Để cổ tích không chỉ là 'ngày xửa ngày xưa'

"Tôi muốn viết những câu chuyện mà ở đó diễn ra cuộc hội ngộ với những nhân vật tưởng như bất tử, nhưng đang dần bị lãng quên của kho tàng cổ tích Việt Nam. Và có cả những nhân vật phản diện bị phong ấn bởi định kiến, để họ được cất lời "vì sao tôi xấu?" một cách rất con người, được bao dung và thay đổi" - tác giả Quyên Trần chia sẻ về dự án Đồng dao cổ tích.

Ra mắt chiều 15/8 tại Hà Nội, dự án Đồng dao cổ tích, gồm sách và nhạc kịch cùng tên gọi, do FFC Group tổ chức và được triển khai thực hiện bởi Trung tâm Đào tạo & Nghệ thuật FFC.

Từ trang sách đến nhạc kịch

Tác giả Quyên Trần cho biết, ý tưởng về sách Đồng dao cổ tích ra đời đồng thời với quá trình xây dựng ý tưởng kịch bản cho một vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi sử dụng 100% nhạc cụ truyền thống của Việt Nam.

"Suốt quãng thời gian thai nghén ý tưởng cho kịch bản, trong tôi luôn có một sự nhất quán về việc cần làm sống lại những hình tượng cũ, không gian cũ, bài học cũ bằng góc nhìn mới" - Quyên Trần chia sẻ - "Và ý tưởng về chuyến đi lạc của một cô bé thời hiện đại vào xứ sở của những nhân vật cổ tích đang bị lãng quên ra đời".

Để cổ tích không chỉ là 'ngày xửa ngày xưa' - Ảnh 1.

Bà Quyên Trần, tác giả sách, đồng thời là chủ nhiệm dự án “Đồng dao cổ tích” tại buổi họp báo. Ảnh: Mai Thương

Từ ý tưởng này, sách Đồng dao cổ tích (NXB Thế giới) của 2 tác giả Quyên và O đi theo bước chân của hai nhân vật Thi Ca và Thi Họa khi lạc vào một thế giới kỳ ảo. Đó là nơi những nhân vật cổ tích đang bị giam cầm trong cái kết của truyện và sự lãng quên của thế giới hiện đại.

Trong hành trình đó, Thi Ca và Thi Họa đã gặp gỡ những nhân vật rất quen thuộc, nhưng câu chuyện lại được nhìn và tiếp cận ở nhân sinh quan mới mẻ.

Trong Đồng dao cổ tích, thế giới cổ tích không dừng ở những câu chuyện "ngày xửa ngày xưa" mà là một dòng chảy bất tận của những câu chuyện mới. Đó là nơi các nhân vật cổ tích tiếp tục sống và tương tác cùng con người hiện đại, để những câu chuyện xưa "vốn phải là như thế" được soi chiếu bằng góc nhìn khác. Và cũng là nơi thế giới cổ tích trở nên thật hơn, gần gũi hơn, nơi phép màu hoàn toàn có thể trở thành sự thật nhờ niềm tin và nỗ lực cùng những giá trị sống tốt đẹp.

Để cổ tích không chỉ là 'ngày xửa ngày xưa' - Ảnh 2.

Sách “Đồng dao cổ tích” (NXB Thế giới) của tác giả Quyên&O

Nhạc kịch Đồng dao cổ tích cũng được khởi nguồn từ dòng chảy cổ tích ấy. Với yếu tố "đồng dao", ê-kíp thực hiện dự án khai thác phần âm nhạc mang màu sắc dân gian làm xương sống. Đó là cách sử dụng những chất liệu như nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca, hò, vè… và đưa thêm vào tinh thần, hơi thở của thời đại. Như thế, thông qua sách, nhạc kịch và những sản phẩm khác trong tương lai, Đồng dao cổ tích hứa hẹn trở thành cây cầu mang những giá trị văn hóa truyền thống tới gần hơn với thế giới hiện đại, đặc biệt là thế giới của tuổi thơ.

Sau ra mắt, nhạc kịch Đồng dao cổ tích sẽ công diễn vào ngày 16 - 17/9 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội).

