78 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2024): Sự hứng khởi từ phong trào rèn luyện thân thể

Cùng sự vươn lên của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, phong trào tập luyện thể thao, rèn luyện và nâng cao sức khỏe đang ngày một lan tỏa trong cộng đồng kể từ sau dịch Covid-19.

Sức sống của một CLB

Đều đặn mỗi chủ nhật hàng tuần, từ 70 đến 100 thành viên của CLB VKL Runners (Vui - Khỏe - Lắm) lại tụ họp và cùng nhau chinh phục quãng đường từ 20-30km tùy theo khả năng của mỗi người. Hoạt động này đã được duy trì kể từ sau dịch Covid-19 và là sự kiện mà rất nhiều thành viên chờ đợi để góp mặt.

"Các ngày trong tuần, mỗi thành viên tự tập hoặc tập theo nhóm tùy theo điều kiện về thời gian và địa điểm. Nhưng sáng cuối tuần, chúng tôi sẽ có buổi gặp gỡ đông hơn và chạy dài hơn, thường thì hay tập trung ở khu Vinhomes hoặc Công viên Long Biên. Sau khi hoàn thành cự li, mọi người cùng trò chuyện, giao lưu rất vui vẻ", anh Lê Quang Chung, Chủ tịch CLB VKL Runners chia sẻ.

Hình thành từ một nhóm nhỏ yêu thích chạy bộ chỉ với 10 người ở khu Việt Hưng, Long Biên vào năm 2018, đến nay CLB VKL Runners đã có trên 350 thành viên và là một trong những cộng đồng chạy bộ lớn nhất của miền Bắc. Điều đặc biệt, VKL Runners không thu phí tham gia và mỗi thành viên ngoài niềm đam mê về chạy bộ, cần tuân thủ các quy định trong sinh hoạt chung của cả CLB.

"Mọi người đến đây đều yêu chạy bộ và trên tinh thần tự nguyện nhưng CLB cũng có những quy định riêng để tạo sự thống nhất. Điều chúng tôi cảm thấy may mắn là các hoạt động luôn nhận được sự ủng hộ của đông đảo thành viên và cả sự hỗ trợ từ bên ngoài để giúp mọi người tiếp cận được với các trang thiết bị tập luyện có giá tốt hơn", anh Chung cho biết.

Tự nhận mình vốn là một người đam mê đá bóng và chỉ "rẽ ngang" sang chạy bộ khi điều kiện về sức khỏe và thời gian không cho phép, nhưng thực tế là càng chạy thì càng say mê và trở thành thói quen từ lúc nào cũng không biết. Theo chia sẻ của anh Chung, lợi ích của chạy bộ ngoài cải thiện, nâng cao sức khỏe còn là rèn luyện về ý chí và sự kiên trì, vì thiếu yếu tố này, rất khó để chinh phục các quãng đường dài.

78 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2024): Sự hứng khởi từ phong trào rèn luyện thân thể - Ảnh 1.

Đông đảo người dân thành phố Hồ Chí Minh tham gia “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024”. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

"Đến với chạy bộ, tôi thấy mình khỏe hẳn ra, bớt thời gian "ôm" điện thoại và giảm đáng kể các cuộc uống bia rượu vì nếu hôm trước có uống, hôm sau người rất "oải" không thể tập luyện được. Chạy bộ là môn thể thao gần gũi với mọi người và dễ tập luyện. Ban đầu thì cứ chạy chậm thôi, sau quá trình tích lũy mình sẽ cải thiện được rất nhiều thứ, từ sức khỏe, thể lực, tốc độ và cả tinh thần", anh Chung khẳng định.

VKL Runners chỉ là một trong số rất nhiều các CLB hoặc cộng đồng yêu thích chạy bộ đang hình thành với tốc độ rất nhanh trên toàn quốc các năm gần đây. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, ý thức tự tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe của mọi người dân đã được cải thiện đáng kể. Phong trào tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe lan được nhân rộng với xuất phát điểm từ mỗi người, mỗi gia đình, mỗi nhóm nhỏ và hình thành nên các cộng đồng lớn hơn.

