Cuộc sống sau ống kính: Chuyện về chim nhàn nhỏ

Đây là hình của loài chim nhàn nhỏ, tên tiếng Anh là: littel tern, ảnh được chụp tại bãi bồi Cửa Đại, phường cửa đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Bạn có thể thấy là chim bố đang chăm sóc những quả trứng, phải không? Nhưng tại sao phần bụng chim bố lại ướt? 

Tại sao chúng lại làm tổ dưới bãi cát nóng giữa mùa hè oi bức? Đó là câu chuyện tôi muốn kể sau đây:

Chim nhàn nhỏ sống theo đàn để kiếm ăn, vào mùa sinh sản chúng bắt cặp thành đôi, và khi quyết định sinh con, chúng luôn tìm kiếm một bãi đất trống trơn để xây tổ. Thường là những bãi cát hoặc bãi sỏi sát mép biển.

Cuộc sống sau ống kính: Chuyện về chim nhàn nhỏ - Ảnh 1.

Chim nhàn dấp nước ướt bụng để làm mát những quả trứng khi ấp

Dưới cái nắng chói chang của Miền Trung, để trứng không bị nhiệt độ của cái nắng gắt làm hư hại, cả con trống và con mái phải thay nhau ấp trứng. Càng về trưa khi nhiệt độ tăng cao thì tần suất chúng phải thay ca càng nhiều. Và mỗi lần chúng bay đi chính là để nhúng mình xuống nước biển, làm cho phần lông ở bụng ướt đẫm, để về làm mát trứng và cân bằng nhiệt độ. Khoảng 10-15 phút, chúng lại phải thay nhau đi nhúng nước.

Tôi ngồi cạnh đó, ở một cự li vừa đủ, dưới sự che chắn của những tấm lưới nguỵ trang. Tôi không dám di chuyển, và thậm chí phải đi vệ sinh tại chỗ để hạn chế tối đa việc chúng hoảng sợ, phải bỏ trứng trong thời gian quá lâu. Trứng sẽ bị hỏng dưới nhiệt độ cao.

Cuộc sống sau ống kính: Chuyện về chim nhàn nhỏ - Ảnh 2.

Chim nhàn nhỏ làm tổ trên bãi cát nóng còn để tránh kẻ thù. Vì vào mùa Hè nắng nóng chẳng có con nào muốn ra đó. Trong các tài liệu có nói tới tình trạng trứng của loài này thường bị những chú chó ăn mất. Và thậm chí là người dân ở địa phương đó sẽ ra nhặt trứng về để ăn. Những nguyên nhân đó đều gây ra những tác động rất lớn tới quá trình sinh sản của nhàn nhỏ. Và như tôi đã chia sẻ, chúng cần làm tổ gần sát mép nước để thuận lợi cho việc ấp trứng và kiếm ăn để chăm sóc bạn đời.

Lúc đầu, con trống có thời gian ấp trứng trong ngày nhiều hơn con mái. Con mái hay phải đi kiếm cá về đút mồi cho con trống ngay tại tổ. Nhưng tới khi con non đã nở, thì con mái lại ở bên con non nhiều hơn. Chúng thường đẻ 2 - 3 trứng cho một tổ và mỗi trứng cách nhau khoảng 1 - 2 ngày. Các con non nở cũng nở cách nhau khoảng 1 - 2 ngày. Con mái phải ấp những quả trứng còn lại. Nên việc kiếm mồi nuôi con thường là việc của con trống.

Tôi bắt gặp được những khoảnh khắc, chim mái ấp trứng - chim trống đem mồi về - chim non chạy trong lòng mẹ ra để nhận mồi. Những khoảnh khắc ấy đã chạm vào trái tim tôi.

Cuộc sống sau ống kính: Chuyện về chim nhàn nhỏ - Ảnh 3.

Gia đình hạnh phúc của chim nhàn trên bãi cát

Chúng sẽ có khoảng 2 - 3 ngày để chăm sóc con non tại tổ cho tới khi quả trứng cuối cùng nở. Trong khoảng thời gian đó, chúng vẫn phải duy trì việc nhúng mình xuống biển, để đem nước về cho con non uống ngay từ phần lông ngực thấm đầy nước của mình. Nên khi chúng bay về tổ, chúng thường giữ mình trong tư thế nửa đứng, nửa quỳ để con non dễ uống nước.

***

Khi những cơn mưa to bất chợt chúng không rời khỏi tổ, để che mưa cho con non khỏi bị ướt và lạnh. Trời nổi gió khiến cát bay mù mịt, chúng vẫn đứng vững để che chắn cho con non. Khi có kẻ thù xuất hiện, chúng xù lông, giang cánh để bảo vệ con, dù bản thân chúng cũng thật nhỏ bé giữa thiên nhiên rộng lớn.

Chúng dành rất nhiều thời gian để chăm sóc con non. Mùa sinh sản của chúng từ khi bắt cặp, đẻ trứng, ấp trứng, nuôi con phải kéo dài khoảng 4 tháng. Trong 1 bãi, nếu tổ nào bị mất trứng do nhiều yếu tố tác động, cặp đó sẽ đẻ trứng khác cho mùa sinh sản đó, và nuôi con chậm hơn cả bầy.

Vào tháng 8, chúng ta sẽ dễ thấy những khoảnh khắc chim nhàn bắt mồi và đem mồi về cho con non đứng đợi trên bờ biển.

Theo sát cả quá trình chim nhàn nhỏ sinh sản và nuôi con, tôi như được sống trong những câu chuyện kì diệu của tự nhiên. Ở những nơi tưởng chừng như chỉ có nắng và gió, thì những chú chim nhỏ bé đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình. Chỉ cần chứng kiến tất cả những điều đó, lòng ta sẽ tràn đầy hạnh phúc.

Bắt đầu từ số này, mục "Cuộc đời sau ống kính" sẽ được đổi thành "Cuộc sống sau ống kính". Bên cạnh tác giả quen thuộc Lưu Quang Phổ sẽ có thêm nhiều nhiếp ảnh gia khác tham gia, để kể lại những câu chuyện mà họ nhìn thấy sau ống kính.

Võ Rin

Link gốc: TTVH