Kết luận thanh tra nhiều vụ việc sai phạm về đất đai, xây dựng, trên đảo Phú Quốc
UBND tỉnh Kiên Giang vừa thông báo kết luận thanh tra nhiều vụ việc sai phạm về đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Thông báo nêu rõ, trách nhiệm quản lý đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn của UBND hai phường Dương Đông và An Thới, 4 xã (gồm: xã Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh, Dương Tơ) chưa được thực hiện chặt chẽ, để xảy ra 744 trường hợp chiếm đất, xây dựng nhà ở trái pháp luật, nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời; trong đó, có những khu vực vi phạm phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể: UBND xã Cửa Cạn xét duyệt nguồn gốc đất không đúng thực tế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong xét duyệt nguồn gốc đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 10 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân.
UBND phường An Thới tự ý cho 8 hộ gia đình, cá nhân thuê 823 m² đất do Nhà nước quản lý; cho 4 hộ dân mượn 2.330 m2 đất; giao đất cho 2 hộ gia đình cán bộ, công chức phường với 220 m2 theo chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy phường An Thới; thu tiền cho thuê đất đưa vào cân đối ngân sách phường số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
UBND các xã, phường tuy có thực hiện việc thống kê, kiểm kê nhưng chưa lập hồ sơ đăng ký vào sổ mục kê đất đai, hồ sơ địa chính đối với 77 thửa đất chưa sử dụng (tổng diện tích hơn 1.100 ha) để quản lý. UBND thành phố Phú Quốc và các xã, phường để tồn đọng, chưa thi hành dứt điểm 139/299 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.
UBND thành phố Phú Quốc và Đội trật tự xây dựng thành phố đã để tồn đọng, chưa tổ chức thi hành dứt điểm 155/216 quyết định. Việc quản lý quy hoạch sử dụng đất của UBND các xã, phường chưa chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng quản lý, để hình thành 202 khu phân lô có xây dựng đường bê tông, xi măng diện tích gần 30 ha.
Qua kiểm tra thực tế 67/202 khu, lực lượng chức năng phát hiện có 333 căn nhà xây dựng kiên cố đang tồn tại và xây dựng nhà ở tự phát. UBND hai phường Dương Đông, An Thới và xã Gành Dầu không kịp thời phát hiện, xử lý đối với 39/49 trường hợp xây dựng nhà ở vi phạm về xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích.
Ngoài ra, UBND thành phố Phú Quốc, Hạt Kiểm lâm thành phố, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc, UBND các xã, phường chưa theo dõi triệt để, thực hiện dứt điểm, quyết liệt các quyết định xử lý đã ban hành, để tồn đọng 712/986 quyết định. Các xã, phường, Hạt Kiểm lâm thành phố Phú Quốc để xảy ra các trường hợp vi phạm đất rừng; trong đó có những trường hợp vi phạm phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Vườn Quốc gia Phú Quốc không chủ động kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân đang sử dụng đất trong phạm vi đất rừng được giao quản lý để kịp thời báo cáo, kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Vì vậy hiện nay, Vườn Quốc gia không xác định được quá trình sử dụng, diện tích, thời điểm sử dụng của từng hộ dân đối với diện tích hơn 1.092 ha có người dân đang sử dụng. Việc tổ chức thực hiện quyết định xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền cũng chưa kiên quyết, để tồn đọng 55 quyết định xử phạt hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
Trong suốt quá trình quản lý từ năm 2022 đến năm 2012, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc đã không kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân trong diện tích đất rừng đang quản lý; đồng thời, không xác định hiện trạng khi tiến hành bàn giao đất cho xã, phường. Vì vậy, theo Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, hiện có 7.679 thửa với hơn 3.333 ha hộ dân đang sử dụng trồng cây lâu năm, đăng ký đo đạc lập bản đồ địa chính nhưng chưa xác định được thời điểm sử dụng đất, quá trình sử dụng đất của từng hộ, cá nhân, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng đất được Nhà nước giao.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc không quản lý, theo dõi đầy đủ về diện tích, số lượng các hợp đồng đã giao khoán, không thực hiện kiểm tra việc chấp hành hợp đồng giao khoán của các tổ chức, cá nhân, không tổ chức thanh lý giai đoạn 2022 - 2012, thanh lý không đầy đủ giai đoạn 2013 - 2019 các hợp đồng giao khoán cho các tổ chức, cá nhân đối với diện tích đất đã được tỉnh thu hồi giao cho địa phương quản lý để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Từ kết luận các sai phạm này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao thành phố Phú Quốc chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại mà Đoàn Thanh tra đã chỉ ra; khẩn trương khắc phục, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng, thực hiện quyết định xử phạt hành chính còn tồn đọng. Thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với việc UBND phường An Thới cho thuê đất, cho mượn đất, giao đất sai thẩm quyền, thu tiền thuê đất không nộp vào ngân sách thành phố; lập đầy đủ hồ sơ địa chính đất chưa sử dụng, đưa vào sổ mục kê đất đai, hồ sơ địa chính của xã, phường để quản lý theo quy định.
Vườn Quốc gia Phú Quốc cần tổ chức thực hiện dứt điểm 55 quyết định đã có hiệu lực pháp luật còn tồn đọng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đất rừng trên địa bàn; quản lý chặt chẽ đối với diện tích đất đã thanh lý hợp đồng liên kết và xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND thành phố Phú Quốc tổ chức kiểm điểm về những khuyết điểm, sai phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật; chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra (Công an tỉnh) để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật (gồm: 10 hồ sơ xét duyệt nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại xã Cửa Cạn; 3 vụ việc sai phạm nghiêm trọng trong quản lý Nhà nước về đất đai để việc bao chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất Nhà nước quản lý, xây dựng trái phép trên đất rừng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự).