Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Muốn tạo bản sắc khác biệt cho đêm thi National Costume
Điểm khác biệt của đêm thi National Costume tại Miss Grand Vietnam so với cuộc thi quốc tế là mỗi phần thi đều có visual, âm thanh và hình ảnh riêng.
Chia sẻ với báo chí, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết khó khăn lớn nhất khi dựng đêm thi National Costume là trang phục năm nay toàn "thiết kế khủng", nặng vài chục kg là bình thường. Điều đó khiến ban tổ chức phải suy nghĩ lối đi hậu đài, cách di chuyển lên xuống để đảm bảo thí sinh bước đi trơn tru.
"Tôi bất ngờ vì thí sinh phô diễn sự hoành tráng. Nhà thiết kế trẻ biết rằng National Costume năm nay diễn ra tại Việt Nam, lợi thế chủ nhà nên tha hồ bung xõa trí tưởng tượng, có những bộ có chiều cao 4-5m như Yàng ơi, trái thị khổng lồ, cây cối, đầu lân rất nặng. Điều này không chỉ khó khăn với tôi mà còn ở nhà trình diễn", đạo diễn Hoàng Nhật Nam nói.
Các NTK trẻ đưa ra giải pháp, phần bánh xe di chuyển giúp thí sinh không quá áp lực khi tập luyện, trình diễn trên sân khấu. Thí sinh cố gắng để có sức khỏe dẻo dai, tươi cười khi biểu diễn trang phục nặng. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam đưa ví dụ về trường hợp của Đoàn Thiên Ân. Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 biểu diễn trong khối rất nặng, phải có sức khỏe để tỏa sáng trên sân khấu.
Để chuẩn bị tốt cho đêm diễn, đạo diễn Hoàng Nhật Nam phải tìm hiểu, chuẩn bị đến 75 cảnh visual, kết hợp âm nhạc, mọi thứ được hoàn thành nhanh chóng trong vòng 5 ngày. Đạo diễn nói làm điều này để tạo nên sự khác biệt, giúp khán giả thưởng thức trọn vẹn từng tinh hoa văn hóa ở mỗi trang phục.
"Phiên bản quốc tế chỉ có background duy nhất cho mọi thí sinh. Nhưng với phần thi trang phục văn hóa dân tộc, chúng ta phải thổi hồn, nhào nặn đưa yếu tố văn hóa làm bật lên trang phục trong từng màn trình diễn. Tôi nghĩ phần thi trang phục văn hóa truyền thống được cộng hưởng từ make up, phục trang, visual và âm nhạc để khán giả tận hưởng trọn vẹn yếu tố văn hóa từ nhà thiết kế", anh nói.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết khi xem toàn bộ show, mỗi trang phục là câu chuyện kể, hòa mình vào miền xứ sở, cảm xúc, từ sự nhọc nhằn của người nông dân, trù phú của thiên nhiên, đất đai và con người Việt Nam cho đến hồi ức tuổi thơ.
"Áp lực của tôi là giữ được lửa, chất lượng bài thi, trình diễn sân khấu. Chúng tôi xúc động khi người đẹp, thí sinh, các hoa á hậu có phần lột tả trên sân khấu trong giây phút ngắn ngủi. Các bạn phải học múa, thể hiện vẻ đẹp của cô gái ba miền, nàng tiên… ở từng câu chuyện khác nhau, tín ngưỡng tâm linh như bóng rỗi, đạo Mẫu. Thí sinh không chỉ diễn đẹp mà phải hiểu trang phục. Nét mặt, nụ cười phải toát lên thần thái nhân vật và câu chuyện. Điều đó rất khó, trong thời gian ngắn như vậy làm được là sự cộng hưởng giữa nhà thiết kế, thí sinh, hoa, á hậu, đạo diễn, ê-kíp sản xuất âm nhạc và mọi thứ", anh nói thêm.
Để đêm thi trở thành thương hiệu của Miss Grand Vietnam, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nói điều cần thiết là duy trì chất lượng cuộc thi tổ chức thường niên. Mỗi sân chơi đều là cơ hội để quảng bá văn hóa truyền thống. Nhiều người nghĩ rằng chỉ người trưởng thành, có độ chín để theo dõi văn hóa Việt Nam, giới trẻ thích nghiêng về hiện đại nhưng điều đó hoàn toàn ngược lại.
NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam - cho biết: Ông ấn tượng với đêm thi National Costume. Đêm diễn mang đậm bản sắc văn hóa, giới thiệu văn hóa vùng miền.
"Các nhà thiết kế trẻ sáng tạo trang phục dựa trên cơ sở văn hóa, gợi mở ra nhiều sáng tạo, không chỉ với trang phục mà còn cộng hưởng với nhiêu yếu tố khác. Những bộ trang phục có hiệu quả trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam, sự hấp dẫn của địa phương đến với thế giới", ông Vương Duy Biên nói.
"Tôi mong những thiết kế mang đậm chất văn hóa đến với giới trẻ theo cách hiện đại hơn. Dù chúng ta có sống ở thời nào đi nữa, phải có sự kết nối, kế thừa giá trị của người đi trước, phù hợp với cuộc sống chúng ta hôm nay, phát triển, làm đẹp hình ảnh Việt Nam", NSND Vương Duy Biên nói thêm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: Các nhà thiết kế thổi hồn văn hóa vào trang phục, mang đến những hoa sen, quả dứa (quả thơm), bồ câu, đặc sản địa phương, tranh vẽ Đông Hồ, lớn lao hơn là chiếc võng Trường Sơn.
"Thực ra đó là nghệ thuật thể hiện văn hóa dân tộc nước nhà. Nhà thiết kế tạo ra trang phục. Các thí sinh tuổi đời còn trẻ, cộng thêm việc hoa hậu có kinh nghiệm trình diễn tạo ra sàn diễn đẹp. Không gian, ánh sáng, âm nhạc và đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng mang lại đêm thi độc đáo đến công chúng", ông Dương Trung Quốc nói thêm.