Phát triển công nghiệp âm nhạc Việt Nam (kỳ 1): Tháo gỡ 'nút thắt' từ cơ chế, chính sách

Âm nhạc nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung được coi là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, âm nhạc cũng được nhiều thành phố, địa phương của Việt Nam lựa chọn là một trong những thế mạnh sáng tạo góp phần vào quá trình phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương.

Đơn cử như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) được coi là một trong những hoạt động chiến lược nhằm triển khai đề án Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội. Hoặc gần đây nhất, Đà Lạt và Hội An đã được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Không phải ngẫu nhiên màHội thảo quốc tế Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội, đã cho thấy Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp âm nhạc. Tuy nhiên, cũng tại hội thảo này theo các chuyên gia cũng có nhiều vấn đề đặt ra từ cơ chế, chính sách cho đến hoạt động của các nghệ sĩ, để Việt Nam có thể thực sự định hình nền công nghiệp âm nhạc trong tổng thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung.

Được quan tâm nhưng vẫn còn khó khăn

Thực tế, vấn đề hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách cho các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã được chú trọng đề cập như một nhiệm vụ, giải pháp cần kíp trong hầu hết các chiến lược về phát triển văn hóa ban hành thời gian gần đây.

Cụ thể, chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 được ban hành năm 2021 đã nêu: Có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, tiềm năng như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.

Hoặc trước đó, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, cũng đưa ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa quan trọng là hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Phát triển công nghiệp âm nhạc Việt Nam (kỳ 1): Tháo gỡ 'nút thắt' từ cơ chế, chính sách - Ảnh 1.

Hội thảo quốc tế Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai

Chú trọng xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới, các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chiến lược cũng nhấn mạnh, nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công - tư, khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa.

Rõ ràng vấn đề cơ chế, chính sách được quan tâm trong một lộ trình thống nhất nhằm tạo ra môi trường pháp lý hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Tuy nhiên, khi nhìn từ góc độ chính sách, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, lại nêu một thực tế: "Nền công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam hiện nay đã phát triển hay chưa? Tôi cho rằng, công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam chưa thực sự phát triển vì còn rất nhiều những sự khó khăn từ cơ chế, chính sách".

Bà Phương lấy ví dụ, trường hợp của Monsoon Music Festival mặc dù là một "hoạt động chiến lược", có những đóng góp tích cực vào nền công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung, nhưng lại được cấp phép tổ chức rất sát ngày. Theo bà Phương, có tình trạng cấp phép chậm như vậy bởi trong các cơ chế, chính sách của chúng ta đang còn rất nhiều cần kiện toàn hơn.

Lý giải thực tế cơ thế, chính sách cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn nhiều khó khăn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho biết, khi nhiều quốc gia trên thế giới có sự ưu đãi về thuế, hay có những chính sách đầu tư tập trung cho lĩnh vực văn hóa thì ở Việt Nam, văn hóa chưa nằm trong lĩnh vực ưu tiên của Luật Đầu tư. Đó là một trong những khó khăn ở Việt Nam trong vấn đề phát triển văn hóa, đặc biệt là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Về hợp tác công-tư, bà Phương cũng nêu thêm, "tại Việt Nam, văn hóa vẫn chưa phải là lĩnh vực được đầu tư để mở ra những cơ hội hợp tác công-tư cho các ngành công nghiệp văn hóa. Nhìn tổng thể, đây là những nút thắt về mặt chính sách rất khó để tháo gỡ,nếu muốn thay đổi điều này thì phải có sự sửa đổi về luật".

Thế nhưng, để luật được sửa đổi còn là câu chuyện dài phải chờ đợi. Trong khi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hiện nay lại cần có những sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời và tương xứng với những lợi thế, tiềm năng sẵn có của Việt Nam!

Nhìn ra thế giới

Có những "nút thắt" trong cơ chế, chính sách cũng là điều dễ hiểu khi công nghiệp văn hóa mới chỉ được quan tâm trong khoảng 10 năm trở lại đây, chưa kể Việt Nam còn là nước đang phát triển. Trong khi đó, tại các nước phát triển, công nghiệp văn hóa đã được định hình và đầu tư từ sớm với môi trường chính sách thân thiện hỗ trợ tối đa cho các nguồn lực văn hóa để phát triển.

Phát triển công nghiệp âm nhạc Việt Nam (kỳ 1): Tháo gỡ 'nút thắt' từ cơ chế, chính sách - Ảnh 2.

Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa 2023

Bà Phạm Minh Hồng, quản lý nghệ thuật của Hội đồng Anh cho biết, ở Vương quốc Anh, công nghiệp văn hóa đã phát triển suốt 30 năm nay. "Họ đưa ra khái niệm và nhìn nhận tất cả các ngành công nghiệp văn hóa là công nghiệp sáng tạo. Ngay lập tức, họ đưa ra những chính sách rất cụ thể để trực tiếp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp văn hóa".

Trước hết, trong bộ máy, họ tạo ra những tổ chức "cánh tay nối dài" để hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa thay vì trực tiếp từ chính phủ, như Hội đồng Anh là một ví dụ. Những tổ chức này nhận một phần kinh phí từ chính phủ hướng tới mục đích thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sáng tạo. Bởi thế, họ như cầu nối giữa nghệ sĩ, tổ chức làm nghệ thuật với những chính sách của nhà nước để đưa những nhu cầu và kinh nghiệm trong ngành đến với chính phủ nhằm có được những quyết sách phù hợp.

Mặt khác, bà Hồng còn cho biết, ở Vương quốc Anh, trong mọi việc đưa ra quyết định xây dựng những chính sách hỗ trợ cho nghệ thuật thì nghệ sĩ và những người thực hành sáng tạo luôn là trung tâm của những quyết sách đó. Họ có quyền được tham gia vào việc tư vấn thông qua những tổ chức "cánh tay nối dài". Họ được quyền đưa ra những nhu cầu, minh chứng, con số và những khả năng mà họ có thể đóng góp được vào nền kinh tế. Đồng thời, họ hoàn toàn có thể đấu tranh cho những quyền lợi của mình dựa trên những chính sách đó.

Hơn nữa, ở Vương quốc Anh có những sự hỗ trợ rất cụ thể, đó là giảm thuế cho những doanh nghiệp cũng như những cá nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Họ có những ưu tiên cho những lĩnh vực đang phát triển mạnh như điện ảnh, phim hoạt hình, thiết kế game… với mức giảm thuế từ 20 - 25%. Sự hỗ trợ về thuế này giúp cho các ngành công nghiệp văn hóa được ưu tiên đang phát triển mạnh lại càng được thúc đẩy mạnh hơn.

Ngoài ra, Vương quốc Anh còn giảm thuế cho cá nhân là những nghệ sĩ độc lập hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thuế thu nhập cá nhân của họ chỉ tính trên phần lợi ích thu được từ các nguồn thu sau khi trừ đi những chi phí mà nghệ sĩ phải bỏ ra. Đó là phần thuế được tính rất nhỏ trên phần lợi ích mà nghệ sĩ thu được. Bà Hồng cho rằng, đây là những hỗ trợ thiết thực để khuyến khích nghệ sĩ tham gia đóng góp vào ngành công nghiệp văn hóa, cũng như tạo ra được môi trường phát triển chung cho ngành văn hóa.

Trong khi đó, bà Thảo Nghiêm, Giám đốc Marketing tại Small World Music và Global Toronto tại Canada cho biết, ở Canada cũng có những chính sách hỗ trợ cho phát triển công nghiệp văn hóa tương tự. Cụ thể, hầu hết những lễ hội âm nhạc ở Canada đều nhận được những hình thức hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ hoặc thành phố.

Hoặc ở Hàn Quốc, ông Young Kong, Giám đốc điều hành Lễ hội Âm nhạc Zandari Festa cho hay, chính quyền thành phố Seoul cũng có những chính sách hỗ trợ cho các lễ hội âm nhạc và các nhạc công độc lập. Nói rộng ra, Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ thiết thực cho nghệ sĩ cũng như ngành nói chung. Song, cũng theo ông Young Kong, mặc dù những chính sách này hữu ích, nhưng đôi khi khó áp dụng do nhiều thủ tục.

Những kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới có nền công nghiệp văn hóa phát triển hoàn toàn có thể trở thành những tham chiếu, gợi mở cho Việt Nam để tháo gỡ những "nút thắt" trong cơ chế, chính sách. Thế nhưng, theo các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai, Việt Nam cũng đang có những lợi thế khi sở hữu môi trường thực hành sáng tạo khá năng động.

"Các nghệ sĩ, tổ chức làm nghệ thuật ở các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển đã quá quen với hệ thống chính sách luôn có các gói hỗ trợ từ chính phủ để hoạt động. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, các gói tài trợ của chính phủ chỉ có số lượng giới hạn, trong khi nhu cầu của ngành lại gia tăng. Thế nên, hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa bị phụ thuộc vào nguồn tài chính được hỗ trợ" - bà Phạm Minh Hồng phân tích - "Trong khi, ở Việt Nam đang có môi trường sáng tạo rất mới, có những nghệ sĩ rất chủ động. Họ hoạt động với mức độ hỗ trợ giới hạn, nhưng có thể tạo ra được những kết quả khả quan cho các ngành công nghiệp văn hóa. Điều này cho thấy nội lực của những người làm sáng tạo ở Việt Nam rất lớn, cũng như tiềm năng phát triển của nền công nghiệp văn hóa tại Việt Nam".

(Còn tiếp)

Công Bắc

Link gốc: TTVH