Công bố dự án "Ứng dụng công nghệ vật lý số nâng tầm giá trị di sản"
Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam phối hợp với Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Phygital Labs công bố dự án "Ứng dụng công nghệ vật lý số nâng tầm giá trị di sản".
Dự án hợp tác "Ứng dụng công nghệ vật lý số nâng tầm giá trị di sản" mở đầu bằng chiến dịch mang tên gọi "Tầm Chân". Theo đó, các học giả của dự án sẽ tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một. Sau đó, tìm hướng nghiên cứu, lưu giữ và phát huy nhờ ứng dụng công nghệ định danh số Nomion do Công ty Phygital Labs cung cấp.
Các nghiên cứu kết hợp giữa công nghệ và văn hóa truyền thống này sẽ được phát triển thành sản phẩm vật lý số, được định danh số trên nền tảng blockchain và truyền tải thông tin qua chip NFC…
Mở đầu chiến dịch Tầm Chân là dự án "Nghê Văn Miếu". Đó là dự án hợp tác giữa Trung tâm thông tin UNESCO (UNET), công ty Phygital Labs cùng Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và TS Mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế. TS Trần Hậu Yên Thế có công trình nghiên cứu sâu sắc về Nghê Việt và đã ra mắt cuốn sách mang tên "Nghê nơi cửa Khổng sân Trình".
Dự án nhằm đưa hình ảnh Nghê - một linh thú thuần Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến gần hơn với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Nhà báo Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, văn hóa càng cần được chú trọng phát triển nhiều hơn để không bị "đi sau" nhiều lĩnh vực hiện đại khác. Việc ứng dụng công nghệ mới là bước chuyển để nâng tầm giá trị nền văn hóa nước nhà.
Theo ông Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO, nếu Nghê chỉ hiện diện trong những trang sách, nó có thể sẽ chung số phận với nhiều thứ mà giờ chỉ còn trong sách, nếu Nghê chỉ tồn tại dưới dạng một bức tượng, nó có thể trở thành một món đồ trưng bày mang ý nghĩa trang trí mà người ta không biết phải trân trọng nó vì lý do gì.
Tượng Nghê Văn Miếu có gắn chip RFID là vật phẩm đúc bằng đồng thau theo nguyên mẫu của Nghê đang chầu trên cột tứ trụ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Người tương tác sẽ được trải nghiệm sách vật lý số khi quét mã với chip RFID có gắn trên bức tượng này. Dưới đáy nghê được gắn một chip từ - giống loại gắn trên thẻ tín dụng và căn cước công dân – thể hiện tính độc bản của nghê. Trong chip chứa: Tên của chủ nhân (được đăng ký khi sở hữu).
Trong chiến dịch Tầm Chân, công trình nghiên cứu về Nghê mang tên "Nghê nơi cửa Khổng sân Trình" còn được định danh số, tạo ra cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam. Bằng việc dùng smartphone tương tác với chip RFID gắn trên tượng Nghê Văn Miếu, người tương tác sẽ được trải nghiệm cuốn sách này.
Theo TS Trần Hậu Yên Thế, hình tượng Nghê canh giữ mảnh đất thiêng của đạo học chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa của dân tộc: đó là một dân tộc yêu tri thức, tôn trọng hiền tài, luôn khao khát hiền tài làm nguyên khí quốc gia. Nghê bảo vệ không gian thiêng đó và phù trợ cho những người theo đạo học. Sách phân tích hình tượng Nghê tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, kèm với 17 tranh vẽ của tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế để giải thích rõ hơn về hình tượng này.
Theo ông Huy Nguyễn - Giám đốc Công ty Phygital Labs, đối tác của dự án - công nghệ định danh số thích hợp cho việc chứng thực độc bản và lan tỏa thông tin kiến thức. Sự kết hợp này không chỉ là chìa khóa kết nối các giá trị di sản, văn hóa Việt Nam, mà còn phát huy được hết các tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa.
Được biết, chiến dịch Tầm Chân sẽ không chỉ có Nghê Văn Miếu, mà tiếp tục ứng dụng công nghệ vật lý số để tạo nên những tài sản số được chứng thực, mang tính độc bản cho những di vật, di sản và di tích của Việt Nam.
Tính tới nay, Phygital Labs cũng đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong định danh di tích tại đây hoặc trong lĩnh vực xuất bản - báo chí như gắn chip định danh báo Tết Ngày Nay số Xuân Giáp Thìn 2024.