảm để viết.
Nhưng tôi lại tâm niệm Hà Nội không phải của riêng ai và mỗi người sẽ thể hiện tình yêu Hà Nội theo cách riêng của mình. Suy nghĩ đó khiến tôi đủ tự tin để tiếp tục tìm tòi, khám phá những điều bí ẩn về mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm này.
Còn nếu buộc phải tìm một điểm riêng trong Hà Nội chuyện xưa phố cũ, tôi nghĩ phần nào nó nằm ở nguồn tư liệu dồi dào dùng tra cứu trong cuốn sách. Là một nhà sưu tầm, tôi may mắn sở hữu số lượng khá lớn các sách báo cổ, trong đó có nhiều thông tin rất quý giá về Hà Nội thời xưa. Từ nguồn tư liệu đồ sộ ấy - trong đó có những câu chuyện dường như ít khi được đề cập khi nói về Hà Nội, tôi hi vọng sách cũng khiến độc giả thấy hứng thú sau khi đã đọc các cuốn sách khác theo phong cách tản văn hoặc thiên về ký ức, hoài niệm.
* Vậy từ khi ra sách, anh đã nhận được phản hồi từ bạn bè và độc giả theo cách nào?
- Quả thật, hạnh phúc nhất của tác giả là cuốn sách được bạn bè và độc giả chào đón, chờ đợi và phản hồi tích cực. Tôi nhận được khá nhiều động viên, rằng sách có nhiều thông tin quý và hấp dẫn, rằng tôi cần viết tiếp về đề tài này, rằng nhiều người sống tại Hà Nội lâu năm, nhưng đọc sách mới biết mình chưa hiểu nhiều về Hà Nội.
Có cả những phản hồi không giống ai một cách thú vị, rằng giọng văn của tôi hóa ra na na các văn sĩ Hà Nội xưa (cười).
* Đó là độc giả nói về giọng văn, còn tôi muốn hỏi về góc nhìn. Theo anh, đặc tính cần có với một người viết sách khảo cứu về Hà Nội là gì?
- Viết sách khảo cứu dĩ nhiên khác với sách văn chương. Việc đầu tiên, bạn cần tách mình ra để nhìn nhận và đánh giá mọi khía cạnh của vấn đề một cách độc lập, khách quan. Ngoài ra, thứ mà bạn không thể thiếu được khi viết sách khảo cứu chính là nguồn tư liệu dồi dào và phong cách viết cẩn trọng, tỉ mỉ có căn cứ, có sự đối chiếu cẩn thận giữa các nguồn khác nhau.
Nói ngắn gọn, mọi vấn đề đưa ra đều phải thuyết phục, cả về trích dẫn và nguồn trích dẫn. Rồi, ngôn từ diễn đạt của sách khảo cứu cần chính xác, rõ ràng nhưng không thể khô cứng như công trình nghiên cứu khoa học mà phải đủ trong sáng, giản dị dễ hiểu…
"Được đề cử vào giải thưởng này, tôi có cảm giác hơi khó tả. Đó là sự pha trộn của niềm tự hào với chút ngượng ngùng - khi tên mình lần đầu tiên xuất hiện trong một giải thưởng gắn với những gương mặt lớn như Tô Hoài, Phan Huy Lê, Văn Vượng, Phú Quang…" - tác gải Tạ Thu Phong.
Hãy yêu, nhưng đừng ám ảnh
* Thật ra, không chỉ có nhiều người viết về Hà Nội xưa. Trong đời sống, tôi cũng gặp rất nhiều những người luôn nhắc tới và nuối tiếc về nó. Anh có nghĩ ở cuôc sống hiện đại, đôi khi chúng ta đang lãng mạn hóa và tô điểm những nét đẹp quá khứ không? Bởi xét cho cùng, có rất nhiều thứ bắt buộc phải thay đổi theo thời gian, và chúng ta nhớ tới chúng không hẳn chỉ bởi sự hoàn hảo, mà còn bởi những kỷ niệm gắn với chính tuổi trẻ của mình?
- À, nhận định này theo tôi là đúng đấy. Đôi lúc chúng ta dành quá nhiều thời gian để trách móc rằng Hà Nội ngày nay xô bồ và lắm bon chen, hoặc than thở rằng Hà Nội ngày xưa đâu có thế… Có lẽ, sự không hài lòng với Hà Nội đương đại khiến chúng ta hay tìm về Hà Nội thuở xưa để thở dài theo cách này.
Hà Nội xưa, qua suy nghĩ có xu hướng tô hồng của chúng ta, thường trở nên lãng mạn và rất hào hoa. Để rồi sau những miên man, chúng ta thường chép miệng lắc đầu, nuối tiếc về những vàng son quá khứ.
Thực ra thì chúng ta đang "làm quá" lên đó thôi. Dĩ nhiên, Hà Nội xưa đã phôi pha theo năm tháng, do thời gian và phần nào do chính con người. Nhưng, cũng hãy chấp nhận rằng thời gian là dòng chảy không ngừng, mọi thứ đều phải thay đổi theo biến thiên của lịch sử, không khác được.
Đó là tôi chưa nói đến việc một phần lớn nét đẹp của Hà Nội xưa mà chúng ta nghĩ đến thường bắt nguồn từ những trang sách. Bởi, chẳng ai có thể đủ trải nghiệm thực tế để hiểu hết mọi thứ của một Hà Nội cũ, cả ở thời gian lẫn không gian. Vậy, hãy cứ yêu một Hà Nội trong quá khứ, nhưng cũng hãy đặt nó ở một vị trí hợp lý nếu nhìn sang hiện tại…
* Vậy ngoài đời, có bao giờ anh hụt hẫng hoặc không vui, theo cách mà nhiều người vẫn chia sẻ khi thấy những bạn trẻ sống ở Hà Nội nhưng không quan tâm tới lịch sử của thành phố?
- Trước thì có đấy, nhưng giờ thì không. Với tôi, giới trẻ hiện có suy nghĩ riêng, độc lập với chúng ta và không dễ áp đặt. Giống như một lần tôi trách con gái không hiểu nhiều về lịch sử Hà Nội. Và con gái tôi trả lời: Con có mối bận tâm của riêng con, cũng như bố có sự quan tâm của riêng bố. Con không bao giờ đặt câu hỏi tại sao bố lại không biết về nhạc trẻ hoặc thế giới của những người trẻ. Con nghĩ rằng để hiểu về lịch sử Hà Nội thì đã có những nhà nghiên cứu và những bạn đủ đam mê để làm việc đó rồi.
Có lẽ, thay vì chép miệng thở dài hay trách móc giới trẻ không quan tâm đến quá khứ của Hà Nội, những người viết về Hà Nội nên tập trung tâm trí, đam mê và sự nghiêm túc trong các cuốn sách của mình, sao cho chúng không chỉ thu hút người lớn mà còn đủ cuốn hút các em (cười).
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đề cử Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội
Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức được trao vào dịp 10/10 hằng năm, gồm 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Việc làm, và Giải Ý tưởng.
Ở hạng mục Giải Tác phẩm năm nay có 4 đề cử chính thức:
1. Phố Hàng Bột, chuyện tầm phào mà nhớ của Hồ Công Thiết (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành).
2. Triển lãm ảnh Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của nhiếp ảnh gia người Mỹ William E. Crawford.
3. Cuốn Hà Nội chuyện xưa phố cũ (NXB Hà Nội) của Tạ Thu Phong.
4. Cuốn Hà Nội đây chứ đâu (NXB Hội Nhà văn) của Đỗ Đức.