'Tôi có một ước mơ' của Martin Luther King là bài phát biểu truyền cảm hứng nhất mọi thời
"Tôi có một ước mơ" (I Have A Dream) của Martin Luther King được bình chọn là bài phát biểu truyền cảm hứng nhất từ trước đến nay trong cuộc bình chọn mới.
Bài phát biểu của nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ đã giành được 45% phiếu bầu trong một cuộc khảo sát ở Anh.
Bài phát biểu của Martin Luther King vào ngày 28/8/1963 tại một cuộc tuần hành ở Washington DC, nhằm kêu gọi các quyền dân sự và kinh tế bình đẳng cũng như chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ.
Khi sắp kết thúc bài diễn văn, Martin Luther King rời bỏ bản thảo soạn sẵn để trình bày một điệp ngữ đầy tính ngẫu hứng, khi ông nhắc đi nhắc lại câu: "Tôi có một ước mơ".
Đây là thời khắc đẩy cảm xúc người nghe lên đỉnh điểm và khiến nó trở thành phần nổi tiếng nhất của bài diễn văn: Luther King kể cho họ nghe về ước mơ của ông, phác họa những hình ảnh về sự tự do và bình đẳng đang trỗi dậy từ vùng đất nô lệ và đầy hận thù.
Bài phát biểu có vai trò quan trọng trong việc giúp Đạo luật Dân quyền năm 1964 của Mỹ được thông qua.
Trong cuộc khảo sát về những bài phát biểu có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại, bài phát biểu "Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển" của Thủ tướng Anh Winston Churchill đứng thứ hai với 42%.
Sau khi Thế chiến 2 bùng nổ, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã kêu gọi người dân Anh chịu đựng gian khổ, đồng thời động viên binh lính Anh chiến đấu hết mình trước quân phát xít.
Vào ngày 4/6/1940 trước Hạ viện, Thủ tướng Winston Churchill đã có bài phát biểu nổi tiếng.
Kết thúc bài phát biểu, Churchill đưa ra những tuyên bố đầy sức mạnh: "Chúng ta sẽ đi đến cùng, chúng ta sẽ chiến đấu ở Pháp, chúng ta sẽ chiến đấu trên những vùng biển và các đại dương, chúng ta sẽ chiến đấu trên bầu trời với niềm tin ngày càng lớn và với nghị lực ngày càng mạnh.
Chúng ta sẽ bảo vệ đảo của mình bằng bất kỳ giá nào. Chúng ta sẽ chiến đấu trên những bờ biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên những bến bãi, chúng ta sẽ chiến đấu trên những cánh đồng và những tuyến đường, chúng ta sẽ chiến đấu trên những ngọn đồi".
Với tài hùng biện kiệt xuất, Churchill đã có nhiều bài phát biểu chứa đựng lời văn hùng hồn, rõ ràng và trong sáng, mang về cho ông Giải thưởng Nobel Văn học năm 1953.
Nhiều báo, tạp chí, như The Guardian (Anh) và Time (Mỹ) đã xếp bài phát biểu này vào danh sách những bài diễn văn vĩ đại của thế kỷ 20.
Cũng nằm trong danh sách, theo nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu Perspectus Global, bài phát biểu dài 3 tiếng của Nelson Mandela năm 1964 – "Tôi sẵn sàng chết đi" - chiếm 20%.
Tháng 7/1963, 10 thủ lĩnh của Đại hội Dân tộc Phi - phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid của nhân dân Nam Phi, viết tắt là ANC – bị bắt tại Rivonia, ngoại ô Johannesburg.
Cùng với nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc Mandela (đã bị bắt vào tháng 8/1962 và đang thụ án 5 năm tù), họ bị buộc tội phá hoại, tiếp tay cho các thế lực nước ngoài.
Khi đối mặt với án tử hình vì tội âm mưu lật đổ chính quyền khi đó, từ ghế của bị cáo tại phiên tòa ở Rivonia, Nelson Mandela đã có bài phát biểu để đời này.
Thay cho những lời trình bày chứng thực, ông chỉ ra những bất công của xã hội và của hệ thống luật pháp Nam Phi, đồng thời cố gắng thể hiện rõ chương trình chính trị và đạo nghĩa của ANC.
Trong khi đó, bài phát biểu "Chúng ta sẽ gặp lại" năm 2020 của Nữ hoàng Anh quá cố Elizabeth II - bài phát sóng hiếm hoi nhằm đoàn kết cả nước trước sự bùng phát của virus corona, đã nhận được 16%.
Rạng sáng 6/4, từ Lâu đài Windsor, Nữ hoàng tuyên bố Vương quốc Anh chắc chắn sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tình nhân ái toát ra từng câu chữ trong bức thông điệp mà Nữ hoàng gửi đến dân chúng.
Nữ hoàng thừa nhận rằng những nỗ lực chống lại virus có thể sẽ mất thời gian. Tuy nhiên, bà khẳng định cả vương quốc sẽ cùng bà đảm bảo rằng "Mỗi giờ làm việc tích cực sẽ đem chúng ta lại gần hơn thời điểm trở lại bình thường" hay "Những ngày tốt đẹp hơn sẽ đến".
Bà cũng dùng lại ca từ của một bài hát hồi Thế chiến II "Chúng ta sẽ gặp lại" (We will meet again) do ca sĩ Vera Lynn trình bày năm 1939 để bày tỏ sự lạc quan trong những giờ đen tối của quốc gia: "Cùng nhau, chúng ta sẽ nhìn thấy hoa hé nụ và trổ bông", "Chúng ta sẽ lại gặp gỡ bạn bè, đoàn tụ cùng gia đình"…
Bài phát biểu năm 1980 của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tại Hội nghị Đảng Bảo thủ, trong đó bà tuyên bố "Quý bà không quay đầu!" là yêu thích của 13% người tham gia bình chọn.
Caitlin MacLean, của Perspectus Global, cho biết: "Thật thú vị khi bài phát biểu của nhà hoạt động dân quyền người Mỹ Martin Luther King Jr lại là bài diễn văn khiến người Anh cảm động nhất".