Lý do huyền thoại màn bạc Thành Long và Châu Nhuận Phát chưa từng đóng phim chung
Nhắc đến những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng của đặc khu Hong Kong (Trung Quốc), có hai cái tên mà không một fan phim Hoa ngữ nào có thể bỏ qua, đó là Thành Long và Châu Nhuận Phát.
Nhưng điều khiến mọi người cảm thấy khó tin là hai ngôi sao điện ảnh này đều đạt được thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp của mình nhưng lại chưa một lần cùng xuất hiện trên màn bạc.
Điều này khiến nhiều người tự hỏi phải chăng giữa 2 ngôi sao có mâu thuẫn không thể hòa giải? Vậy có đúng không?
"Chúng tôi đều là những tên tuổi lớn trong làng điện ảnh nhưng vì chưa từng hợp tác đóng phim chung nên bị nghi ngờ có mối quan hệ không tốt" – Thành Long từng nói.
Vậy lý do gì khiến họ chưa từng có chung khuôn hình trên màn bạc? Cùng nhìn lại chặng đường đời và sự nghiệp của 2 ngôi sao để biết được nguyên nhân.
Tuổi thơ khốn khó
Châu Nhuận Phát sinh năm 1955 trong một gia đình bình thường ở Hong Kong. Dù sống trong cảnh nghèo khó nhưng gia đình anh vẫn có thể trang trải được cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, cuộc sống gia đình anh bị đảo lộn khi cha anh đột nhiên nghiện cờ bạc. Gia đình vốn đã khó khăn của anh càng trở nên căng thẳng hơn.
Sau khi "nướng" hết tiền vào cờ bạc, cha anh bắt đầu vay tiền nhiều nơi với lãi suất cao. Khi không có tiền để trả, ông bị truy đuổi vì nợ nần.
Những tên côn đồ đáng sợ luôn rình rập ngôi nhà của gia đình Châu Nhuận Phát khiến anh luôn phải đối mặt với nỗi sợ hãi mỗi ngày.
Năm 1972, thật không may cha của Châu Nhuận Phát lâm bệnh nặng nhưng gia đình anh không có khả năng chi trả trong khi vẫn đang gánh khoản nợ khổng lồ.
Thời gian đó, mơ ước vào ngưỡng cửa đại học của Châu Nhuận Phát tan thành mây khói. 17 tuổi, Châu Nhuận Phát phải làm việc giúp đỡ gia đình bằng nhiều công việc khác nhau như trực khách sạn, đưa thư, bán máy ảnh và tài xế taxi.
Năm 1974, khi Châu Nhuận Phát 19 tuổi, cuộc sống của anh thay đổi sau khi anh đọc được một thông báo tuyển diễn viên của hãng TVB.
Trong khi đó, tuổi thơ của Thành Long cũng gặp nhiều khó khăn. Dù sinh ra ở một khu giàu có ở Hong Kong nhưng anh không được hưởng bất kỳ sự đối xử "giàu có" nào, thường xuyên bị những đứa trẻ xung quanh bắt nạt, đặc biệt là những đứa trẻ ngoại quốc.
Trải nghiệm này khiến Thành Long phải chịu đựng rất nhiều đau đớn và anh thề rằng mình phải làm gì đó nổi bật.
Vào thời điểm đó, do môi trường chính trị hỗn loạn ở Hong Kong, nhiều người muốn học võ để tự bảo vệ mình nên việc mở phòng tập võ trở thành một ngành kinh doanh "hot".
Thành Long đã theo học võ tại phòng tập của Vu Chiếm Nguyên. Năm 17 tuổi, Thành Long học xong, từ biệt thầy giáo và bắt đầu hoạt động trong giới giải trí.
Đều tạo được bước ngoặt lớn trong sự nghiệp
Năm 1979, Thành Long đã tạo được bước ngoặt lớn. Nhờ phong cách chiến đấu võ thuật vui tươi trong phim Túy quyền (Drunken Master), doanh thu phòng vé của bộ phim đã vượt 6 triệu HKD.
Sau thành công của bộ phim này, Thành Long đã có một lượng lớn người hâm mộ, thậm chí danh tiếng của anh còn lan rộng sang cả Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thành công vang dội của Túy quyền đã giúp Thành Long nhận ra một chân lý: trong diễn xuất, việc bắt chước người khác một cách mù quáng sẽ chỉ dẫn đến những con đường vòng, chỉ bằng cách định hình phong cách riêng của mình người ta mới có thể tạo nên sự tỏa sáng cho riêng mình.
Vì vậy, sau Túy quyền, Thành Long đã sáng tạo kết hợp Kung Fu và hài kịch, mở ra một kỷ nguyên điện ảnh mới và dần dần đạt đến đỉnh cao của điện ảnh Hong Kong.
Hầu như bất cứ phim nào có Thành Long diễn xuất đều đứng trong Top 10 phòng vé và anh được mệnh danh là huyền thoại bất bại.
Một năm sau khi Thành Long nổi tiếng với Túy quyền, cuộc đời Châu Nhuận Phát cũng có bước ngoặt quan trọng.
Năm 1980, đạo diễn phim Bến Thượng Hải – Chiêu Chấn Cường - đã giao cho anh vai diễn chính Hứa Văn Cường đầy ấn tượng – một thanh niên có học thức và tinh thần cách mạng trong phim.
Sau khi phim được phát sóng, vai Hứa Văn Cường trở nên nổi tiếng và tên tuổi của Châu Nhuận Phát bắt đầu được nhiều đạo diễn truyền miệng.
Tuy nhiên, diễn xuất sau đó của Châu Nhuận Phát kém xa sự xuất sắc của Bến Thượng Hải, tên tuổi anh thậm chí còn bị mệnh danh là "thuốc độc phòng vé" một thời.
Phải đến năm 1986, một cơ hội tưởng chừng như tình cờ đã giúp Châu Nhuận Phát có được vinh quang mới trong sự nghiệp.
Châu Nhuận Phát được đạo diễn Ngô Vũ Sâm mời đóng vai "Anh Béo" (Fat Brother) Tiểu Mã trong bộ phim Anh hùng bản sắc (A Better Tomorrow - 1986).
Bộ phim này được đánh giá là một trong những sản phẩm đỉnh cao của phim Hong Kong và nhờ đó Châu Nhuận Phát đã hoàn toàn xóa được biệt danh "thuốc độc phòng vé" khi vào vai Tiểu Mã, đồng thời củng cố vị thế không thể lay chuyển của mình trong làng điện ảnh Hong Kong.
Trong bộ phim này, Châu Nhuận Phát mặc bộ đồ tối màu và cầm súng tiểu liên đã chinh phục mọi khán giả.
Ngay cả thói quen nhỏ là cầm tăm từ khóe miệng của anh cũng làm dấy lên làn sóng bắt chước điên cuồng.
Một ví dụ khác là vai diễn Cao Tiến trong phim Thần bài (God of Gamblers). Không thể phủ nhận, Thần bài đã mở ra kỷ nguyên phim "cờ bạc" của điện ảnh Hong Kong và dần đưa danh tiếng của Châu Nhuận Phát lên đến đỉnh cao.
Trong suốt những năm 1980, 12 bộ phim đã đạt doanh thu phòng vé hơn 30 triệu HKD. Trong số đó, phim của Châu Nhuận Phát và Thành Long có sức ảnh hưởng và tỷ trọng lớn nhất.
Nhờ "Kungfu phương Đông" quyến rũ, Thành Long đã dẫn đầu đột nhập vào Hollywood và trở thành siêu sao toàn cầu thực sự, được yêu thích rộng rãi ở nước ngoài.
Trong khi đó, mặc dù Châu Nhuận Phát không có võ công xuất sắc nhưng tầm ảnh hưởng của anh cũng lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á.
Lý do
Lý do Thành Long và Châu Nhuận Phát chưa từng hợp tác cùng nhau trong các tác phẩm điện ảnh và truyền hình thực ra không có gì đáng ngạc nhiên, bởi dù cả hai đều là những tên tuổi lớn trong làng giải trí nhưng phong cách diễn xuất và sở thích của mỗi người lại khá khác nhau.
Một lý do nữa là cả hai có chiều sâu nghiên cứu diễn xuất khác nhau. Thành Long tập trung vào phim hành động thương mại và tạo hình tượng anh hùng mang phong cách cá nhân mạnh mẽ.
Những bộ phim của Thành Long nhấn mạnh các chủ đề liên quan như "công lý" và "lòng can đảm".
Còn Châu Nhuận Phát khác Thành Long ở chỗ anh có thể thoải mái di chuyển giữa phim thương mại và phim nghệ thuật.
Dù chưa hề đóng phim cùng nhau nhưng Châu Nhuận Phát và Thành Long không hề có mâu thuẫn gì, ngược lại, cả hai đều tôn trọng, đánh giá cao nhau.