Nhìn lại phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tân Hoàng Minh đã khép lại với bản án dành cho 15 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với các mức án từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 8 năm tù. 

Phiên tòa được giới chuyên môn đánh giá là đã thể hiện được đầy đủ nội dung vụ án, xem xét toàn diện các hành vi phạm tội cũng như cân nhắc tổng thể yêu cầu của các bên liên quan. Tất cả các bên tham gia tố tụng đã được trình bày đầy đủ ý kiến của mình, trong đó, hầu hết các bị cáo, luật sư bào chữa đều không tranh luận về tội danh truy tố mà chỉ phân tích về mức độ hành vi, mục đích thực hiện hành vi vi phạm và các vấn đề dân sự phát sinh trong vụ án.

Mục đích phạm tội

Trong cáo trạng cũng như trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đều nêu rõ: Do khó khăn về tài chính, để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, từ tháng 6/2021- 3/2022, bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) đã thống nhất chủ trương và thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 công ty (Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty cổ phần Cung điện Mùa đông) phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Nhìn lại phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh - Ảnh 1.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) nhận mức án 8 năm tù. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Công tố viên đánh giá, để phát hành được trái phiếu, các bị cáo thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu: ngụy tạo hoạt động kinh doanh bằng hình thức ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn.

Phân tích về động cơ thực hiện hành vi gian dối hợp thức hóa các thủ tục, hồ sơ phát hành trái phiếu… nhiều luật sư bào chữa cho rằng các bị cáo trong vụ án không chủ trương chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Luật sư Nguyễn Văn Tú (Công ty Luật FANCI) bào chữa cho Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) cho rằng bị cáo Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt đều không có ý thức chiếm đoạt tiền của bị hại, song do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, trong bối cảnh khó khăn nên cả hai đã vi phạm. Theo luật sư, xét theo quy định pháp luật, hành vi của họ tuy vi phạm pháp luật nhưng không có ý thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chung quan điểm với luật sư Nguyễn Văn Tú, luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Khoa Đức (Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cung điện Mùa đông) nêu ý kiến cần tách bạch giữa hành vi gian dối và chiếm đoạt tài sản. Luật sư Hướng phân tích, dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi gian dối để tạo dựng các hồ sơ thì có, nhưng tại thời điểm đó chưa có ý định chiếm đoạt tài sản mà chỉ nhằm mục đích phát hành trái phiếu, có thêm tiền của các nhà đầu tư để tăng nguồn vốn cho các dự án lớn đang triển khai của Tân Hoàng Minh. Vì vậy, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc động cơ, mức độ thực hiện hành vi phạm tội của thân chủ cũng như các bị cáo khác trong vụ án.

Phân hóa vai trò phạm tội

Căn cứ diễn biến phiên tòa, lời khai của các bị cáo, của người liên quan cũng như các tài liệu, chứng cứ thu thập được… đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử đã có sự phân hóa vai trò phạm tội của từng bị cáo một cách đúng mức, phù hợp với hành vi phạm tội. Trong đó, bị cáo Đỗ Anh Dũng bị đánh giá là người giữ vai trò chỉ đạo toàn bộ hoạt động phát hành 9 gói trái phiếu để huy động tiền trái pháp luật cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đỗ Hoàng Việt có vai trò tham mưu, đề xuất, thực hành theo chỉ đạo, giúp sức tích cực cho bị cáo Đỗ Anh Dũng.

Cụ thể, bị cáo Dũng thông qua Việt là cấp dưới và là con đẻ của mình đã chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động lừa đảo dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhằm huy động vốn lấy tiền. Bị cáo sử dụng tiền mà các nhà đầu tư nộp để mua trái phiếu không đúng mục đích phát hành trái phiếu, chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng. Vì vậy, Dũng bị xác định có vai trò cao nhất trong vụ án, cần áp dụng hình phạt cao hơn các bị cáo khác.

Nhìn lại phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh - Ảnh 2.

Các bị cáo nghe toà tuyên án. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Theo Hội đồng xét xử, Việt có vai trò là người giúp sức tích cực nhưng bị cáo có thái độ thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Việt hoàn toàn làm theo sự chỉ đạo của Đỗ Anh Dũng nên cần giảm nhẹ tội cho bị cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát đã phân hóa vai trò của các bị cáo theo từng nhóm hành vi, gồm: Nhóm giúp sức của Tập đoàn Tân Hoàng Minh giúp sức cho Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt tiền của các bị hại thông qua việc phát hành các gói trái phiếu, làm việc theo chỉ đạo của Dũng, Việt; Nhóm giúp sức Ban Tài chính - Kế toán; Nhóm giúp sức phòng ban chuyên môn của Ban Tài chính - Kế toán; Nhóm giúp sức của các công ty phát hành trái phiếu; Nhóm giúp sức kiểm toán… Từ đó, cân nhắc mức độ, hành vi phạm tội của từng bị cáo để đề nghị mức án tương xứng, phù hợp theo hướng thấp hơn vai trò của bị cáo Dũng và Việt.

Cùng nhận định phân hóa này, Hội đồng xét xử xác định, sau bị cáo Dũng, bị cáo Việt, các bị cáo còn lại đóng vai trò đồng phạm giúp sức, thực hiện theo sự chỉ đạo của Dũng và Việt, làm công hưởng lương, không được hưởng lợi từ hành vi chiếm đoạt tiền của các bị hại, nhóm đồng phạm giúp sức này được chia thành các nhóm với tính chất, mức độ hành vi phạm tội giảm dần.

