Văn Cao - Từ 'Bến Xuân' đến 'Đàn chim Việt'

(LTS) Đàn chim Việt là một ca khúc rất đặc biệt của cố nhạc sĩ Văn Cao, và cũng là tên gọi của chương trình âm nhạc sắp diễn ra vào ngày 20/8 tới, nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông (1923 - 2023). Để có thể hiểu rõ hơn về ca khúc này, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.

1. Ở giữa những nhạc phẩm chuyển đổi bút pháp của Văn Cao từ lãng mạn sang hiện thực cách mạng, người ta hay kể đến những hành khúc yêu nước Văn Cao viết cho đoàn "hướng đạo" như Thăng Long hành khúc ca, Đống Đa

Nhưng còn có một nhạc phẩm đặc biệt mà ở đó, sự chuyển đổi chỉ giới hạn ở tên nhạc phẩm và ca từ, còn giai điệu thì giữ nguyên. Và sự chuyển đổi nhuần nhuyễn đến mức cả 2 ca từ đều rất "ăn" với nốt nhạc, đều hay đến mức nếu người nào chỉ biết bài này mà không biết bài kia thì đều tâm niệm rằng Văn Cao chỉ viết có 1 bài như thế.

Sự chuyển đổi được diễn ra vào một thời điểm quan trọng của đất nước, của chính quyền cách mạng non trẻ. Đấy là thời điểm ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945. Khi ấy, đã có những đơn vị quân đội cách mạng lên đường Nam tiến. Ngoài việc hát Phất cờ Nam tiến của Hoàng Văn Thái, Tiếng súng Nam Bộ của Đỗ Nhuận, Xuất quân của Phạm Duy, rồi Đoàn Vệ quốc quân của Phan Huỳnh Điểu…, người ta còn nghe những người lính xuất thân từ học sinh, sinh viên hát một giai điệu của Văn Cao. Nhưng không phải là Tiến quân ca hay Chiến sĩ Việt Nam theo nhịp hành khúc mà là lời tự sự chan chứa niềm tin vào sức mạnh của dân tộc qua hình tượng đàn chim trên trống đồng Ngọc Lũ - mà người ta thường gọi là "Đàn chim Việt".

Văn Cao - Từ 'Bến Xuân' đến 'Đàn chim Việt' - Ảnh 1.

Hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao trong poster chương trình “Đàn chim Việt”

Nhiều người hát Đàn chim Việt của Văn Cao đều hướng theo ý niệm ấy - ý niệm mà Văn Cao đã mặc định cho giai điệu của mình, khi ông đã tự nguyện chuyển đổi lời nhạc phẩm Bến Xuân trở thành Đàn chim Việt.

Bến Xuân là nhạc phẩm cuối cùng Văn Cao viết cho thời kỳ âm nhạc đầu tiên của mình ở Hải Phòng. Nó bắt đầu từ một thoáng rung động của ông trước một thiếu nữ vốn là người yêu của một người bạn ca sĩ có giọng hát vàng. Thiếu nữ tuy là người yêu của bạn ông nhưng rất cảm phục Buồn tàn Thu, Cung đàn xưa và nhất là Thiên thai của Văn Cao. Cảm phục qua giọng hát của người yêu, nàng đã làm bài thơ Linh cầm tiến để tặng cho chàng nhạc sĩ tài hoa, trong đó có câu: "Em run rẩy thấy mình bé nhỏ/khi quỳ dưới chân anh" như một lời thú tội về cảm xúc của mình.

Và lời thú tội đã thành hành động khi nàng một mình đến thăm Văn Cao tại nhà riêng. Một tình cảm bồng bột - hay một duyên kỳ ngộ không thể cưỡng lại - đã khiến Văn Cao vốn rất nhút nhát vẫn bị cuốn theo cảm xúc. Và thế là Bến Xuân ra đời.

Ở nhạc phẩm này, Văn Cao đã gọi căn nhà mình là bến Xuân và đã không ngại ngần đưa cả tên nàng - tên của loài chim oanh vào nhạc phẩm rất riêng tư này: "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước - Oanh đến tôi một lần…".

Song đến khi Phạm Duy hát Bến Xuân, để cho nhạc phẩm có thể vang xa khắp nước, ông đổi "Oanh" thành "em". Nhưng còn chữ "Oanh" trong "Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca" ở cuối bài thì vẫn giữ nguyên vì nó không còn là danh từ riêng, là tên người nữa. Ngay cả khi trở thành Đàn chim Việt thì ca từ này vẫn không thay đổi. Có lẽ, đấy là sự độc đáo của người làm nhạc mà lại làm thơ nữa.

Cả 2 lời ca trong Bến Xuân đều thấm đẫm chất thơ, hòa quyện với tiết tấu ballad của người da đen và đâu đó trong giai điệu phảng phất nét dân ca Chăm đầy ngậm ngùi, man mác.

Và thời ấy, ai cũng nghĩ Bến Xuân đã là duy nhất một bến đỗ cho bao tâm hồn lãng mạn. Vậy mà bằng tài năng của mình, Văn Cao đã tạo ra thêm một bến đỗ mới cho những người lính Nam tiến bằng chính giai điệu thân quen này. Nhưng Bến Xuân là tĩnh, còn Đàn chim Việt là động. Bến Xuân là động trong tĩnh. Còn Đàn chim Việt là tĩnh trong động. Một sự chuyển đổi giống như thời thế vậy.

Ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện ca khúc "Đàn Chim Việt" 

2. Tôi đã nhiều lần ngồi trước cả 2 ca từ Bến Xuân Đàn chim Việt, thử soi xem cuộc chuyển đổi này có để lại khiếm khuyết gì không, thì tuyệt nhiên không dấu vết. Chỉ có thể thốt lên một câu tận đáy lòng: "Văn Cao quá tài". Không chỉ tài thường mà là tài trời cho.

Khi hỏi ông sao có thể chuyển đổi một cách êm đẹp đến thế? Văn Cao chỉ cười không nói. Tính ông vốn khiêm nhường và kiệm lời. Ông muốn người hỏi phải tự tìm thấy câu trả lời.

Rõ ràng Bến Xuân là một cuộc chia sẻ thuần khiết giữa "tôi" và "em". Nhưng vì tôi là người Hải Phòng "xịn" nên đã định vị được hướng di chuyển của chàng - nàng, như Google Maps bây giờ. Ca từ mở đầu là định vị cuộc viếng thăm của nàng đến nhà chàng. Nhà chàng khi ấy ở bên một chiếc cầu mà có lẽ là cầu Hạ Lý. Trong trường ca Những người trên cửa biển, Văn Cao gọi là "cầu sương". Nhưng "bao lũ chim rừng" thì chắc chắn là những con hải âu cánh trắng bay về phía Bến Bính từ rừng sú vẹt ven sông Cấm.

Và rồi sau khi nàng đến thăm chàng, họ rủ nhau sóng đôi qua phà Bính sang đất Thủy Nguyên. Đến đoạn "Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi/ Còn thấy chim ghen lời âu yếm" thì nhất định là chàng và nàng đã tạm đi một đoạn xe kéo từ Bến Bính đến Núi Đèo. Núi Đèo - thực ra Văn Cao gọi là đồi rất đúng về độ cao, nhưng người đời cứ gọi là Núi Đèo thì cũng chẳng sao. Rồi đến khi để "chim ghen" đủ rồi, chàng nàng lại lên xe kéo quay về Bến Bính ở bờ bên này. Vì thế mới sinh ra những thi ảnh "Tới đây chân thấy lòng ngập ngừng/ Mắt em như dáng thuyền soi nước/ Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng/ Ngoài bến Xuân".

Văn Cao - Từ 'Bến Xuân' đến 'Đàn chim Việt' - Ảnh 2.

Đoàn nghi lễ Quân đội luyện tập cho chương trình

Ai đã từng một lần đứng ở Bến Bính lộng gió chắc sẽ rất thấm thía với những thi ảnh trên. Đây là không gian. Còn thời gian, lúc qua phà trở lại thành phố của chàng và nàng thì cũng là lúc hoàng hôn buông sương xuống sông Cấm nên mới có ca từ "Sương mênh mông che lấp kín non xanh…". Còn lời sau của Bến Xuân thì chắc được viết khi "tình vừa qua" với sự tưởng tượng rất lãng mạn của Văn Cao.

Chính vì hiểu cặn kẽ Bến Xuân đến thế, mới thấy cảm phục xiết bao tài năng của Văn Cao. Mang giai điệu của một chuyện tình riêng tư biến thành nơi tình tự của dân tộc trong bão táp cách mạng, thì chắc ngoài Văn Cao không ai làm được. Cái thống nhất trong việc chuyển đổi này: Dù là tình riêng tư hay tình cộng đồng thì đối với người Việt Nam đều dạt dào như nhau.

