Sách ảnh '108 phi công chiến đấu Việt Nam' (kỳ 2 & hết): Gặp lại những chiến binh huyền thoại của trời đêm
Xem sách ảnh 108 phi công chiến đấu Việt Nam (chủ biên: nhà thiết kế Từ Phương Thảo, nhiếp ảnh: Ngô Nhật Hoàng), độc giả được tiếp xúc với những nhân chứng lịch sử, những phi công chiến đấu quả cảm, tài ba của phi đội bay đêm, chuyên đánh B-52 thời kháng chiến chống Mỹ. Hồi ức của những người trong cuộcvẫn vẹn nguyên một tình yêu bầu trời với sức mạnh của "cánh chim bạc" trên ve áo màu xanh đầy kiêu hãnh.
1. Có mặt tại buổi ra mắt sách, đại tá Hoàng Biểu, nguyên Đại đội trưởng đội bay đêm, Trung đoàn không quân 921 cho biết: "Lực lượng của chúng tôi trong chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không (12/1972) đối đầu với B-52 của Mỹ, chỉ đánh ban đêm. Cho nên thực chất phi đội của chúng tôi thời bấy giờ được coi là lực lượng chính để đánh B-52. Phía Mỹ cũng xác định máy bay MiG-21 bay đêm của chúng ta là đối tượng chính đánh B-52. Do đó, ngay từ đêm 18/12, Mỹ bắt đầu dùng B-52 đánh ra Hà Nội, thì các sân bay chính cho MiG-12 cất cánh của ta như Nội Bài, Kép, Gia Lâm… đều bị đánh phá".
"Đối mặt với B-52 ngay từ đầu, lực lượng bay đêm của ta đã gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Nhưng với tinh thần trên dưới đồng lòng, quân dân một ý, các sân bay bị đánh phá đã được các lực lượng quân đội, người dân tại chỗ nhanh chóng sửa chữa cả đêm lẫn ngày để không quân của ta hoạt động bình thường".
"Phía Mỹ tưởng rằng đánh phá hết sân bay, ta không thể hoạt động, nhưng thực tế tất cả các đêm trong 12 ngày đêm, không quân ta vẫn cất cánh. Trong điều kiện bay đêm đánh địch, chúng tôi cũng xác định phải sử dụng cơ động thêm các sân bay dã chiến như Yên Bái, Hòa Lạc, Miếu Môn, Cẩm Thủy, Thọ Xuân… Các sân bay xung quanh miền Bắc này giúp quân ta phân tán lực lượng để trực tác chiến, vẫn có thể cất cánh để chặn đánh khi B-52 tấn công".
"Trong 12 ngày đêm, phi đội của chúng tôi đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B-52 và 1 máy bay F-4. Cụ thể, đêm 27/12, phi công Phạm Tuân cất cánh từ sân bay Yên Bái bắn rơi tại chỗ một máy bay B-52. Đêm 28/12, tại sân bay Cẩm Thủy, dù trước đó bị đánh phá tan nát, nhưng phi công Vũ Xuân Thiều đã cánh và bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B-52 ở vùng trời Sơn La, sau đó đã anh dũng hy sinh. Đêm 29, rạng sáng 30/12, phi công Bùi Doãn Độ đã bắn rơi tại chỗ một máy bay F-4 và cũng là máy bay cuối cùng của Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc" - đại tá Hoàng Biểu nói.
Cho biết thêm về những khó khăn của phi đội bay đêm đánh B-52, đại tá Nguyễn Công Huy, phi công MiG-21, Đại đội 3, Trung đoàn Không quân 921 chia sẻ: "Vốn bay đêm cực kỳ khó khăn, tất cả các sân bay đều bị đánh phá, đường băng, đường kéo dắt cũng đều bị đánh phá. Có những chuyến cất cánh ở đường ngang sân bay, khi hạ cánh đã lao thẳng vào hố bom".
