Chào tuần mới: 'Món nợ' văn hóa đọc

Chúng ta sắp đón một tuần mới với hàng loạt sự kiện được tổ chức để hướng về ngày Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, diễn ra vào 21/4 tới đây.

Lần thứ 2, nhưng thực chất, đó là sự nối dài của Ngày Sách Việt Nam - ra đời vào năm 2014 - trước khi được nâng lên một tầm mức mới với việc bổ sung nội dung "văn hóa đọc" từ năm ngoái.

Và nếu nhìn rộng hơn, đằng sau chuỗi cột mốc ấy là dòng chảy tất yếu của một xã hội phát triển, khi sách và những hình thức tiếp cận nguồn tri thức này dần được đề cao.

So với những quốc gia trong khu vực - chứ chưa nhìn sang những nước phát triển khác - người Việt Nam đọc sách không nhiều, còn lượng sách tiêu thụ trên thị trường của chúng ta cũng khá ít. Đó là thực tế vẫn được nhắc lại mỗi năm vào dịp này, qua những con số thống kê khác nhau.

Chào tuần mới: 'Món nợ' văn hóa đọc - Ảnh 1.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào ngày 21 tháng 4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc

Câu chuyện ấy gắn với nhiều lý do đặc thù về cấu trúc xã hội và dòng chảy phát triển của Việt Nam. Nhiều thế kỷ trong quá khứ, lượng nho sĩ của chúng ta chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Để rồi, ở thời điểm thuận lợi nhất để đặt nền móng cho văn hóa đọc vào đầu thế kỷ XX - khi văn minh phương Tây bắt đầu được tiếp nhận và một tầng lớp thị dân hình thành - chúng ta lại lỡ cơ hội một lần nữa bởi những biến động lịch sử. Chiến tranh, việc mưu sinh, sự tiếp nhận kinh tế thị trường, những thay đổi về giáo dục và bằng cấp… lần lượt cuốn xã hội vào những vòng xoáy mới.

Chỉ tới khi đạt được sự phát triển ổn định, còn việc đọc sách dần được nhìn nhận như một cách tiếp nhận dòng chảy tri thức từ những nước phát triển hơn, văn hóa đọc và những câu chuyện gắn với nó mới dần được chú trọng. Thế nhưng, cũng như các quốc gia khác, chúng ta lại đang gặp những rào cản của một giai đoạn mới, với sự cạnh tranh từ các phương tiện giải trí, nghe nhìn. Thậm chí, đó còn là sự cạnh tranh giữa những dòng sách mang giá trị cung cấp kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn với những đầu sách thuần giải trí và hời hợt, dễ dãi về nội dung.

***

Kể vậy, không phải để bi quan, mà để gắn với một thực tế: Phát triển văn hóa đọc là chặng đường dài có tính liên tục. Và, những thành quả ban đầu mà chúng ta nhận được không chỉ đến từ nỗ lực ở phía quản lý hay ngành xuất bản, mà còn từ toàn bộ cộng đồng với trách nhiệm và nhiệt huyêt của mình của mình.

Nhìn lại, hơn chục năm qua, không khó để nhận diện thành quả từ sự nỗ lực chung ấy. Ở đó, các sự kiện hưởng ứng Ngày Sách và Việt Nam không còn nặng về tính hình thức, khô cứng mà đã dần đi vào thực chất, với hàng loạt hội sách, buổi giới thiệu tác phẩm, giao lưu tác giả - độc giả..

Hoặc, hệ thống các đường sách/phố sách lần lượt mọc lên tại các đô thị lớn, để trở thành không gian đặc thù gắn với văn hóa đọc. Rồi một cách chủ động, rất nhiều đơn vị xuất bản đã tổ chức các chuỗi sự kiện nhằm lan tỏa giá trị của sách, cũng như khơi gợi thói quen đọc sách của cộng đồng.

Thậm chí, gắn với các độc giả nhỏ tuổi, việc thành lập thư viện tại các trường học hoặc tổ chức các cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi - điều mà báo "Thể thao và Văn hóa" (TTXVN) đang làm với việc tổ chức giải thưởng thường niên Dế Mèn từ năm 2020 - cũng là một lựa chọn để "ươm mầm" cho văn hóa đọc.

Như thế, văn hóa đọc không phải là câu chuyện mang tính thời điểm của tháng Tư. Đó là một cuộc ngược dòng đầy khó khăn - như cách nói của nhiều chuyên gia - khi phải đứng trên một nền tảng không ổn định mà quá khứ để lại, nhưng cũng là một cơ hội để thấy nỗ lực, trách nhiệm và nhiệt huyết của cả xã hội trong việc nâng cao tri thức cộng đồng.

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH