Tưởng tượng thấy chính mình

Đọc Thức cùng tưởng tượng, tập thơ ra mắt đã khá lâu của Nguyễn Thị Kim Nhung tôi thầm reo lên sung sướng như trẻ nhỏ vì đã tìm thấy một người thay mình, cảm xúc về miền quê mà chính mình đã mang nợ suốt nhiều năm chiến tranh.

1. Tôi thật bất ngờ khi biết Nguyễn Thị Kim Nhung là cô gái của đất Phương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ. Khi Nhung nói đến những địa danh này thì cũng là lúc Nhung "bẻ ngược ghi", đưa con tàu thời gian cho tôi quay về ký ức của những ngày sinh viên ở trường Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc giữa thập kỷ 60 thế kỷ trước của thời chiến tranh.

Dạo ấy, do chiến tranh, các trường đại học phải rời Hà Nội sơ tán về những làng quê. Trường tôi thì về Cẩm Khê, Phú Thọ (lúc ấy là Vĩnh Phú). Ngày nhập học mùa Thu 1966. Để có thể vào đến làng Ngô Xá tá túc, cả khóa học chúng tôi phải đi tàu từ ga Hàng Cỏ rồi xuống ở ga Chí Chủ.

Từ nhà ga bị đánh phá ẩm mờ muỗi đói trong đêm tối, chúng tôi xuống đò ngang vắt qua Sông Thao sang đê Cẩm Khê, từ đó bắt đầu ba lô gồng gánh đi bộ trong đêm trăng dọc theo triền đê tới đầu nhà thờ Dư Bơ thì rẽ trái vượt qua dốc Tăng Xá để vào làng Ngô Xá.

Tưởng tượng thấy chính mình - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung

Phương Xá là một xã thuộc huyện Cẩm Khê, Phú Thọ nằm ngay cạnh triền đê từ ga Chí Chủ sang. Đấy có thể là nơi mà đoàn sinh viên chúng tôi hành quân vào nơi sơ tán, dừng chân nghỉ tạm.

Và tôi mơ hồ rằng, đấy chính Phương Xá quê Nhung, là nơi mà tôi đã nằm gối đầu lên ba lô sinh viên lúc tạm nghỉ chân, để thấy thoảng thơm gần mình hương tóc của người thiếu nữ đồng hương Hải Phòng mà tôi vừa quen trên chuyến tàu nhập học.

Cũng chính Phương Xá quê Nhung là nơi có một trạm bưu điện nhỏ mà tất cả thầy trò trường đại học của tôi phải ra đấy để lĩnh tiền, lĩnh bưu phẩm từ mọi miền quê gửi về suốt 4 năm sơ tán, trong đó có tôi và người bạn gái nói trên khi ấy đã là người yêu đầu đời của tôi. Chúng tôi dắt tay nhau tung tăng cuốc bộ từ Ngô Xá ra Phương Xá nhận tiền gia đình gửi hàng tháng và ngay lập tức sau khi lĩnh tiền là sà vào hàng nước gần trạm bưu điện ăn cho no bánh sắn đặc sản miền Cẩm Khê, cười nói thỏa thuê những điều không nghĩ trước ở tuổi đầu thanh xuân.

Vậy mà... thời gian đã đưa tôi đi tít tắp đến tuổi "nhân sinh thất thập" lúc nào không hay. Ký ức những ngày đó đã cho tôi viết được một chương mang tên "Trường Đại học" trong trường ca ngắn Mùa xuân trắng ở Cẩm Khê với những Ngô Xá, Phương Xá đã hiện lên.

2. Nhưng tôi vẫn chỉ là người ở ngoài viết vào. Đọc Thức cùng tưởng tượng của Nguyễn Thị Kim Nhung tôi thầm reo lên sung sướng như trẻ nhỏ vì đã tìm thấy một người thay mình, cảm xúc về miền quê mà chính mình đã mang nợ suốt nhiều năm chiến tranh.