Ông Huy nêu ví dụ:"Đêm 18/12, anh Phạm Tuân đã lao vào hố bom, máy bay lật ngửa. Anh Tuân đã phải đạp vỡ nắp buồng lái mới có thể chui ra. Hay anh Vũ Đình Rạng vào sáng ngày 19/12 cũng hạ cánh lao qua tất cả các hố bom và máy bay cũng cắm xuống một hố bom rất lớn. Có thể nói, để hoàn thành nhiệm vụ, tất cả các phi công đánh đêm bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa máy bay lên trời. Sau đó, nếu không thể hạ cánh, có thể nhảy dù".
Ví dụ như trường hợp của phi công Nguyễn Đức Chiến, từng cất cánh bằng tên lửa bổ trợ vào đêm 21/12 tại sân bay Đa Phúc. "Tôi được gọi ra ngoài sân bay Đa Phúc trực chiến. Khi ấy, sân bay chỉ còn 300 - 400m đường bằng đất, còn đường băng đã bị đánh hỏng. Khoảng 3h30 sáng, có báo động, tôi đã cất cánh bằng tên lửa bổ trợ. Khi cất cánh, tôi thấy đèn báo có máy bay địch đằng sau nên đã vứt bỏ thùng dầu phụ và 2 quả tên lửa bổ trợ. Khi ấy, chưa kịp cơ động thì địch đã bắn, nhưng do độ cao thấp, nên không trúng. Sau đó, tôi cơ động bay lên thì gặp thời tiết rất xấu. Do radar bắt nhầm tín hiệu dẫn về, cho nên tôi đã điều khiển máy bay xuyên từ độ cao 6.000m xuống qua khe núi của các dãy Tam Đảo, Ba Vì. Xuống đến độ cao 150m nhìn quanh đều là núi, kéo động cơ lên nhưng máy bay hết dầu nên tôi đã phải nhảy dù xuống vùng Hòa Bình" - phi công Nguyễn Đức Chiến kể lại.
2. Trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, đại tá Bùi Doãn Độ được biết đến là phi công bắn rơi chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trong cuộc đối đầu với Không quân Mỹ. Cho đến hôm nay, khi hội ngộ cùng với đồng đội, người phi công ấy vẫn nhớ như in khoảnh khắc lịch sử vào đêm 29/12, trước thời khắc Tổng thống Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc vào sáng 30/12/1972.
Đại tá Bùi Doãn Độ kể: "Tôi cất cánh ở sân bay Kép, trên đường ngang, sau khi F-111 đánh phá. Tôi được lệnh nổ máy cất cánh nhưng đường băng chưa được kiểm tra. Tuy nhiên, tự thấy đường băng vẫn tốt nên tôi đã xin phép sở chỉ huy cất cánh".
"Cùng hôm đó, sau khi dẫn dắt gặp B-52 không thành công, sở chỉ huy thông báo có địch bay chéo đường bay của tôi, ở cự ly khoảng 8km. Tôi tăng lực và ép sát máy bay địch để bắn. Tuy nhiên, trong tích tắc tôi bị mất mục tiêu. Khi nhìn lại lần thứ 2, với cự ly có thể bắn được, tôi kéo sát máy bay đến trong khoảng 1km và tôi phóng 2 quả tên lửa liền nhau. Khi lật lại, tôi thấy chiếc máy bay F-4 cánh cong cắm xuống đất với góc khoảng 40 độ và kéo theo sau một luồng lửa".
Những Hoàng Biểu, Nguyễn Công Huy, Bùi Doãn Độ, Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều… cùng nhiều "chiến binh trời đêm" khác đã trở thành huyền thoại của chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" lịch sử. Họ, với ý chí, nghị lực và tâm hồn dành cho đất trời quê hương, cho nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh. Để rồi, những hình ảnh đẹp đẽ thời chiến ấy mãi trở thành các giá trị quý báu, thiêng liêng trong thời bình.