Bóng đá Việt Nam và 'bài toán' dinh dưỡng, thể lực

Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho 2 trận đấu then chốt gặp Indonesia tại vòng loại World Cup 2026 mà không có được lực lượng tốt nhất và HLV PhilippeTroussier cho tới sát ngày đội tuyển hội quân vẫn còn phải lo lắng vì chấn thương và tình trạng thể lực của các học trò.

Trên thực tế, chấn thương và tình trạng thể lực không đảm bảo luôn là vấn đề với đội tuyển Việt Nam tại các giải đấu lớn, nhỏ từ xưa đến nay. Tuy nhiên, đến thời HLV Troussier, khi lối chơi kiểm soát bóng được đề cao thì yêu cầu thể lực với các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam càng trở lên cực kỳ quan trọng.

Lẽ dĩ nhiên, đội tuyển quốc gia không phải là nơi để tập trung rèn thể lực, yêu cầu chuyên môn và quỹ thời gian eo hẹp của các đợt tập trung không cho phép ban huấn luyện làm điều đó. Vấn đề đặt ra là khi lên tập trung đội tuyển quốc gia, phần đông các cầu thủ không chấn thương thì thể lực cũng có vấn đề vì cường độ tập luyện, lịch thi đấu dày đặc ở cấp CLB, trong khi vấn đề y tế, dinh dưỡng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Bóng đá Việt Nam đang chuyển đổi theo lịch thi đấu AFC. Giải vô địch quốc gia (V-League) đá theo thể thức vắt qua 2 năm trong khi đội tuyển quốc gia chỉ tập trung ngắn hạn rồi thi đấu luôn, không còn tập trung dài hạn như trước. Chấn thương liên tiếp thời gian qua của các tuyển thủ Việt Nam cho thấy chúng ta vẫn đang thích ứng, cần thời gian.

Công tác chăm sóc, y tế, dinh dưỡng cầu thủ ở CLB phải tốt, đội tuyển Việt Nam mới vững mạnh. Xây dựng nền tảng thể lực cho cầu thủ là chuyện của CLB và việc nhiều cầu thủ chấn thương trong thời gian qua cho thấy khâu thể lực, dinh dưỡng ở các đội chưa tốt, dẫn tới không thích nghi được với quá trình chuyển đổi lịch thi đấu của các giải đấu trong nước.

Dinh dưỡng, thể lực cho các cầu thủ vốn là vấn đề vĩ mô và nếu không thực sự được quan tâm và có sự điều chỉnh, phối hợp đồng bộ từ các CLB cho đến đội tuyển quốc gia thì mục tiêu World Cup với bóng đá Việt Nam tưởng như rất gần lại trở nên quá đỗi xa xôi.

Bình luận: Nỗi lo dinh dưỡng, thể lực - Ảnh 1.

Chấn thương liên tục của các tuyển thủ trong thời gian vừa qua khiến ĐT Việt Nam ít khi có được đội hình mạnh nhất. Ảnh: Hoàng Linh

Trở lại với câu chuyện chấn thương và thể lực của các cầu thủ đội tuyển Việt Nam trước thềm 2 trận đấu gặp Indonesia, rõ ràng HLV Troussier đang phải cùng các học trò của mình chơi một "canh bạc" mà ở đó họ không được phép thất bại nếu không muốn lộ trình dự vòng loại thứ 3 World Cup 2026 sớm bị tan vỡ.

Nhưng bất lợi cho ông Troussier cũng như đội tuyển Việt Nam là vẫn không có được đầy đủ lực lượng như mong muốn. So với Asian Cup 2023, đội tuyển Việt Nam trong lần hội quân tái đấu Indonesia lần này có nhiều hơn các cựu binh nhưng vẫn chưa phải đầy đủ nhất. Vẫn còn đó một vài cái tên mà từng cùng đội tuyển Việt Nam khắc chế được lối chơi thiên về sức mạnh, áp sát không ngừng nghỉ của Indonesia trong những năm trước như Văn Lâm, Văn Hậu, Quế Ngọc Hải, Tuấn Hải…phải làm khán giả vì lý do chấn thương.

Trừ chấn thương gần đây mà Tuấn Hải mới gặp phải khi thi đấu cho CLB Hà Nội, cả Văn Hậu, Văn Lâm, Quế Ngọc Hải đều chấn phương và phải điều trị suốt một thời gian dài nhưng vẫn chưa thể thi đấu trở lại.

Cầu thủ chấn thương khi thi đấu ở CLB phải tự lo là chính vì không đội bóng nào có bác sĩ đủ thời gian và trình độ điều trị chấn thương cho cá nhân từng cầu thủ vì nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cả tập thể đội bóng vẫn là chính.

Thế nên mới có chuyện Quế Ngọc Hải tự tập hồi phục tại TP.HCM, Văn Hậu sang Singapore phẫu thuật còn Văn Lâm hết gửi film sang Nga cho bác sĩ chẩn đoán rồi mới đây còn thuê chuyên gia Ryo Asano từ Nhật Bản sang nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục chấn thương cổ chân, để có thể sớm trở lại sân thi đấu. 

 

Lâm Chi

Link gốc: TTVH