Góc nhìn 365: Ngày Tết, có nhất thiết ở nhà?
Chúng ta chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Nhưng ngay từ bây giờ, không khí Tết đã lan tỏa khắp đường phố lẫn mạng xã hội với cảnh mua bán tấp nập, cũng như vô vàn trao đổi của cộng đồng quanh chuyện chuẩn bị đón Tết.
Và trong số trao đổi ấy, bên cạnh những lời kêu gọi lập team hoặc tìm bạn đi chơi dịp Tết - vốn đang xuất hiện liên tục trên các diễn đàn hoặc hội nhóm dành cho du lịch, một câu hỏi không mới lại được xới lên: Liệu có gì sai nếu sang năm mới, các bạn trẻ muốn đón một cái Tết… xa nhà?
Thực chất, từ mươi năm qua, cuộc tranh luận ấy vẫn thường xuất hiện mỗi khi Tết về. Nó gắn với một xu thế đang dần phát triển, khi nhiều bạn trẻ coi Tết là dịp lý tưởng để đi du lịch và nghỉ dưỡng, thay vì "quanh quẩn" tại nhà trong gần 1 tuần lễ.
Nhiều tiền thì ra nước ngoài - vốn rất sẵn các tour du lịch ngày Tết đang được các hãng lữ hành mở ra. Ít tiền hơn thì tới các điểm du lịch trong nước, nhất là vùng biển miền Nam Trung Bộ vốn luôn ấm áp trong dịp Tết. Ít tiền hơn nữa thì có thể rủ nhau tự "phượt" lên Tây Bắc để ngắm hoa đào, hoa mận trong dịp Xuân về.
Những lựa chọn ấy luôn giàu sức hút với bất cứ ai muốn tìm kiếm những cảm xúc mới lạ, thoát ra khỏi truyền thống lặp lại hàng năm.
Chỉ có điều, muốn xa nhà vài ngày vàoTết, tất nhiên chúng ta phải thông báo - thậm chí là xin phép - những người lớn tuổi quanh mình. Để rồi, nhiều khi, đó lại là nguồn cơn để tranh cãi quanh chuyện đi chơi hay ở nhà xuất hiện trong mỗi gia đình, rồi lan tỏa trên không gian mạng với sự bức xúc của mỗi cá nhân.
Cũng dễ hiểu. Với người lớn tuổi, Tết là dịp được mong ngóng để gia đình hội ngộ sum vầy - đặc biệt là những nhà có con đi học, đi làm xa cả năm. Bởi thế, ý tưởng bỏ nhà đi biền biệt trong dịp Tết (thậm chí có thể đi từ trước ngày 30 Âm lịch) phần nào bị xem là ích kỷ. Và khi chia sẻ, suy nghĩ ấy của các phụ huynh nhận được sự đồng tình không chỉ ở người cùng thế hệ mà còn cả ở những bạn trẻ đề cao giá trị truyền thống.
Còn với rất nhiều bạn trẻ, giá trị của sự "sum vầy" không thể hiểu máy móc là sự gần gũi về khoảng cách vật lý giữa các thành viên trong gia đình. Hoặc, như cách nói của nhiều người, sự quan tâm gần gũi với người thân là câu chuyện cần được thực hiện quanh năm dưới nhiều hình thức, thay vì chỉ… đổ dồn vào Tết. Với họ, đôi khi đi chơi lại là một cách để phản ứng với sự nhàm chán - nếu có - của ngày Tết bây giờ.
***
Nhưng người viết tin rằng trong tương lai, cuộc tranh luận này sẽ giảm dần độ "gay gắt", hoặc không còn là vấn đề phải bàn cãi như hiện nay.
Bởi, chỉ 10 năm, 20 năm nữa, trào lưu "du lịch" ngày Tết sẽ không còn là điều quá mới lạ. Và khi ấy, những chàng trai, cô gái đang nằng nặc đấu tranh cho quyền "phượt Tết" của hôm nay cũng tới lúc trở thành người trung niên hoặc cao tuổi trong nhà.
Có sẵn trải nghiệm để cảm thông với tâm lý "muốn đi" của người trẻ, nhưng theo thời gian, những bậc phụ huynh tương lai ấy hẳn cũng sẽ có thêm những nhận thức về giá trị của gia đình. Cũng giống như, khi đời sống kinh tế và nhu cầu hưởng thụ phát triển tới một giai đoạn nhất định, xã hội lại luôn có xu hướng quay về với những giá trị truyền thống vững bền.
Còn về bản chất, cuộc tranh luận đi - ở sẽ không bao giờ phân định nổi đúng sai, khi nó liên quan tới lựa chọn của mỗi cá nhân. Chỉ có điều, nếu muốn chọn niềm vui làm nền tảng của ngày Tết, rõ ràng chúng ta hãy cùng trao đổi, cùng bao dung để có sự đồng thuận.
Và nói cho cùng, cũng không quá khó khăn cho một lựa chọn dung hòa: Các bạn trẻ nên ở cạnh ông bà, cha mẹ mình trong ngày cuối cùng của năm cũ và ngày đầu tiên của năm mới, trước khi bắt đầu du lịch.