Triển lãm 'Mây ngỏ' của Phan Minh Bạch: Đậm đặc tính nữ trong hành trình thức tỉnh nội giới
Đang diễn ra tại ART30 Gallery (Hà Nội), triển lãm Mây ngỏ là kết quả của hành trình sáng tạo miệt mài trên lụa trong suốt 4 năm qua của họa sĩ Phan Minh Bạch.
Ở triển lãm đầu tay này, chị chọn kể một câu chuyện dài hơi về tính nữ trong trục không gian - thời gian của vũ trụ và đời sống - một chủ đề rộng lớn mà mình đã theo đuổi từ thời thanh xuân.
Mây ngỏ gồm 24 tác phẩm, chia thành 6 series: Nghìn năm mây trắng, Vân tưởng y thường, Vân mộng, Tam thái vân gian, Chơi vơi và Hội long vân. Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày thêm series Ngỏ gồm 6 tranh như một lời ngỏ về triển lãm tiếp theo của Phan Minh Bạch mang tên Lời ru, dự kiến diễn ra năm 2024.
Tính nữ thấm đẫm văn hóa Á Đông
Nổi bật nhất tại triển lãm của Phan Minh Bạch có lẽ phải kể đến bức tranh Mây trắng nghìn năm. Đây là bức giấy dó duy nhất được trưng bày, như điểm khởi đầu dẫn dụngười xem vào hành trình khám phá thiên tính và nội giới của người nữ trong tranh Phan Minh Bạch.
Hiển lộ ở vị trí trung tâm của Mây trắng nghìn năm là hình tượng một thần nữ mang sắc vẻ huyền hoặc và dữ dội. Thần nữ ấy mang tinh thần khởi nguyên, như ký ngụ những tự sự về huyền sử, rộng hơn là thẳm sâu của đa tầng văn hóa.
Trong tranh, Phan Minh Bạch sử dụng kỹ thuật tạo nhiều lớp để tổng hòa nhiều sắc thái văn hóa của người Việt Nam. Đó là những hoa văn, họa tiết của gạch, ngói cổ xưa, là biểu tượng quyền năng thông qua hình thái rồng, phượng. Đặc biệt, tranh còn được cài cắm tính thiêng thông qua biểu tượng hình vuông màu son đỏ gắn với tập tục thờ cúng thần linh của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. Từ đây, người nữ trong tranh của Bạch được thần hóa, không chỉ biểu lộ thân phận của một giới trong xã hội mà còn ở tầm cao hơn: Gắn với tâm thức thần nữ là gốc rễ sinh ra vạn vật.
Và cũng từ thần nữ trong Mây trắng nghìn năm ở trạng thái nằm thức tỉnh với thông điệp "ngủ quên quá khứ", Phan Minh Bạch tiếp tục dẫn bước người xem đi khám phá đa sắc thái của thiên tính nữ.
Đó là người nữ uy quyền và nội lực ở Ngàn năm mây trắng trong vẻ đẹp thoát tục với biểu tượng rồng nhập thể. Bước ra từ quá khứ, đó là người nữ mang phong thái tự do, với tinh thần làm chủ để đến hiện đại qua Vân tưởng y thường. Khi đã đến hiện đại từ truyền thống, người nữ lại trở về với truyền thống ở Tam thái vân gian trong trạng thái thảnh thơi để hưởng thụ thiên nhiên.
Tiếp tục với Vân mộng, Phan Minh Bạch mang đến hình ảnh người nữ phiêu diêu như đang bay lên với không gian tươi sáng. Để rồi, tiếp tục với hành trình thức tỉnh, người nữ bước vào Chơi vơi với những vọng tưởng lớn lao về tự do và giải thoát.
Sau cùng, toàn bộ Mây ngỏ đã lột tả trọn vẹn hành trình thức tỉnh của người nữ. Đó cũng là hành trình mà bấy lâu nay, Phan Minh Bạch dành sự quan tâm và quan sát đặc biệt cho những người phụ nữ đang sống quanh mình.
