Nghệ sĩ Bạch Long 'ăn cơm tổ, khổ vẫn cười'
Tối ngày 7 - 8/1 tại Nhà văn hoá thanh niên TP.HCM, chương trình kỷ niệm 55 năm nghệ sĩ Bạch Long - Ăn cơm tổ, khổ vẫn cười - đã diễn ra rất ấn tượng, vé hết sớm. Đây là dịp để Bạch Long gặp lại hai thế hệ cải lương Đồng ấu Bạch Long mà anh gây dựng.
Trong một động thái bất ngờ, đầu tháng 8/2022, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF đã mời nghệ sĩ Bạch Long về phụ trách sân khấu cải lương tại Nhà hát Nón lá (nằm trong Cung văn hóa Lao động TPHCM). Sau bao năm rời xa cải lương trong các vai trò người thầy, soạn giả, ông bầu, diễn viên và đạo diễn, lời mời này như ngọn lửa hồi sinh nhiệt huyết vẫn còn âm ỉ trong tim người sáng lập nên Đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long vang danh từ gần 30 năm trước.
Thế hệ đồng ấu mới
Còn nhớ, sáng ngày 11/9/2022, Đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long tái xuất với khán giả thiếu nhi tại Nhà hát Nón lá với vở Con bạch mã và củ cải khổng lồ (kịch bản - đạo diễn: Bạch Long). Đây là vở diễn theo khuynh hướng ngụ ngôn, mượn chuyện xưa nói chuyện nay, có tính giáo dục đạo đức.
Bạch Long cho biết, sẽ xây dựng các vở theo phong cách kịch hoạt náo Ngày xửa ngày xưa đã trở thành thương hiệu lớn của IDECAF, nhưng có hát bài bản cải lương, để gần gũi trẻ em. Toàn bộ diễn viên là học trò cải lương thế hệ thứ 2 của Bạch Long.
Nếu như thế hệ đầu tiên đều là các hậu duệ của sân khấu, thì lứa học trò này đều là những con em không thuộc gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng có tình yêu dành cho cải lương rất mãnh liệt. Các em được thầy Bạch Long đào tạo từ hơn 10 năm trước, nhưng rồi, thầy không còn gánh hát và cải lương gặp khó khăn, không có đất dụng võ, nên tứ tán làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, hoặc là đi đóng vai phụ và quần chúng. Giờ đây, thầy Bạch Long đã được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn ủng hộ tối đa, các em được trở lại sân khấu, để hát các bài bản.
Bạch Long chia sẻ: "Ngày xưa, những Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Bình Tinh, Vũ Luân… dù là con nhà nồi nhưng lúc họ đến với Đồng ấu Bạch Long đều là những đứa trẻ chưa biết ca diễn. Nhờ năng khiếu, chăm chỉ luyện tập, mà sau này họ đều trở thành ngôi sao. Từ đây, tôi có niềm tin rằng lứa thứ hai này cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tỏa sáng nhờ vào chiến lược đầu tư có chiều sâu của anh Huỳnh Anh Tuấn".
Ông nói thêm: "Chúng tôi có kịch bản dồi dào, phương pháp đào tạo bài bản, các em diễn viên có đam mê và năng khiếu, một nhà hát lý tưởng, được đầu tư đến nơi đến chốn. Đây sẽ là những cơ sở để tin rằng Đồng ấu Bạch Long sẽ tiếp tục có một thế hệ kế thừa".
Mấy tháng qua, đoàn đã diễn phục vụ thiếu nhi vào mỗi sáng Chủ nhật và phục vụ khán giả người lớn vào tối thứ Bảy hằng tuần. Tổng số chỗ ngồi khoảng 200 ghế, giá vé chỉ ấn định từ 100.000 - 200.000 đồng/1 vé, nên thường bán hết, các suất diễn đều có lượng khán giả ổn định.
Sau khi cải lương thiếu nhi đã tạm đi vào quỹ đạo, Bạch Long sẽ khởi động cải lương người lớn với nội dung hướng đến các giá trị trung hiếu, tiết nghĩa, chân - thiện - mỹ… Đoàn cũng sẵn sàng diễn theo lời mời của các trường học, hoặc diễn theo hợp đồng.
Hành trình đi cùng trẻ em
Theo nghệ sĩ Bạch Long, vào những dịp đặc biệt, đoàn sẽ dựng tuồng lớn và sẽ mời các ngôi sao xuất thân từ thế hệ đầu tiên của Đồng ấu Bạch Long cùng những tên tuổi lớn khác tham gia. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng vở diễn và tạo điều kiện cho các diễn viên hiện tại có cơ hội học hỏi, rèn luyện từ các nghệ sĩ đã thành danh. Những dịp bình thường, đoàn không mời các ngôi sao, nhằm tạo đất diễn, tạo cơ hội cho các bạn trẻ được diễn những vai quan trọng.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng cho biết: "Tôi luôn đau đáu về sức sống của cải lương. Với tôi, nếu như rối nước là loại hình nghệ thuật dân tộc "độc nhất vô nhị", thì cải lương là tập hợp rất nhiều nét đặc sắc của sân khấu. Nhiều năm qua, tôi đã từng ấp ủ nhiều dự án cải lương nhưng đều không thể triển khai. Giờ đây Bạch Long đã bày tỏ khát khao muốn góp sức cho cải lương, nên tôi tin vào tài năng cũng như quyết tâm của anh ấy".
Anh khẳng định: "Tôi từng thành công với rối nước và rối cạn, hai loại hình tưởng chừng rất kén khán giả, nên rất có niềm tin Bạch Long sẽ thành công với dự án cải lương mà chúng tôi cùng đồng hành".
Đầu thập niên 1980, Bạch Long vụt sáng với các vai Phù Đổng trong tuồng Phù Đổng thiên vương, Kim Đồng trong tuồng Kim Đồng, tướng Phạm Cự Chích trong tuồng Bão táp nguyên phong...
Vào thập niên 1990, video cải lương ăn khách từ trong nước tới hải ngoại, Bạch Long đắt show, nên kiếm tiền nhiều và tên tuổi càng tỏa sáng. Có lần, một biên tập viên của đài HTV mời anh dựng vở kịch thiếu nhi Cóc kiện trời, nhân dịp Hè, để phục vụ thiếu nhi. Anh xin vị biên tập ấy chuyển thể kịch sang cải lương, rồi gom hết các con em nghệ sĩ như Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Bình Tinh… cùng nhiều diễn viên nhí khác tập luyện. Vở cải lương thiếu nhi Cóc kiện trời thành công rực rỡ. Thế là nhà đài yêu cầu anh dựng hàng loạt vở kế tiếp, làm khán giả say mê.
Chủ rạp hát Đại Đồng thấy chương trình cải lương thiếu nhi của Bạch Long quá thành công, đã mời anh mang ra hát tại sân khấu. Kể từ đó, Đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long ra đời. Anh dùng hết tiền dành dụm để nuôi đoàn hát, để khích lệ các em nhỏ theo cải lương. Đến năm 1996, cải lương đuối sức, ông bầu Bạch Long hết vốn, đoàn ngưng hoạt động.
May thay, những học trò của anh như Vũ Luân, Tú Sương, Quế Trân, Bình Tinh… ngày càng trưởng thành. Họ trở thành những ngôi sao thế hệ mới, trong đó nhiều người đã được phong danh hiệu NSƯT. Tất cả những học trò đều ghi ơn và cư xử với anh với một lòng tôn trọng. Đó là niềm an ủi lớn nhất đời anh.
Bạch Long có tên khai sinh là Nguyễn Thành Tùng, là con của NSND Thành Tôn và nghệ sĩ Huỳnh Mai, là anh trai của NSƯT Thành Lộc. Xuất thân từ gia đình có truyền thống từ nhạc lễ cung đình Huế và hát bội (tuồng) Nam kỳ, nên từ bé, Bạch Long đã được sống trong không gian nghệ thuật, đã được lên sân khấu từ hồi mới 5-6 tuổi, đến nay đã 55 năm tuổi nghề.