Giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc qua di sản, di tích, bảo tàng

Tọa đàm khoa học "Nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa ở bảo tàng, di tích" đã diễn ra ngày 28/11, tại Hà Nội. Đây là sự kiện do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia di sản văn hóa, bảo tàng.

Tại tọa đàm, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan nhấn mạnh: Bảo tàng là thiết chế quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công chúng, tạo cơ hội cho mọi người học tập, có những trải nghiệm, khám phá, thưởng thức, suy ngẫm, chia sẻ tri thức, các bảo tàng cần đổi mới trên mọi lĩnh vực: Nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, đặc biệt là hoạt động giáo dục, bởi giáo dục gắn với sự tham gia của cộng đồng được coi là nhiệm vụ quan trọng của một bảo tàng hiện đại.

Nhiều bảo tàng, di tích ở Việt Nam trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã không ngừng nỗ lực, nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng các quan điểm, phương pháp giáo dục, trải nghiệm mới vào trong các chương trình, hoạt động giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa nhằm đem đến, cung cấp các cơ hội học tập, khám phá, trải nghiệm; đưa bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng và thu hút công chúng đến với bảo tàng.

Giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa ở bảo tàng, di tích - Ảnh 1.

Đại biểu tham quan trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Với vị thế là bảo tàng quốc gia đầu hệ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không chỉ thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại Bảo tàng, còn phối kết hợp với gần 30 bảo tàng, di tích trên cả nước để tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục trải nghiệm, lan tỏa mô hình hoạt động đã, đang thực hiện tới các bảo tàng, di tích, phục vụ đông đảo công chúng; qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đóng góp vào việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy những di sản quý giá của dân tộc.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan, Tọa đàm khoa học này được tổ chức nhằm chia sẻ những phương pháp, kinh nghiệm hay, bài học quý về công tác giáo dục di sản đã, đang được thực hiện ở các bảo tàng, di tích trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, góp phần định hướng, hỗ trợ các bảo tàng xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển hoạt động giáo dục di sản phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tàng, di tích và thu hút công chúng.

Các tham luận, ý kiến đại biểu tham dự tọa đàm đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến các quan điểm mới và cách tiếp cận, phương pháp giáo dục di sản; Mô hình/chương trình giáo dục di sản ở các bảo tàng, di tích trên thế giới; xu hướng giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích trong tương lai…

Một số ý kiến đại biểu tập trung đánh giá các hoạt động giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích Việt Nam; những kết quả, kinh nghiệm, những khó khăn, hạn chế, vướng mắc; các hình thức, phương pháp tương tác, trải nghiệm trong giáo dục di sản; nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục, trải nghiệm dành cho đối tượng học sinh, sinh viên; ứng dụng công nghệ trong giáo dục di sản. Các đại biểu cũng thảo luận về tài liệu giáo dục trong giáo dục di sản; truyền thông trong giáo dục di sản; các giải pháp nâng cao chất lượng, giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích… nhằm từng bước đưa bảo tàng, di tích hoạt động hiệu quả hơn và trở thành những địa chỉ giáo dục tin cậy, thu hút ngày càng đông đảo công chúng.

Thảo Vy

Link gốc: TTVH