Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (Kỳ 1): Còn nhiều 'dư địa' phát triển công nghiệp văn hóa

Cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy, đến hành động để đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, cạnh tranh.

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 22/12 vừa qua.

Mới ở tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa

Cần phải nhắc lại là tính đến hội nghị này, Việt Nam đã trải qua chặng đường 7 năm (2016 - 2023) triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chiến lược 1755). Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng tại hội nghị, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP: Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm 2016, 2017, 2018 triển khai Chiến lược 1755: Năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (Kỳ 1): Còn nhiều 'dư địa' phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.

So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển.

Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Bộ VH,TT&DL báo cáo: Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Sự thay đổi này đã tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở cả 12 ngành. Giai đoạn 2018 - 2022: Đối với kiến trúc: giá trị gia tăng bình quân tăng 7,37%; Đối với thiết kế: giá trị gia tăng của bình quân tăng 6,36%; Đối với thời trang: giá trị gia tăng bình quân tăng 7,3%; Đối với điện ảnh: giá trị gia tăng bình quân 7,94%...

Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam: Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố thiết kế sáng tạo, Đà Lạt - thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An - thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian.

Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (Kỳ 1): Còn nhiều 'dư địa' phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Hội An - một trong 3 thành phố của Việt Nam tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Ảnh: TTXVN

Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Công ước 2005 bảo vệ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO được thông qua năm 2005, có hiệu lực từ tháng 3/2007.

Với tư cách là thành viên có trách nhiệm của UNESCO, Việt Nam đã thể hiện sự đóng góp tích cực bằng hành động thông qua việc ban hành Chiến lược 1755; trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO nhiệm kỳ (2011 - 2015).

Gần đây nhất, ngày 22/11/2023, Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu rất cao. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa - một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đối với cộng đồng quốc tế.

Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Vẫn còn nhiều bất cập và thách thức

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra. Theo đó, hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Đồng thời, còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.

Người đứng đầu Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh, bất cập còn là nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này.

Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (Kỳ 1): Còn nhiều 'dư địa' phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 4.

Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) diễn ra tại thành phố Dubai đã vinh danh Việt Nam là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2023. Thủ đô Hà Nội được vinh danh là Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ngoài ra, chưa có chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thống kê của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan mới chỉ đáp ứng yêu cầu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chưa được thực hiện toàn diện và đầy đủ dẫn đến việc đề xuất giải pháp phát triển của từng lĩnh vực chưa kịp thời và sát thực tế; các ngành công nghiệp văn hóa là nhóm ngành dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam hiện nay chưa đưa được hết các giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều doanh nghiệp Việt chưa đề cao xây dựng giá trị thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ và các yếu tố pháp lý liên quan đến bảo vệ bản quyền.

Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm, do nguồn vốn chi cho đầu tư sáng tạo lớn, nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, nhỏ lẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cơ chế, chính sách, phương pháp quản lý, đến ứng xử của cộng đồng, xã hội đối với từng sản phẩm công nghiệp văn hoá.

Việt Nam có một thị trường nội địa tiềm năng với dân số trẻ, cởi mở, dễ tiếp cận, tuy nhiên đối tượng này chưa hình thành thói quen, ý thức trong việc tôn trọng, bảo vệ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam một cách toàn vẹn, khai thác, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đầu tư tài chính cho văn hóa trong đó có công nghiệp văn hóa từng bước được nâng lên nhưng hiện tại còn thấp hơn so với nhu cầu.

Việt Nam hiện có hơn 70 nghìn cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp bình quân đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

(Còn nữa)

Phạm Huy

Link gốc: TTVH