Không chỉ trả nợ giùm tôi, Nhung đã trả nợ cho chính cô với miền quê sinh thành ra cô, bằng những câu thơ từ trong viết ra. Những câu thơ "viết như không viết": "trung du là tiếng thở dài/ những quãng đứt khiến núi đồi mỏi mệt"; hay "cha bảo con gái trung du phải biết ăn rau đắng/ bởi không tin vào những ngọt bùi". Các thi ảnh rất riêng, "rất Phương Xá" nhưng lại hàm chứa những triết lý chung ở đời như "đồi bạch đàn thao thức đêm mưa/ những bóng cọ xập xòa hồi cố"… hay "gai dứa dại cứa vào nỗi nhớ".

Có điều lạ mà không cố ý là khi Nhung trở về "nhà cũ" của mình thì có rất nhiều liên tưởng giống nhiều tiền nhân. Khi đọc câu "ai ghé cửa nhà ta xin lửa" thì tôi nhớ ngay đến câu thơ Lưu Quang Vũ cũng viết về Phú Thọ nhưng bên tả ngạn Sông Thao "ta ghé cửa nhà nhau xin lửa". Còn khi đọc câu "gậy khua vào chạng vạng" thì lại nhớ đến câu lục bát thân phận của Trần Huyền Trân: "thanh xuân vừa mới hôm nào/ mà nay chống gậy khua vào hoàng hôn".

Mà Nhung có cách dùng điệp từ chả giống ai, hình như là giống... Phương Xá. Đấy là những ngặt ngằn, rộc rạc, thao thác, nhờ nhạt, xập xoà, chơm chởm, chí chát, xo ro, rỗng rễnh, xang xác, neo nẻo, tươi tưởi, nhát nhúa, xệch xẹo, rịm rịt, xộn rộn,… Những điệp từ tạo nên những hòa âm nghịch khiến cho giai điệu thơ bỗng dưng khác biệt những rì rầm thông thường.

Tưởng tượng thấy chính mình - Ảnh 2.

Tập thơ "Thức cùng tưởng tượng"

3. Từ làng quê Phương Xá của mình Nhung đã đi tới những chân trời khác với cặp mắt nhìn "nhênh nhang" của một cô gái đất tổ. Hà Nội là nơi ngụ cư của người cả nước từ Bắc, Trung, Nam, trong đó có Nhung. Hà Nội của Nhung là "hàng sấu đau mùa trĩu quả", là "sen Tây Hồ xanh vì cổ tích", là "căn phòng đêm nay rất trắng" gợi cho tôi nhớ về một câu thơ hay của Duy Khán "bản đồ Hoàng Liên Sơn tím thế"…

Ở Hà Nội, Nguyễn Thị Kim Nhung còn ghi lại giùm tôi những cảm xúc về một trường đại học - trường Viết văn Nguyễn Du - mà tôi và Nhung là đồng môn xa lắc khoá. Bài Lặng cho thấy sự thụt lùi của trình độ giáo sư đến giảng ở môi trường đặc biệt này. Ở khóa I của tôi các thầy đến giảng đều do thầy Hoàng Ngọc Hiến đích danh đi mời, đều là các giáo sư tài ba lỗi lạc. Họ đã trao truyền lại cho chúng tôi tất cả tinh túy mà đời họ đã chắt lọc.

Nhưng đến thời Nhung thì khác: "lẫn trong lời giảng của vị giáo sư tên tuổi/ tôi nghe thấy tiếng rao người đồng nát"; hay "vị giáo sư vẫn nói lời vĩ nhân/ những ô oa khoác lên sự thật một bộ mặt khác/ màu xám chưa hẳn là tẻ nhạt". Cũng nhờ Nhung mà tôi biết khóa của tôi đã không có được cảm xúc khi chia tay như thời Nhung vì khóa chúng tôi toàn cán bộ đi học, không như khóa Nhung toàn sinh viên trẻ trung qua "Những ngày ở Viết văn Nguyễn Du": "chúng mình đã nói về ngày chia tay/ trong nhiều đêm không ngủ/ bỏ quên câu thơ viết dở/ đêm có cớ mờ đãi đằng".

Không chỉ xuống Hà Nội, từ trung du, Nguyễn Thị Kim Nhung còn lên thượng du để nhận cảm khác biệt về miền rẻo cao: "xóm núi trôi trong đêm trăng/ thiếu nữ nghe ai vừa gọi/ đồi núi dong buồm cỏ cây nheo vẫy/ giấc mơ nào cũng ra khơi"... Hay "mẹ lên rừng hái măng/ cái đắng lẫn vào vết chém/ khuyết lẹm sao vẫn dư thừa", hoặc "cuối bản vọng lại tiếng chiêng/ đoàn người kéo nhau đi về phía đốm lửa/ sương khuya vá vía không lành", và "chiều Châu Mộc mưa nghiêng gùi bắp/ mà sao mây cháy ở giữa trời".

Song có lẽ, chuyến đi định mệnh của Nguyễn Thị Kim Nhung là chuyến đi từ đời thường vào đời lính. Người chỉ huy tinh đời của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã chọn Nhung sau khi cô tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du về làm biên tập thơ cho tạp chí văn nghệ của người lính - một tạp chí có hạng trong nền văn nghệ đất nước từ khi vừa ra đời năm 1957 và nhất là trong thời chống Mỹ. Chính tôi cũng trưởng thành từ "bà đỡ mát tay này". Và Nhung cũng từ góc nhìn này mà có những cảm thức riêng về người lính.

Thêm một lần Nhung tái hiện cách nói Duy Khán: "mãi mãi/ hơn mười ngàn tuổi hai mươi ở lại/ Trường Sơn xanh quá/ những giấc mơ/ ngủ vùi trong đất, để rồi giọt nước mắt chưa chạm lên cỏ/ gió đã kịp không khô".

Và trong bài thơ Thức cùng tưởng tượng mà Nhung lấy làm tên cho cả tập thơ, Nhung đã mang đến những thi ảnh mới về người lính. Những thi ảnh thời tôi chưa thể nào xuất hiện: "Tháng Tư ai còn ngồi kể/ đứa trẻ khoác áo anh hùng/ những trận bắn tưng bừng hình dung, hay người lính già trở giấc/ nghe đạn bom vừa chợt thức/ thêm một lần chôn cất tuổi xanh/ cuối rừng thông sấm đã đầu mùa".

4. Thế hệ 9x của Nhung bây giờ làm thơ cũng phải phân vân giữa quá nhiều lựa chọn, hợp với chủ nghĩa nghệ thuật nào, thi pháp nào. Nhung đã không lựa chọn gì ngoài sự phát tỏa bản thể tự nhiên của mình, của một hồn thơ rợp trang bóng cỏ trung du quê hương. Chính điều ấy khiến thơ Nhung mang phong vị của chủ nghĩa cổ điển tự nhiên - một chủ nghĩa nghệ thuật thay thế cho chủ nghĩa hậu hiện đại đã khai tử, do nhà thơ Mỹ Frederick Turner - Giám đốc Đại học Dallas (Texas - Hoa Kỳ) đề xướng. Chính tác giả chủ nghĩa này đã mời thầy Hoàng Ngọc Hiến sang dự hội thảo về nó tại Đại học Dallas. Thầy Hoàng Ngọc Hiến đã dẫn tôi và nhà thơ Hoàng Trần Cương đi cùng vì khi thầy gửi thơ tôi và Hoàng Trần Cương (bản tiếng Anh) cho Frederick Turner đọc, ông ta có lẽ vì thấy hợp với chủ nghĩa của mình nên đã mời chúng tôi sang dự hội thảo.

Trong hội thảo một người bạn Mỹ gốc Việt nói khơi khơi rằng: "cổ điển tự nhiên hiểu đơn giản là vì hậu hiện đại vẽ ra để dọa người đã qua. Nó chủ trương vẽ lại người nhưng không vẽ giống như trước nữa, vẽ bằng sự tưởng tượng tự nhiên".

Có lẽ vậy, Nhung bằng tưởng tượng tự nhiên của mình đã tạo ra một thi pháp cho riêng mình. Không nhập hẳn vào thơ ý niệm, lại càng xa lạ với tân hình thức, thơ Nhung từ đất, nhưng "không tin mình là đất/ xù xì lầm lẫn đa mang/ nỗi buồn trồi lên óng ả". Đó sự tưởng tượng của gốm "lên ngôi từ thuở cho tàn". Tưởng tượng thấy chính mình.

"Thơ Nhung mang phong vị của chủ nghĩa cổ điển tự nhiên - một chủ nghĩa nghệ thuật thay thế cho chủ nghĩa hậu hiện đại đã khai tử" - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha

Link gốc: TTVH