Ví dụ ngay từ CLB VKL Runners, niềm yêu thích chạy bộ từ bố mẹ, anh chị hay người thân trong gia đình đã lan truyền tới cả các em nhỏ. Ngày hội VKL Kids Run (dành cho con em của thành viên CLB) được tổ chức vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm qua 4 lần tổ chức cho thấy sự tăng trưởng rất đáng mừng về số lượng. Gần nhất, đã có 230 VĐV nhí trong các nhóm tuổi từ 1 đến trên 11 tuổi tham gia ở lần tổ chức vào năm 2023.

Lan tỏa trong cộng đồng

Theo đánh giá của Cục TDTT, năm 2023, phong trào tập luyện thể dục thể thao ở cơ sở diễn ra sôi nổi trong cả nước, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua việc triển khai cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và "Chương trình xây dựng nông thôn mới".

Trong đó, công tác thể dục thể thao cho mọi người triển khai theo hướng đẩy mạnh phát triển TDTT ở cơ sở, trong từng đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, nông dân và người cao tuổi. Tăng cường hướng dẫn, vận động mọi người tập luyện thể dục thể thao đúng cách, đảm bảo an toàn trong điều kiện bình thường để nâng cao sức khỏe, thể lực, phòng, chống bệnh tật.

Thống kê của ngành thể thao trong năm 2023 cho biết, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 36,7 % và số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 27,7% tổng số hộ. Trong năm 2024, phấn đấu số người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 37,5%, số gia đình tập luyện TDTT đạt 28,5%.

78 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2024): Sự hứng khởi từ phong trào rèn luyện thân thể - Ảnh 2.

Các thành viên CLB VKL Runners trong một buổi sinh hoạt chung

Ngoài những số liệu nêu trên, sự hưởng ứng tích cực của người dân đối với phong trào tập luyện thể dục thể thao cũng được ghi nhận thông qua nhiều hoạt động gần đây được ngành thể thao phối hợp với các địa phương tổ chức trên toàn quốc nhân ngày Thể thao Việt Nam 27/3.

Điển hình như Lễ phát động "Ngày chạy Olympic - Vì sức khỏe toàn dân" đã thu hút gần 4.500 người tham gia tại Hà Nội và con số này tăng lên gần 6.000 người tại TPHCM. Tại các tỉnh, thành phố lớn như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế…, sự góp mặt của hàng nghìn người tạo nên không khí sôi động và tích cực.

"Tất cả mọi người rất vui vẻ và hào hứng khi được góp mặt trong buổi chạy ngày hôm nay. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn lan tỏa đến mọi người, nhất là các bạn trẻ là hãy luôn rèn luyện thể thao hàng ngày, tập thể thao hàng ngày", chị Lê Thị Phương Dung (sống tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ sau khi chạy hưởng ứng tại Hà Nội vào ngày 24/3.

Nhiều tín hiệu tích cực đang được thắp lên từ sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp nhân dân đối với phong trào tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe. Trong đó, đáng quý nhất là tinh thần tự nguyện và chủ động trong việc rèn luyện thân thể và lựa chọn môn thể thao phù hợp để tập luyện hàng ngày của mỗi người dân.

Đây là thuận lợi rất lớn để ngành thể thao tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phong trào, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực của người dân, làm nền tảng để  thể thao thành tích cao đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, nâng tầm vị thế nền thể thao nước nhà trên đấu trường quốc tế.

Ngày Thể thao Việt Nam 27/3

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên.

Gần hai tháng sau, căn cứ theo quyết định của Quốc dân đại hội VN (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2/3/1946 định sự tổ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục. Cũng trong ngày 27/3/1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đăng lời "Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục".

Ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 làm "Ngày Thể thao Việt Nam". "Ngày Thể thao Việt Nam" được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. "Ngày Thể thao Việt Nam" bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử buổi ban đầu của nền TDTT cách mạng.


Vũ Lê

Link gốc: TTVH