U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2024: Bóng đá vẫn là câu chuyện thành tích
HLV Philippe Troussier chia tay bóng đá Việt Nam, phân tích thì có nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy lại đó là vì thành tích dưới thời của ông quá tệ, và đó chính là bản chất thật của cái gọi là "không phù hợp" trong bóng đá Việt Nam. Trong khi đó, HLV Park Hang Seo thì tinh tế hơn khi đúc kết: "Người Việt Nam rất đam mê bóng đá, nhưng đó là thứ bóng đá chiến thắng".
Nhân giải U23 châu Á của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn, hãy nhìn lại kỳ tích Thường Châu 2018. Đó là giải đấu mà đội bóng của HLV Park Hang Seo chơi tốt, đương nhiên, nhưng điều quan trọng là chúng ta vượt qua vòng bảng và có các chiến thắng để vào đến trận chung kết.
Khi giải đấu kết thúc, đâu có mấy ai quan tâm đến chuyện chúng ta may mắn như thế nào hay việc phải luôn đặt mình vào trạng thái lội ngược dòng không tưởng. Đó chính là ví dụ điển hình của yếu tố thành tích trong bóng đá Việt Nam.
Công bằng mà nói, những nền bóng đá trung bình đang muốn vươn lên như Việt Nam luôn có những lựa chọn khó khăn nhiều hơn những nền bóng đá mạnh. Người Đức, Italy, Brazil … có thể "hi sinh" 5-7 năm để rèn giũa cho một thế hệ mà không gặp vấn đề gì bởi với nền tảng của mình, họ luôn có cơ sở để trở lại với thời hoàng kim. Nhưng bóng đá Việt Nam thì ngược lại, không thể nói về lối chơi đẹp, giấc mơ World Cup khi cứ thua đều đều các đội ở Đông Nam Á.
Nghĩa là cho dù HLV Hoàng Anh Tuấn có tuyên bố U23 sẽ chơi hết mình, nỗ lực hết sức, thì điều quan trọng nhất mà các học trò của ông nên làm chính là hãy tìm kiếm bằng được ít nhất một chiến thắng. Đó là thứ mà HLV Troussier không làm được, dù quan điểm của ông này rất hay. Bóng đá Việt Nam hiện tại không tồn tại một sự kỳ vọng về "kỳ tích Thường Châu 2018", mà là những kết quả cụ thể.
Nghe rất thực dụng nhưng rõ ràng là hợp lý. Lấy ví dụ như thành tích của các CLB Việt Nam ở Cúp châu Á. Chúng ta có một vài trận thắng tại đấu trường AFC Champions League, nhưng nếu để nhớ lại, thì chủ yếu vẫn là 2 lần vào bán kết AFC Cup của B.Bình Dương (2009) và Hà Nội FC (2019). Đó chính là điều rất thực tế và có giá trị nhất. Hãy nhớ rằng, bóng đá Việt Nam bắt đầu dự các giải đấu CLB châu Á từ năm 1992 nhưng đến nay cũng chỉ có 2 cột mốc quan trọng ấy mà thôi. Qua đó cũng thấy rằng, dù cho chúng ta có tiến bộ thì cũng chẳng đi được quá xa. Với thành tích ấy của các CLB, thì liệu có công bằng không khi đòi hỏi đội tuyển quốc gia phải vào tốp 10 châu lục, thường xuyên vượt qua vòng bảng Asian Cup, hay giành quyền dự World Cup?
Bóng đá nói cho cùng vẫn là câu chuyện về thành tích. Tại vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã có những trận thua "đẹp" như trước Hàn Quốc, Australia hay UAE với các cách biệt tối thiểu. Với những thất bại kiểu như vậy, chúng ta mơ mộng đến chuyện sẽ giành vé ở vòng loại kế tiếp năm 2026. Nhưng thực tế thì thua vẫn là thua, khoảng cách về trình độ sít sao như tỷ số. Đó chính là bản chất mà những người làm chuyên môn cần phải tỉnh táo để nhận ra, vì nếu không, tưởng là đã thu hẹp được khoảng cách nên nghĩ đến chuyện sẽ chơi bóng chủ động hay tấn công các đội bóng mạnh để tìm chiến thắng như thời HLV Troussier.
Hơn lúc nào hết bóng đá Việt Nam cần một triết lý làm bóng đá cho riêng mình. Nó không phải là cách chúng ta chơi bóng, mà là quan điểm rõ ràng hơn về cách để tiếp cận với đỉnh cao châu lục. Hãy nhìn sang Indonesia, họ không ngại ngần việc nhập tịch cầu thủ, bởi chỉ cách tiếp cận thực dụng như vậy mới có thể tìm kiếm thành tích nhanh nhất.
Người Thái Lan thì tập trung vào việc phát triển quy mô CLB, họ không lăn tăn vì số lượng ngoại binh ở Thai-League bởi họ biết chỉ có cách đó thì mới giúp CLB của mình có đủ khả năng cạnh tranh ở AFC Champions League. Có chơi tốt thì mới giữ được số suất tham dự mỗi năm, đều đặn như vậy thì cầu thủ nội sẽ được hưởng lợi nhờ chơi bóng đỉnh cao thường xuyên.
Vậy đâu là triết lý, là cách tiếp cận thành tích của bóng đá Việt Nam? Không ai biết cả. Chúng ta luôn có xu hướng giảm ngoại binh tại V-League cho dù cầu thủ nội có quá ít cơ hội để thi đấu quốc tế. Các CLB của chúng ta cố gắng tranh đua để đoạt chức vô địch V-League nhưng khi có suất để đá châu lục thì lại không đủ khả năng đầu tư để cạnh tranh. Cầu thủ khi xuất ngoại thì đều chọn các điểm đến "danh giá" để rồi sang đó ngồi dự bị. Đó là sự lửng lơ chết người.