Bởi vậy, mở đầu Đàn chim Việt, Văn Cao đã diễn tả sự tụ quần của những người lính từng dấn thân các chiến trận trong cao trào cách mạng về với thủ đô Hà Nội để chuẩn bị lên đường Nam Tiến: "Về đây khi gió mùa thơm ngát/Ơi lũ chim giang hồ/ Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô/ Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca…".

Gặp nhau, họ ôn lại những kỷ niệm xưa: "Chim reo thương nhớ/Chim ngân xa u u u u ú/Hồn còn vương vấn về xưa". Đấy là những trận chiến từ thời Bắc Sơn, rồi trận ra quân sau Quốc dân Đại hội và tưởng vọng lại thời khởi nghĩa Yên Thế cùng cuộc giành chính quyền ở Hải Phòng: "Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành/Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh/Tới đây chân thấy lòng ngập ngừng/ Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế/Kìa nước xa xa sông Cấm còn mịt mùng/Ngoài bến Xuân". Và rồi những người lính lên đường vào Nam Bộ:"Chim đang bay qua Bắc sang Trung/ Người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa…".

Có đêm ở Hà Nội, sân khấu 51 Trần Hưng Đạo thì hát Bến Xuân, còn ở Nhà hát Lớn Hà Nội thì hát Đàn chim Việt. Hát gì thì cũng là giai điệu, là ca từ Văn Cao.

3. Từ ngày cách mạng, Đàn chim Việt đã hiện diện như một nhạc phẩm độc lập của Văn Cao. Ai hát Bến Xuân vẫn cứ hát. Ai hát Đàn chim Việt cũng đâu có sao. Bởi vậy, Đàn chim Việt Bến Xuân cũng tồn tại trên các miền khác nhau của đất nước. Sau hiệp định Geneve, Bến Xuân được hát nhiều ở miền Nam. Còn ở miền Bắc, một thời gian dài, mọi người chỉ hát Đàn chim Việt đến mức quên rằng nó là "sinh đôi" của Văn Cao.

Rồi cũng sau vài năm đầu hòa bình, ngay cả Đàn chim Việt cũng ít người hát dần. Còn Văn Cao thì chìm trong im lặng nhiều thập kỷ trong thời chống Mỹ. Mãi tới mùa Thu năm 1983, khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức sinh nhật 60 năm Văn Cao, một chương trình nhạc Văn Cao thính phòng được tổ chức ở phòng hòa nhạc 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Đàn chim Việt mới vang trở lại qua giọng hát Quý Dương. Còn Thiên Thai, Suối mơ, Trương Chi và nhiều nhạc phẩm trữ tình của Văn Cao trước cách mạng thì vang trở lại qua giọng hát Kim Ngọc. Hôm ấy, Văn Cao đã rưng rưng nước mắt.

5 năm sau, vào năm thứ 2 thời kỳ đổi mới - năm 1988, những "đêm nhạc Văn Cao" đã là khởi đầu cho sự đổi mới về văn nghệ thời điểm đó. Trong những đêm nhạc ấy, Đàn chim Việt luôn vang lên qua giọng hát Quý Dương.

Ở một chương trình khác thuộc "Khúc hát trữ tình" do nghệ sĩ vĩ cầm Khắc Huề tổ chức, Bến Xuân lại thường vang lên qua giọng hát Thúy Nga. Có đêm ở Hà Nội, sân khấu 51 Trần Hưng Đạo thì hát Bến Xuân, n ở Nhà hát Lớn Hà Nội thì hát Đàn chim Việt. Hát gì thì cũng là giai điệu, là ca từ Văn Cao.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao, những người làm chương trình đã phối hợp cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm một chương trình ca nhạc gồm những nhạc phẩm cùng thi phẩm và họa phẩm của Văn Cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám này. Chương trình lấy tên là Đàn chim Việt, cái tên chứa đựng tinh thần đoàn kết dân tộc - một tinh thần rất cần cho mọi người Việt Nam trên thế giới. Âm nhạc Văn Cao thì đã thành cổ điển, nhưng chắc chắn những người làm chương trình sẽ gửi gắm vào đó nhiều thông điệp đương đại.

Vừa qua, vào năm kỷ niệm trăm năm Văn Cao, cũng là ngẫu nhiên, nhưng tại World Cup nữ 2023 ở Newzeland, trong khuôn khổ bảng E, Quốc ca Việt Nam của Văn Cao đã vang lên trên cầu trường thế giới làm rung động bao con tim. Chắc chắn trong chương trình Đàn chim Việt nó cũng sẽ vang lên như thế.

Nguyễn Thụy Kha

Link gốc: TTVH