Tận dụng và làm chủ AI

Gemini - mô hình Trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là lớn nhất và tối ưu nhất của hãng Google đã chính thức giới thiệu đêm 6/12/2023 (theo giờ Việt Nam). Đây được xem là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới đối với chương trình phát triển AI của Google, được đánh giá có khả năng cạnh tranh với ChatGPT của công ty Open AI.

Kỷ nguyên mới của AI

Được Google giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 6/2023, Google mô tả Gemini là một bước tiến vượt bậc đối với một công cụ AI và nó sẽ được tích hợp cho hầu hết các sản phẩm của hãng trong tương lai.

Gemini không chỉ là công cụ AI đơn lẻ mà nó giống một hệ sinh thái. AI này có phiên bản thu gọn Gemini Nano được thiết kế để chạy tự động và ngoại tuyến trên các thiết bị Android. Trong khi đó, phiên bản Gemini Pro được kỳ vọng sẽ là nền tảng được tích hợp vào các dịch vụ của Google. Chưa dừng lại đó, Google còn tạo ra Gemini Ultra - một công cụ AI mạnh nhất từ trước tới nay và nó được thiết kế cho các trung tâm dữ liệu và ứng dụng doanh nghiệp.

Hiện tại, các công cụ giao tiếp cơ bản nhất của Gemini là nhập văn bản và gửi văn bản, nhưng các mô hình mạnh mẽ hơn như Gemini Ultra có thể hoạt động với hình ảnh, video và âm thanh.

Tận dụng và làm chủ AI - Ảnh 1.

Gemini - mô hình Trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là lớn nhất và tối ưu nhất của hãng Google

Đối thủ lớn nhất của Gemini hiện tại là ChatGPT - được công ty OpenAI ra mắt tháng 11/2022 và đã giúp OpenAI trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực AI. ChatGPT là ứng dụng AI có khả năng kiểm tra một lượng lớn dữ liệu để trả lời nhiều câu hỏi khác nhau thông qua các câu lệnh. Đây không chỉ là một "bộ bách khoa toàn thư" hỏi đáp mà còn là ứng dụng có thể đối đáp trôi chảy với con người, giúp tiết kiệm thời gian và công sức đăng nhập vào website để tìm kiếm thông tin cần thiết. Hơn thế, ChatGPT có năng lực biên soạn các chương trình máy tính và sáng tác, viết luận văn, thậm chí làm thơ hay viết thư tình. Thời điểm ra mắt, ChatGPT được đánh giá là tiên tiến hơn nhiều so với Google - công cụ đang có hơn 90% người dùng trên toàn cầu hiện nay.

Sự ra đời của ChatGPT và tiếp đến là Gemini là minh chứng rõ nét nhất cho thấy thế giới sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới của AI hóa tri thức. Giới chuyên gia nhận định ứng dụng ChatGPT, Gemini hay AI nói chung đang là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới bởi AI góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Điều quan trong là cần hiểu rõ hơn về AI để tận dụng cơ hội của ứng dụng và làm chủ nó một cách có trách nhiệm, để AI thực sự hỗ trợ và phục vụ con người, song không bao giờ thay thế được con người.

Những nguy cơ tiềm ẩn từ sự phát triển nhanh chóng của AI đồng nghĩa với việc các biện pháp bảo vệ cần phải được tích hợp vào hệ thống ngay từ đầu, thay vì tìm cách xử lý hậu kỳ là nhận định của bà Jen Easterly - Giám đốc Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Cơ sở hạ tầng Mỹ. Bà Easterly nêu rõ: "Chúng ta đã bình thường hóa một thế giới, nơi mà các sản phẩm công nghệ ra đời với một tá lỗ hổng và sau đó người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ là người 'vá' những lỗ hổng đó. Chúng ta không thể sống trong thế giới đó với công nghệ AI. Công nghệ này quá mạnh và phát triển quá nhanh".

Tận dụng và làm chủ AI - Ảnh 2.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Quản lý AI

Đứng trước những thách thức và rủi ro về tính bảo mật, quyền riêng tư, độ xác thực… của AI, các quốc gia trên thế giới đều mong muốn tận dụng được mọi ưu điểm của công nghệ này một cách tin cậy và an toàn.

Hồi đầu tháng 12/2023, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã công bố bộ quy tắc quốc tế toàn diện đầu tiên về hệ thống AI tiên tiến, trong đó đưa ra các khuyến nghị để không chỉ các nhà phát triển mà cả những người dùng bình dân khác có thể giảm thiểu các rủi ro do công nghệ này mang lại. Bộ quy tắc này không mang tính ràng buộc, áp dụng đối với tất cả các bên liên quan công nghệ AI.

Bộ quy tắc của G7 đưa ra 12 khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự an toàn, bảo mật và phát triển AI một cách đáng tin cậy trên toàn thế giới, trong đó bao gồm các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và sở hữu trí tuệ, cũng như ưu tiên phát triển các hệ thống AI tiên tiến để giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách như cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong quy tắc ứng xử dành riêng cho các nhà phát triển, các doanh nghiệp được khuyến khích thực hiện nhiều biện pháp như thử nghiệm nội bộ và với các chuyên gia độc lập từ bên ngoài để giảm thiểu rủi ro liên quan thông tin sai lệch và vi phạm quyền riêng tư.

Trong khi đó, hiện Liên minh châu Âu (EU) chưa thể thống nhất về luật quản lý AI. Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU đang có quan điểm trái chiều về hai vấn đề. Thứ nhất là cách thức quản lý các mô hình nền tảng như ChatGPT. Các mô hình nền tảng là các hệ thống AI được đào tạo trên các tập dữ liệu lớn, với khả năng học hỏi từ dữ liệu mới để thực hiện nhiều tác vụ khác nhau. Các nước gồm Pháp, Đức và Italy kêu gọi loại bỏ những hệ thống này ra khỏi những quy định cứng rắn hơn của luật. Trong khi đó, một số nước khác cho rằng luật quản lý AI của EU cần hạn chế thiệt hại có thể xảy ra do lạm dụng AI nhưng vẫn muốn khuyến khích sự đổi mới. Điều này là do các nước châu Âu này vẫn muốn tạo ra được những mô hình nền tảng AI của riêng mình, có khả năng cạnh tranh với công cụ trò chuyện (chatbot) ChatGPT của công ty OpenAI của Mỹ.

Rào cản thứ hai đối với nỗ lực thống nhất bộ luật quản lý AI là các nhà lập pháp EU chia rẽ về việc cơ quan thực thi pháp luật sử dụng hệ thống AI để nhận dạng sinh trắc học các cá nhân trong không gian công cộng. Vì vậy mà theo các nhà quan sát, ngay cả khi EU đạt được một thỏa thuận trong tháng cuối năm 2023 thì luật quản lý AI của khối sẽ khó có hiệu lực sớm nhất vào năm 2026.

Minh Trà/TTXVN (tổng hợp)

Link gốc: TTVH