Phá vỡ định kiến

Nhưng, Đồng dao cổ tích không hẳn là dự án làm mới những câu chuyện cổ tích. Đúng hơn, đây là dự án viết tiếp những câu chuyện cổ tích mà ở đó vị nhân sinh là tinh thần chủ đạo.

Như lời tác giả của dự án, xóa đi những định kiến từ trong tiềm thức về các nhân vật phản diện bằng lòng bao dung của góc nhìn hiện đại, cũng là cách chúng ta giải phóng bản thân mình.

Mỗi nhân vật hiện lên trong Đồng dao cổ tích bởi thế cho ta những bài học ý nghĩa. Đó là một Ông Bụt thất nghiệp lang thang vô định giữa hai thế giới, bởi hiện tại thì quá đủ đầy và thế giới cổ tích thì đang bị phong kín bởi những định kiến và lãng quên của người đời. Ông Bụt là đại diện cho niềm tin về sự dẫn dắt tới những điều tốt đẹp, dạy chúng ta niềm tin vào phép màu của lương tri.

Để cổ tích không chỉ là 'ngày xửa ngày xưa' - Ảnh 4.

Một minh họa trong sách “Đồng dao cổ tích”

Đó là một Cám xinh đẹp, có giọng hát làm lay động lòng người nhưng ẩn mình vì mặc cảm về quá khứ, về sự mặc định chân dung là kẻ xấu. Để cho Cám được nói lên tiếng lòng là cách tác giả chọn góc nhìn bao dung hơn, khi mọi lỗi lầm vẫn có thể được sửa sai bằng thành ý và nỗ lực vươn tới những giá trị tốt đẹp.

Đó còn là cuộc chiến tưởng như bất tận của Sơn Tinh và Thủy Tinh khởi nguồn từ sự bất công bằng nhưng khép lại bằng nhận thức về giá trị của việc xóa bỏ hận thù, của tình yêu, của sức mạnh được làm nên bởi sự đồng lòng. Và có cả một Thánh Gióng thật sự bất tử bởi sự gần gũi với đời thường và cách xây dựng một hình tượng anh hùng chân thật nhất trong lòng những đứa trẻ thay cho những siêu nhân ngoại lai.

"Điều lớn nhất tôi mong muốn ở dự án này là phá vỡ định kiến. Trước hết là trong âm nhạc, hãy để bọn trẻ có cơ hội được chọn lựa, thay vì mặc định rằng nhạc hiện đại mới là thời thượng, rằng âm nhạc dân tộc thiếu hấp dẫn hoặc chỉ dành cho người ưa hoài cổ" - tác giả Quyên Trần nhấn mạnh.

"Thêm nữa, phá vỡ định kiến còn nằm ở mối quan hệ giữa người với người, bằng góc nhìn bao dung của nhân sinh quan hiện đại. Bởi trong hành trình cuộc đời, mỗi người  sẽ trải qua biết bao bước chuyển về ý thức và hành vi, về sự tranh chấp giữa đúng - sai, thiện - ác" - chị nói thêm - "Khi đưa ra cuộc gặp gỡ giữa con người hiện đại với những nhân vật cổ tích đang bị giam cầm bởi ẩn ức, định kiến, tôi mong muốn chúng ta được ngoái lại quá khứ để cởi trói cho những sai lầm, để có niềm tin vươn tới một cuộc đời vui vẻ hơn trong hiện tại và ý nghĩa hơn trong tương lai".

"Đôi mắt đẹp nhất là đôi mắt biết thương nhìn đời (Cám). Đôi tai đẹp nhất là đôi tai biết lắng nghe nỗi khổ niềm đau của đời (Ông Bụt). Đôi tay đẹp nhất là đôi tay biết giúp đời bớt khổ (Mai An Tiêm). Đôi chân đẹp nhất là đôi chân vững chãi giữa bão tố của cuộc đời (Thánh Gióng). Nghĩa cử đẹp nhất là hóa giải hận thù và đồng lòng chung sức (Sơn Tinh -Thủy Tinh). Và tâm hồn đẹp nhất là tâm hồn bình an, thánh thiện (Thi Ca). Di sản quý giá nhất là di sản đồng dao, cổ tích" - Quyên Trần viết trong Đồng dao cổ tích.

Công Bắc

Link gốc: TTVH