Quản lý chặt chẽ thông tin trên môi trường mạng

Năm 2023, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức nhiều đợt đấu tranh quyết liệt với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là Facebook, Google, Apple, Tiktok.... 

Cục đã buộc các doanh nghiệp này phải nghiêm túc triển khai hợp tác, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc trên các nền tảng do họ cung cấp, tăng tỷ lệ đáp ứng thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, ứng dụng vi phạm.

Cụ thể, tăng tỷ lệ đáp ứng thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, ứng dụng vi phạm, tài khoản giả mạo, trong đó duy trì tỷ lệ đáp ứng yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu độc lên trên 90%. Rút ngắn thời gian xử lý, ngăn chặn thông tin vi phạm xuống còn 3-24 giờ, đặc biệt áp dụng tình huống khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc gia, cả 3 nền tảng mạng xã hội lớn Facebook, Goolge, Tiktok áp dụng công nghệ AI để tự rà quét, phát hiện và xử lý nội dung vi phạm theo yêu cầu của Bộ. Không chạy quảng cáo chính trị cho các tài khoản, fanpage của cá nhân, tổ chức phản động, khủng bố chuyên phát tán tin giả, thông tin xấu độc. Cùng với đó là kiểm soát chặt các kênh có tính năng kiếm tiền về nội dung đăng tải, quảng cáo và việc đóng thuế... Tăng cường rà soát, xử lý khiếu nại, những nội dung vi phạm khác bên cạnh nội dung chính trị như vi phạm liên quan đến vấn đề bản quyền, quảng cáo sai sự thật, nội dung độc hại với trẻ em, mại dâm...

Quản lý chặt chẽ thông tin trên môi trường mạng - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Tháng 5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với 5 bộ, ngành liên quan tổ chức đoàn kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Ngày 29/9/2023, Bộ đã ban hành Kết luận kiểm tra số 08/KL-BTTTT đối với hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Trong đó, Đoàn kiểm tra đã chỉ ra các sai phạm của mạng xã hội để yêu cầu chấn chỉnh và kiến nghị đối với các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện kết luận kiểm tra, cũng như tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam của TikTok Singapore.

Bên cạnh đó, Bộ đẩy mạnh việc tiếp nhận phản ánh và xác minh tin giả của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), gắn nhãn tin giả và công bố thông tin xác thực trên các phương tiện thông tin đại chúng, lan tỏa sự thật góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch. Trang tingia.gov.vn đã công bố kịp thời nhiều tin giả, tin sai sự thật, kịp thời ngăn chặn phát tán của tin giả, tin sai sự thật; thực hiện phối hợp chặn gỡ hơn 800 đường link cờ bạc, xử lý nhiều thông tin phản động, xấu độc đồng thời có nhiều bài viết cảnh báo lừa đảo, sai sự thật có ảnh hưởng lớn.

Quản lý chặt chẽ thông tin trên môi trường mạng - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp quản lý thuật toán của nhiều nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, từ đó đề xuất các giải pháp triển khai tại Việt Nam (siết chặt quản lý, yêu cầu cung cấp các thuật toán gợi ý nội dung cho Chính phủ để giám sát việc thu thập dữ liệu, chống gây nghiện, điều hướng thông tin đến người dùng...).

Năm 2024, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ kết nối các bộ, ban, ngành, địa phương với Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam để hình thành mạng lưới xử lý quy mô quốc gia; tăng cường phối hợp để triển khai quản lý hiệu quả lĩnh vực chuyên ngành trên môi trường mạng, kết hợp đồng bộ, thống nhất các giải pháp đấu tranh pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Định hướng năm 2025, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng chính sách phát triển mạng xã hội Việt Nam có tiềm lực trở thành nền tảng số đa dịch vụ thu hút người dùng trong nước, khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung sản xuất, đưa những nội dung tích cực, hấp dẫn lên mạng xã hội trong nước, trở thành một kênh truyền thông mang tính giải trí cao, cạnh tranh với mạng xã hội xuyên biên giới, hỗ trợ truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước.

Cùng đó, cơ quan chức năng sẽ siết chặt quan lý đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước có hợp tác với doanh nghiệp xuyên biên giới về quảng cáo, có giải pháp định hướng các nhà sáng tạo nội dung, kênh nội dung để khuyến khích sản xuất các nội dung tích cực để thu hút quảng cáo, điều tiết quảng cáo vào báo chí và tài khoản, kênh nội dung đã thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông; chấn chỉnh, xử lý vi phạm về quảng cáo trên mạng...

Phúc Hằng/TTXVN

Link gốc: TTVH