Ông Nguyễn Hồng Đăng bộ môn đấu kiếm Cục TDTT: 'Đấu kiếm Việt Nam quyết tìm suất dự Olympic'

Đấu kiếm từng giành được 4 suất tham dự Olympic 2016 cho thể thao Việt Nam nhưng bây giờ bộ môn này chỉ kỳ vọng có được 1 tấm vé chính thức đến Thế vận hội lần này. Ông Nguyễn Hồng Đăng, phụ trách bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT), tin tưởng các kiếm thủ sẽ hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đặt ra.

* Thể thao & Văn hóa: Thưa ông, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam sắp bước vào vòng loại Olympic, đây sẽ là cơ hội cuối cùng để chúng ta cạnh tranh tấm vé đến Paris, ông có thể cho biết những bước chuẩn bị của đội tuyển cho đến lúc này?

- Ông Nguyễn Hồng Đăng: Đến thời điểm này, các VĐV cũng đã hoàn tất các bài tập, đấu pháp mà BHL đề ra. Đội tuyển đấu kiếm có 2 "mũi tên" trong quá trình chuẩn bị. Mũi thứ nhất gồm các VĐV tập luyện tại Hà Nội ở các nội dung: kiếm liễu, kiếm chém. Các VĐV đã được BHL chuẩn bị tốt từ kỹ chiến thuật đến đấu pháp. Mũi thứ hai trong TP.HCM với kiếm thủ Nguyễn Phước Đến được đi tập huấn ở Hàn Quốc hơn 1 tháng từ kinh phí của TP.HCM. Được tập huấn dài ngày ở Hàn Quốc nên Nguyễn Phước Đến có sự tích lũy khá tích cực. Theo chia sẻ từ BHL, kiếm thủ kỳ cựu Nguyễn Tiến Nhật không dự giải vòng loại Olympic lần này nhưng đã hỗ trợ, chia sẻ hiệu quả chuyên môn cho Phước Đến trong giai đoạn chuẩn bị. Hiện nay, Nguyễn Phước Đến cùng HLV đã về nước để chuẩn bị cho chuyến đi UAE tham dự vòng loại Olympic.

Trước khi đi UAE, tuyển thủ Phùng Khánh Linh đã được cơ hội thử sức một giải quốc tế ở Hy Lạp. Việc đã được cọ xát cũng giúp Khánh Linh nắm bắt thêm khả năng thi đấu chuyên môn. Trong khi đó, kiếm thủ Vũ Thành An là người có nhiều kinh nghiệm nhất lúc này. Vũ Thành An đã từng dự Olympic 2016 nên ít nhiều hiểu được tính cạnh tranh thi đấu ở giải vòng loại như thế nào. Tuy vậy, do chỉ tập luyện trong nước từ đầu năm đến nay, chưa thi đấu giải nào để cọ xát nên cũng rất khó khăn cho Vũ Thành An. Đấu kiếm là môn đối kháng, nếu không thi đấu thường xuyên, việc tăng cường chuyên môn sẽ rất hạn chế. Dẫu vậy, BHL vẫn hy vọng Vũ Thành An có được một tinh thần tốt nhất, hưng phấn cao nhất để tranh tài tại UAE.

Ông Nguyễn Hồng Đăng bộ môn đấu kiếm Cục TDTT: 'Đấu kiếm Việt Nam quyết tìm suất dự Olympic' - Ảnh 2.

Hạn chế về cọ xát quốc tế là khó khăn lớn nhất của đấu kiếm Việt Nam trong nỗ lực giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Ảnh: Hoàng Linh

* Đâu là những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại Thế vận hội lần này?

- Khó khăn lớn nhất nằm ở việc thời gian qua, các VĐV không được thi đấu nhiều. Chính vì thế, khả năng cọ xát quốc tế của chúng ta không được nhiều. Với các VĐV đấu kiếm, có 2 phương án cạnh tranh suất tham dự Olympic Paris 2024, bao gồm nỗ lực tích điểm theo hệ thống các giải do Liên đoàn Đấu kiếm thế giới tổ chức hoặc thi đấu tại vòng loại của các châu lục. Bởi càng tham dự nhiều giải đấu tích điểm, mỗi cá nhân sẽ dày dạn kinh nghiệm cũng như dần trưởng thành hơn sau quá trình cọ xát quốc tế.

Tuy nhiên, những hạn chế về kinh phí thi đấu quốc tế khiến các VĐV của mình không có điều kiện để thi đấu ở nhiều giải đấu tích điểm. Các kiếm thủ Việt Nam không tham dự World Cup kiếm chém 2024 tổ chức tại Italy, giải kiếm liễu tại Ai Cập hay giải vô địch kiếm ba cạnh diễn ra ở Đức tháng 2 vừa qua.

* Đấu kiếm Việt Nam từng xuất sắc giành 4 tấm vé tham dự Olympic năm 2016 nhưng chúng ta đã thất bại trong nỗ lực tìm suất đến Thế vận hội 2020 ở Tokyo. Hiện tại, chính BHL bộ môn đấu kiếm cũng dè dặt trong việc đăng ký chỉ tiêu Olympic. Vậy ông nhận định cơ hội của các VĐV chúng ta thế nào?

- Như đã chia sẻ, chúng ta chỉ còn duy nhất cơ hội để tìm vé đến Olympic Paris thông qua giải đấu vòng loại sắp đến. Dựa trên các dự báo về chuyên môn và khả năng tranh chấp, đấu kiếm Việt Nam đánh giá những nội dung thi đấu ở vòng loại Olympic lần này rất khó khăn do tất cả những gương mặt tham dự đều có chuyên môn tốt. Căn cứ trên những phân tích về trình độ chuyên môn hiện tại của các đối thủ, BHL nhận định giải đấu lần này cực kỳ khó khăn bởi tất cả các nước tham dự đều có thực lực đáng gờm.

Quy định của môn đấu kiếm, các quốc gia đã có suất chính thức (cá nhân) trong nội dung sẽ không tham dự lượt vòng loại Olympic này nên ít nhiều, chúng ta cũng bớt áp lực bởi nhiều tay kiếm hàng đầu của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã có vé dự Olympic Paris 2024.

Theo tính toán của BHL các VĐV hàng đầu châu Á ở từng nội dung đều đã giành suất tham dự Olympic. Cơ hội lúc này sẽ mở ra với các kiếm thủ Việt Nam, Kazakhstan hay Hồng Kông (Trung Quốc). Mỗi nội dung sẽ có khoảng 5-6 gương mặt thi đấu với mục tiêu có được tấm vé đến Paris, nên sự cạnh tranh có thể xem là cực kỳ khốc liệt.

Đương nhiên, chúng tôi đặt ra chỉ tiêu có vé đi Olympic, Cả thầy và trò của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đều mong muốn và đặt ra quyết tâm cao nhất như thế. Về mặt tinh thần, từ BHL đến VĐV đều đang nỗ lực, quyết tâm cao nhất để giành vé đến với Olympic Paris 2024.

* Vũ Thành An (kiếm chém nam), Nguyễn Phước Đến (kiếm 3 cạnh nam) và Phùng Khánh Linh (kiếm chém nữ) là những VĐV chủ lực của chúng ta ở vòng loại lần này, đâu là gương mặt mà BHL kỳ vọng vào việc giành được thành tích cao nhất?

- Mỗi một VĐV đều có sự nổi trội trong thi đấu của mình. Kiếm thủ Vũ Thành An được kỳ vọng nhiều nhất nhờ kinh nghiệm dày dặn. Việc được thi đấu quốc tế rất nhiều là ưu điểm của VĐV này. Những yếu tố về kỹ chiến thuật của Vũ Thành An đều rất tốt. Anh từng tham gia Olympic 2016 nên rất am hiểu về mức độ cạnh tranh khốc liệt tại các vòng loại lần này. Tuy chủ yếu tập luyện trong nước và chưa tham gia đấu cọ xát quốc tế kể từ đầu năm đến nay, hy vọng Vũ Thành An vẫn duy trì được phong độ ổn định để thi đấu tốt nhất tại UAE.

Trong khi đó, VĐV Nguyễn Phước Đến đang ở vào độ chín phong độ. Nguyễn Phước Đến cũng là nhân tố tốt của đấu kiếm Việt Nam ở nội dung kiếm 3 cạnh. Thời gian qua, VĐV trẻ này sang Hàn Quốc tập huấn dài hạn, tích luỹ nhiều kinh nghiệm quý báu. Ngoài ra, sự hỗ trợ về mặt chuyên môn từ đàn anh Nguyễn Tiến Nhật giúp cho Phước Đến thêm tự tin cho giải đấu quan trọng lần này. Trong khi đó, Khánh Linh cũng vừa được thử sức tại một giải quốc tế ở Hy Lạp. Dù không thu được nhiều kinh nghiệm, việc cọ xát vẫn mang ý nghĩa quan trọng với tinh thần thi đấu của nữ kiếm thủ trẻ tuổi này tại UAE sắp đến.

* Với rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị cũng như các đối thủ đều có chất lượng tốt tại vòng loại lần này, liệu đội tuyển đấu kiếm Việt Nam có hoàn thành chỉ tiêu giành vé tham dự Olympic Paris hay không?

- BHL đội tuyển đấu kiếm đã tính toán kỹ lưỡng và dựa trên chuyên môn để đưa ra các giải pháp hợp lý cho vòng loại Olympic. Chúng tôi hy vọng các em sẽ nỗ lực thi đấu tốt nhất để đạt kết quả. Giải vòng loại Olympic ở UAE rất khó, mỗi nội dung chỉ lấy 1 suất duy nhất để trao vé chính thức đi Paris nên tất cả các quốc gia của châu lục đều tập trung về đây. Đây cũng là giải duy nhất chúng ta dự để tranh vé Olympic.

Từ số lượng VĐV đăng ký thi đấu BHL sẽ dự báo được khả năng tranh chấp và cơ hội thành công đối với từng tuyển thủ của chúng ta. Trên hết, chúng tôi sẽ chờ đợi theo lá thăm và khi vào thực tế giải thì từng trận kiếm phải được xem như "chung kết".

Nói thật, chúng tôi rất kỳ vọng và tin tưởng rằng sẽ hoàn thành được mục tiêu dù biết rằng mọi thứ rất khó khăn và đầy gian nan.

* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

"Vì không tham dự nhiều giải quốc tế thời gian qua, do đó việc tích lũy điểm không nhiều. Điều này đồng nghĩa chúng ta không còn cơ hội giành vé thông qua cạnh tranh vị trí xếp hạng thế giới. Và lựa chọn duy nhất của đội tuyển là tham dự vòng loại đấu kiếm Olympic khu vực châu Á để giành vé đến Paris. Cơ hội còn lại là đấu trực tiếp vòng loại Olympic của khu vực châu Á vào ngày 27, 28/4 ở UAE. Tất cả tuyển thủ chờ cơ hội cuối cùng là đấu tại UAE trong cuối tháng 4 này".



Trần Tuấn

Link gốc: TTVH