Những kỷ lục của vụ án

Theo kế hoạch ban đầu, phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày, tuy nhiên, thời gian diễn ra phiên xử chỉ kéo dài gần 4 ngày. Sau hơn 1 tuần xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án. Tuy thời gian xét xử được rút ngắn, song các bị cáo, luật sư bào chữa và nhiều bị hại đều đánh giá, Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa một cách khách quan, công tâm và khoa học. Tòa xem xét và lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên tham gia tố tụng để cân nhắc, đưa ra phán quyết sơ thẩm.

Mặc dù đây là một trong số vụ án có số lượng bị hại lớn nhất, ngay trong ngày khai mạc phiên tòa có tới gần 1.500 bị hại đến phiên xử. Theo luật định, tất cả các bị hại đều được quyền phát biểu, nêu ý kiến, kiến nghị của mình tại phiên tòa. Tuy nhiên, để tránh mất thời gian, Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa rất hợp lý khi tổng hợp ý kiến chung của các bị hại, yêu cầu các ý kiến phát biểu sau đó phải có nội dung khác với những ý kiến trước đó để tránh trùng lặp nội dung kiến nghị.

Trong số các vụ đại án kinh tế, đây là vụ án lớn thứ hai được bị cáo khắc phục hoàn toàn hậu quả thiệt hại (hơn 8.600 tỷ đồng). Trước đó, tháng 12/2019, trong vụ án MobiFone mua AVG, bị cáo khi đó là Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu - AVG) khắc phục bồi thường 8.845 tỷ đồng, vượt số tiền gây thiệt hại trong vụ án là gần 6.600 tỷ đồng.

Trách nhiệm bồi thường dân sự

Nêu quan điểm tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát xác định số tiền gốc theo hợp đồng mua bán trái phiếu của các bị hại với Công ty Tân Hoàng Minh là số tiền chiếm đoạt do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo, nên có căn cứ để chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường số tiền này của các bị hại. Đối với yêu cầu của một số bị hại liên quan đến khoản lãi theo hợp đồng mua bán trái phiếu, tiền lãi phạt chậm trả, Viện Kiểm sát xét thấy việc phát hành 9 gói trái phiếu của Tân Hoàng Minh và bán ra cho các nhà đầu tư được xác định là vi phạm pháp luật nên 9 gói trái phiếu này đã bị hủy theo quy định của pháp luật. Do vậy, hợp đồng mua bán trái phiếu giữa các bị hại với Tân Hoàng Minh là vô hiệu nên cần giải quyết theo quy định của đối với giao dịch dân sự vô hiệu.

Nhìn lại phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh - Ảnh 3.

Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà Nguyễn Xuân Văn tuyên án các bị cáo. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Theo quan điểm của Viện Kiểm sát, các bị cáo có trách nhiệm bồi thường số tiền 8.643 tỷ đồng chiếm đoạt của các bị hại theo quy định của pháp luật. Số tiền này đã được Đỗ Anh Dũng, Đỗ Hoàng Việt nộp lại toàn bộ để khắc phục toàn bộ hậu quả trong vụ án.

Trong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử cũng xác định đối với ý kiến của các bị hại về việc yêu cầu các bị cáo thuộc Tân Hoàng Minh trả lãi cho họ, Hội đồng xét xử nhận thấy, đây là vụ án hình sự, nên trách nhiệm bồi thường dân sự liên quan đến số tiền chiếm đoạt là không có căn cứ để tính lãi như các bị hại yêu cầu. Yêu cầu này chỉ được xem xét giải quyết sau khi bản án xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo có hiệu lực pháp luật. Các thiệt hại khác không liên quan số tiền chiếm đoạt của các bị cáo cũng không có cơ sở xem xét.

Bài học thượng tôn pháp luật

Quá trình xét xử, đại diện Viện Kiểm sát xác định đây là vụ án đầu tiên xử lý hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có gian dối, với giá trị phát hành đặc biệt lớn. Động cơ, mục đích phạm tội xuất phát từ nhu cầu huy động vốn để trả nợ đến hạn, trong điều kiện doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, có phần nguyên nhân từ COVID-19. Hai bị cáo đầu vụ (Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt) đã tích cực, nỗ lực phối hợp với Cơ quan điều tra và gia đình khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt, bảo đảm hoàn trả cho các bị hại. Với số lượng bị hại và giá trị chiếm đoạt đặc biệt lớn thì việc khắc phục toàn bộ hậu quả ngay từ giai đoạn điều tra kịp thời giải tỏa được bức xúc, lo lắng của các bị hại đã mua trái phiếu, đã giảm đi tính chất nguy hiểm cho xã hội.

Vụ án tạm khép lại với một bản án hợp tình, hợp lý, song vẫn để lại nỗi băn khoăn, day dứt cho những người trong cuộc. Bởi lẽ, với ý thức khắc phục hậu quả ngay từ khi vụ án được khởi tố, điều tra, những bị cáo trong vụ án này hoàn toàn có thể tránh được rủi ro cho bản thân nếu như ngay từ đầu, khi lập kế hoạch kinh doanh, khi lên phương án phát hành trái phiếu… có sự cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng các văn bản pháp luật có liên quan, chấp hành tốt quy định hiện hành. Nếu làm được điều đó, nhận thức pháp luật được chú trọng, ý thức thượng tôn pháp luật được đề cao, các hoạt động kinh doanh được minh bạch và doanh nghiệp được bảo vệ an toàn trong hành lang pháp lý.

Kim Anh/TTXVN

Link gốc: TTVH