"Từ năm 2018, tôi tập trung hoàn toàn cho việc sáng tác series đầu tiên trong câu chuyện đã chọn về chủ đề người phụ nữ. Họ có quá nhiều những tâm tư, tình cảm phải chịu đựng trong cuộc sống, nhất là những người phụ nữ Á Đông" - họa sĩ tâm sự - "Tôi chọn khai thác hình thể của người phụ nữ để muốn nói nhiều hơn về những câu chuyện bên trong của họ. Khi vẽ, tôi gần như rũ bỏ hoàn toàn lớp xiêm y bên ngoài và chỉ chú trọng đến hình thể. Hơn thế, tôi muốn cài cắm vào trong người nữ những yếu tố văn hóa để nhấn mạnh hình tượng người phụ nữ Á Đông được soi chiếu bằng hệ quy chiếu của văn hóa".
Chị nói thêm: "Khi kết hợp với các yếu tố văn hóa truyền thống của Việt Nam, rộng hơn là văn hóa cổ xưa của phương Đông, tôi muốn tạo ra hình ảnh người phụ nữ trong tranh mang điển hình của người phụ nữ Á Đông. Họ phảng phất trên mình những họa tiết, hoa văn truyền thống cổ xưa nhưng vẫn mang phong thái của những người phụ nữ hiện đại".
Cùng với tính nữ đậm đặc, cảm hứng Á Đông thông qua những biểu tượng mang tính truyền thống được Phan Minh Bạch đưa vào tranh bằng nghệ thuật thị giác để nhấn mạnh nhiều hơn về câu chuyện văn hóa.
Chị cho rằng: "Trong xã hội hiện đại 4.0 như hiện nay, tất cả mọi thứ đều thuộc thế giới phẳng, tất cả con người đều bình đẳng như nhau và đều có những phương tiện như nhau, không ai khác ai. Để nói ra được với thế giới bên ngoài: "tôi là ai?", cái cần nhất chính là văn hóa truyền thống. Đó là lý do tôi mang đến tạo hình những cô gái bước đi rất mạnh mẽ với phong thái rất tự tin, đĩnh đạc khoác trên thân thể thay cho trang phục là những hoa văn truyền thống cổ xưa".
"2 cha con tôi đều có một mong muốn: Phải vẽ làm sao ra được là của người Việt Nam. Ông (họa sĩ Phan Bảo – PV) thường nhắc đi nhắc lại việc tìm ra được tính Việt để thể hiện trên tranh. Con đường đó, hành trình đó, ông đi tìm và tôi cũng đi tìm" - họa sĩ Phan Minh Bạch.
Lụa là Bạch, Bạch cũng là lụa
4 năm cho 1 triển lãm, dĩ nhiên Mây ngỏ không chỉ có tầng sâu của câu chuyện. Cuộc trưng bày còn mang đến những ấn tượng về kỹ thuật và mỹ cảm mới cho tranh lụa của Phan Minh Bạch. Đến triển lãm, dễ thấy chỉ riêng cách Bạch bày tranh cũng đã khác nhiều người. Lụa lồng lụa, tranh trong tranh, điểm nhìn hội họa trước - sau, trong - ngoài đã khai thác triệt để đặc tính và ưu thế của chất liệu trong hình thức mới. Đó là sáng tạo hiện đại của triển lãm này. Chưa kể, chọn lụa để vẽ người nữ thì còn gì hợp bằng.
Mây ngỏ cho thấy được kỹ thuật làm chủ lụa thuần thục của Phan Minh Bạch. Vốn được học vẽ và viết thư pháp từ nhỏ, Bạch sử dụng bút lông tròn một cách nhuần nhuyễn. Chị ứng dụng được kỹ thuật vẽ nhiễm mặc cổ xưa với bút lông tròn, để màu loang tự nhiên theo bút lực trên lụa. Phan Minh Bạch cho hay: "Dùng kỹ thuật nhiễm mặc (mặc là mực, màu) để đưa được màu vào từng lanh lụa là kỹ thuật của người phương Đông. Nhiễm mặc giúp màu như được nhuộm, ăn vào từng lanh lụa. Sau công đoạn nhảy múa với màu, đến công đoạn rửa trôi màu trên lụa. Kỹ thuật này cũng cần mạnh bạo và khéo léo như mài tranh sơn mài. Vừa vẽ, vừa rửa lụa liên tục theo cách làm truyền thống, để màu bám và đạt độ trong suốt như ý".
Xem tranh của Bạch ở Mây ngỏ sẽ thấy, họa sĩ đã có thời gian đủ dài để tích tụ tất cả từ những vốn sống, nhân sinh quan về xã hội, kỹ thuật để có thể đưa ra thủ pháp riêng cho tranh lụa. Khác với họa sĩ khác thường tạo ra những cảm xúc nhất thời và mạnh bạo, tranh của Bạch có sự thẩm thấu chầm chậm giống như con người của chị. Cả nội dung lẫn kỹ thuật đều có sự nghiền ngẫm kỹ lưỡng để đi tới cuối cùng của hành trình sáng tạo. Ở đó, lụa là Bạch (帛), và Bạch cũng là lụa. Lụa và Bạch nhất thể. Họa sĩ đã hòa sắc vào màu, nhuộm mình trong lụa.
Chưa bàn đến đẹp, vẽ là phải sâu sắc
Trình làng triển lãm cá nhân đầu tiên ở tuổi trung tuần, nhiều người nghĩ Phan Minh Bạch đến với hội họa ngẫu hứng và muộn màng. Nhưng không, đó là một hành trình chuẩn bị kỹ càng và chưa bao giờ đứt đoạn về cảm xúc. Ở hành trình đó, chị luôn có sự đồng hành và khuyến khích mạnh mẽ từ người cha - họa sĩ, nhà sử học Phan Bảo.
"Cha đã dạy tôi từ bé rất nhiều điều, kể cả về kỹ năng nghề nghiệp. Sau này khi trở thành đồng nghiệp, 2 cha con đã cùng nhau nghiên cứu và ứng dụng chất liệu để tạo ra được những kỹ thuật mới" - chị chia sẻ - "Sự xuất hiện của tôi trong Mây ngỏ cũng chính là kết quả của quá trình tôi và cha cùng tìm hiểu, tạo dựng những thử nghiệm mới cho vẽ trên lụa".
"2 cha con đều có một mong muốn: Phải vẽ làm sao ra được là của người Việt Nam. Ông thường nhắc đi nhắc lại việc tìm ra được tính Việt để thể hiện trên tranh. Con đường đó, hành trình đó, ông đi tìm và tôi cũng đi tìm" - chị kể thêm - "Lâu dần, lời của cha trở thành mạch nguồn cảm hứng không ngắt quãng khiến tôi phải suy nghĩ. Chính cha là người tạo động lực mạnh mẽ nhất để tôi có thể sáng tạo cho đến tận ngày hôm nay".
Bạch vẫn thường chia sẻ quan niệm sáng tạo nghệ thuật với đồng nghiệp: "Khi qua 40 tuổi, đẹp hay không đẹp, không bàn, nhưng vẽ phải sâu sắc". Quan niệm vậy nên khi đặt bút vẽ, sáng tạo của Bạch không ngẫu hứng, hời hợt mà luôn mang đến một câu chuyện được hình thành, xây dựng, phác thảo và sau cùng mới đến tác phẩm. Đó cũng là lý do phải mất 4 năm, họa sĩ mới có thể trình bày được trọn bộ Mây ngỏ.
Để rồi,Mây ngỏ đúng nghĩa là một hành trình cảm thụ cái đẹp và văn hóa, nhấn mạnh đến tính nữ trong khởi nguyên của sự sinh sôi vạn vật. Từ đây, Phan Minh Bạch sẽ tiếp tục dẫn dắt người xem đến với "thực thể nguyên khai" - những tinh túy của thiên nhiên được khai phá để nuôi dưỡng con người, nhưng chưa qua bàn tay tạo tác của con người - trong câu chuyện nghệ thuật dài hơi của mình ở những triển lãm tiếp theo. Đó hứa hẹn tiếp tục là hành trình kiếm tìm những địa tầng nghệ thuật không giới hạn, như chị quan niệm: "Nghệ thuật với tôi là một cuộc hành trình khám phá hiện tại, quá khứ và hoang tưởng".
Khai thác ưu thế của chất liệu
"Tận dụng khả năng xuyên thấu nhìn hai chiều của bức tranh lụa căng trong khung không bồi, Phan Minh Bạch thể nghiệm hình thức tranh hộp, tranh bình phong. Ở đó, hai mặt của bình phong là hai bức tranh lụa trừu tượng và có hình riêng biệt, tạo hiệu ứng lồng ghép đan xen của hình tượng. Người xem bị lôi cuốn vào câu chuyện vô ngôn của bức tranh trừu tượng và khám phá những mảnh ký ức, như ảo ảnh từ xa xăm của bức tranh phía bên kia" - nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung.