Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Tận hiến cuộc đời cho nghệ thuật
Không có ham muốn trở thành nghệ sĩ nhưng cái duyên với âm nhạc đã đưa ông trở thành một nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam.
Khởi đầu sự nghiệp sáng tác âm nhạc vào năm 18 tuổi với ca khúc đầu tay Ướt mi, rồi từ đó tận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX.
Tận hiến cuộc đời cho nghệ thuật
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ sống được 62 năm trên cuộc đời, nhưng di sản của ông đồng hành và cuốn hút nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ra và lớn lên ở Huế, học cao đẳng ở Quy Nhơn, làm giáo viên ở Bảo Lộc, rồi gắn bó với TP Hồ Chí Minh cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Với Trịnh Công Sơn, khát vọng tình yêu, khát vọng hoà bình vượt lên trên tất cả những thiên kiến chính trị hẹp hòi. Những khát vọng cháy bỏng ấy khiến cho âm nhạc Trịnh Công Sơn sống mãi với thời gian.
Trong khoảng 600 ca khúc để lại cho đời, ông đã đưa nhạc và thơ hòa quyện vào nhau, nương tựa vào nhau tạo nên những nhạc phẩm đã, đang và sẽ làm say mê hàng triệu triệu trái tim qua bao thế hệ.
Qua các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, nhiều người cho rằng ông là một nhà thơ lớn và nhạc chỉ là "chiếc xe tải" chở thơ của ông đến với mọi người. Thực tế rất khó lòng tách bạch giữa thơ và nhạc trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn, bởi nhạc và thơ hòa quyện vào nhau, nương tựa vào nhau đến độ khó mà phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Trong đó, phần ca từ đóng một địa vị rất quan trọng.
Trịnh Công Sơn vừa viết nhạc chống chiến tranh vừa viết nhạc tình yêu để thể hiện khát vọng hoà bình và khát vọng tình cảm của mình. Trong số 600 ca khúc mà ông để lại có hơn 400 ca khúc là nhạc tình. Và nếu tách phần lời nó trở thành những bài thơ tình vào loại hay nhất hiện nay.
Ca từ trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn lời đẹp, ý sâu, âm điệu nhẹ nhàng, êm ái. Ông đã đưa những sự vật bình thường trở thành lạ thường. "Nắng" thì ai chả thấy, nhưng chỉ có Trịnh Công Sơn mới thấy Nắng thủy tinh. "Mưa" đương nhiên ai chả biết nhưng Mưa hồng thì chỉ chàng trai họ Trịnh mới hay! Hạ là hè. Mùa hạ tức mùa hè. Điều đó có gì lạ! Lạ chăng là bởi sau chữ Hạ, Trịnh Công Sơn thêm chữ Trắng đầy diễm tuyệt trong ca khúc Hạ trắng. "Mắt xanh xao" có lẽ đối với các nhà bệnh lý học thì đấy là triệu chứng của một bệnh nào đấy, nhưng đối với Trịnh thì "mắt xanh xao" lại là điểm nhấn cho một hình ảnh liêu trai, đài các: "Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao" trong Diễm xưa. Chả thế mà có người nói Trịnh Công Sơn viết nhạc không khác gì Nguyễn Bính làm thơ.
Ngoài hình ảnh phong phú, ca từ Trịnh Công Sơn còn mang nhiều tính ẩn dụ đôi khi làm người nghe khó hiểu, mà chính tác giả cũng không thể nào giải thích một cách đơn giản những suy nghĩ của mình đã chuyển tải sang ngôn ngữ âm nhạc như: "Hòn đá lăn trên đồi, hòn đá rớt xuống cành mai, rụng cánh hoa mai gầy, chim chóc hót tiếng sau cùng". Quả đúng là: "Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta".
Và cũng có những lối số so sánh hết sức bất ngờ, gây ấn tượng mạnh mà có lẽ chỉ Trịnh Công Sơn mới so sánh được như: "Tình yêu như trái phá/ con tim mù lòa; Tình yêu như vết cháy trên da thịt người; Buồn như giọt máu...". Bằng những ca từ đó, những lối so sánh đó, Trịnh Công Sơn đã đem lại cho khán giả những ấn tượng sâu sắc suốt đời không thể quên.
Nhạc sĩ Việt có sức lan tỏa thế giới
Vào ngày sinh nhật lần thứ 80 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2/1939-28/2/2019), Google thay đổi Doodles trên trang chủ tiếng Việt thành chân dung Trịnh Công Sơn say mê bên cây đàn guitar để vinh danh cố nhạc sĩ tài hoa. Đây là lần đầu tiên Google Doodles tôn vinh một người Việt Nam.
23 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời (ngày 1/4/2001, tại TP Hồ Chí Minh), những bài hát của ông vẫn là một phần đặc trưng không thể không nhắc đến khi nói về âm nhạc và văn hoá Việt Nam. Những buổi biểu diễn tưởng nhớ, những sự kiện họp mặt của cộng đồng người hâm mộ Trịnh Công Sơn vẫn diễn ra hàng năm. Gần đây nhất, vào tối 1/4/2023, cả nghìn người yêu nhạc Trịnh đã tề tựu tại nơi an nghỉ của ông (Nghĩa trang Gò Dưa) để cùng hát lên những ca khúc của ông đúng vào ngày giỗ lần thứ 22 của người nhạc sĩ tài danh. Đây là đêm "Thao thức cùng Trịnh" lần thứ 11 được tổ chức bởi những người tri âm, bạn hữu mến mộ tài hoa của người nhạc sĩ gốc Huế.
Với một di sản để lại cho làng âm nhạc Việt Nam gồm khoảng 600 ca khúc, trong đó có hơn 230 ca khúc được phổ biến rộng rãi và được công chúng đón nhận và yêu mến, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một huyền thoại trong âm nhạc Việt. Có thể nói, âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi cùng năm tháng, là một phần ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ được nhiều ca sĩ lựa chọn để thể hiện những ca khúc của ông, như Thái Thanh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Ngọc Lan, Quang Dũng, Đức Tuấn... Cũng có người chọn nhạc Trịnh làm dòng nhạc mà họ theo đuổi suốt đời.
Không chỉ được yêu mến ở trong nước, Trịnh Công Sơn cũng là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Đặc biệt, âm nhạc của ông ghi dấu ấn đậm nét tại Nhật Bản. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên phát hành album với doanh số hơn 2 triệu bản. Các ca khúc của ông cũng được dịch ra tiếng Nhật và được biểu diễn, thu âm bởi những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu và thường xuyên được hát trong chương trình âm nhạc đêm giao thừa thường niên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK.