Nói về khuyến đọc nhân dịp khai trương Đường sách TP Thủ Đức
Kể từ khi bắt đầu thi công vào tháng 8 cho đến nay, Đường sách TP Thủ Đức đã chính thức mở cửa chào đón du khách. Điểm đến này hứa hẹn sẽ góp phần vào nỗ lực khuyến đọc đối với người dân thành phố trong thời gian sắp tới.
Đường sách TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động
Sáng ngày 22/12, lễ khánh thành Đường sách TP. Thủ Đức được diễn ra, tiếp nối sứ mệnh của Đường sách Nguyễn Văn Bình là ươm mầm tri thức cũng như hỗ trợ công tác khuyến đọc cho người dân trong thành phố, Đường sách TP. Thủ Đức hứa hẹn sẽ là điểm đến tiếp theo dành cho những ai yêu thích việc tìm tòi, học hỏi nguồn kiến thức vô tận từ sách.
Sự ra đời của Đường sách TP. Thủ Đức là việc quan trọng dựa trên tình hình thực tiễn của địa phương. TP. Thủ Đức là đầu mối của các tuyến công trình giao thông huyết mạch giữa TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ; đứng đầu về quy mô dân số với hơn 1 triệu dân trong tổng số dân của TP. HCM. Đây cũng là nơi hội tụ lực lượng lao động trẻ và là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học trình độ cao lớn nhất khu vực. Với thực tế đó, song hành cùng với chủ trương phát triển TP. Thủ Đức trở thành một đô thị trên cơ sở kinh tế tri thức, việc có một đường sách là điều vô cùng cần thiết.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TP. HCM và đồng thời là Phó Trưởng ban điều hành Đường sách TP. Thủ Đức - bày tỏ sự biết ơn đến tất cả các bên liên quan đã hỗ trợ công tác thi công đòi hỏi nhiều nỗ lực. Để từ đó, không gian vỉa hè trên đường Hồ Thị Tư đã được biến hoá và trở thành một thiết chế ngoài trời, một địa điểm sinh hoạt văn hoá, giáo dục, tinh thần tại địa bàn.
Khác với Đường sách Nguyễn Văn Bình, Đường sách TP. Thủ Đức được bày trí theo âm hưởng của miền Tây sông nước với những chiếc cầu gỗ bắc ngang các không gian khác nhau của đường sách, với những hàng cây, khóm hoa, lu nước gợi về một vùng quê yên ả. Với quy mô lên đến 3.639 mét vuông trải dài trên đường Hồ Thị Tư, đường sách bao gồm 8 không gian với mục đích khác nhau như không gian trưng bày kinh doanh xuất bản phẩm - văn hoá phẩm, không gian cà phê sách, không gian văn hoá đọc, điểm dừng chân đọc sách, không gian sân chơi thiếu nhi tương tác...
Trong tương lai, Đường sách TP. Thủ Đức không chỉ dừng ở các hoạt động trao đổi và mua bán sách. Theo chủ trương, ban lãnh đạo TP. Thủ Đức sẽ chủ động tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, tận dụng không gian tri thức lý tưởng của đường sách cho các sự kiện như các ngày lễ lớn, sự kiện được tổ chức bởi ban ngành, cơ sở giáo dục, các tổ chức Hội, đoàn thể, các hội thảo, tọa đàm khoa học...
Chia sẻ về những nỗ lực khuyến đọc tại nước ta
Nằm trong chuỗi hoạt động tuần lễ khánh thành Đường sách TP. Thủ Đức, tiếp nối ngay sau buổi lễ, chương trình tọa đàm với chủ đề Khuyến đọc - Hành trình lan tỏa tri thức được tổ chức đã đem đến nhiều nguồn cảm hứng và tình yêu sách từ những vị diễn giả nhiều kinh nghiệm trong quá trình phát triển và nâng cao thói quen đọc tại Việt Nam. Tham gia buổi chia sẻ, bên cạnh ông Lê Hoàng - Phó Trưởng ban điều hành Đường sách TP. Thủ Đức - còn có TS. Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Thái Hà Books và ông Nguyễn Anh Tuấn là người sáng lập dự án Tủ sách Nhân ái.
Với TS. Nguyễn Mạnh Hùng, ông được mệnh danh là Tiến sĩ Văn hoá đọc nhờ vào các dự án lớn nhỏ về sách khác nhau như xây dựng 100 tủ sách cộng đồng, các cây ATM sách tại các trường học, cơ quan, cộng đồng trên toàn quốc; chương trình Reading books together với mục đích hướng dẫn đọc sách và ứng dụng vào cuộc sống… Kể về những kết quả đã đạt được, ông Hùng bày tỏ công việc khuyến đọc là một hành trình rất nhiều khó khăn, nhất là với thực tiễn tại Việt Nam khi văn hoá đọc vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Ông cho rằng khuyến đọc không chỉ nên dừng lại ở mỗi cá nhân mà còn cần phải được lan rộng đến các trường học, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Đồng quan điểm, ông Anh Tuấn cho rằng Việt Nam còn nhiều khó khăn trong quá trình khuyến đọc do người dân chưa thực sự xem sách như một nhu yếu phẩm. Trong quá trình hoạt động nhân ái của mình, ông nhấn mạnh việc tạo một vòng tuần hoàn trong sự trao đổi kiến thức về sách giữa các cá nhân, xã hội là điều cần thiết. Không chỉ hướng dẫn mọi người đọc và vận dụng những kiến thức trong sách, ông Anh Tuấn còn truyền cảm hứng cho các cá nhân có khả năng đọc sách hiệu quả cùng tiếp tục sứ mệnh khuyến đọc cho những người khác.
Tương lai của sách giấy và ngành xuất bản
Công tác khuyến đọc vốn đã khó khăn, nay còn khó khăn hơn khi người dân càng có nhiều công cụ, thiết bị, nền tảng tiện dụng trong việc tiếp cận thông tin hơn là thông qua sách. Dẫu vậy, ông Lê Hoàng cho biết chúng ta cũng không nên quá bi quan về ngành xuất bản tại Việt Nam. Với thời buổi chuyển đổi số đưa ra nhiều loại hình sách mới như ebook và sách nói, việc cầm một cuốn sách thật trong tay, cảm nhận được con chữ trên mặt giấy là một cảm giác khó có thể có được ở các loại hình đọc sách khác.
Trong bối cảnh hiện nay, dẫu có nhiều thách thức đối với loại hình đọc sách truyền thống, nó cũng có mặt tích cực khi đặt ra cho các nhà xuất bản nên định hướng như thế nào về cách thực hiện, đầu tư nhiều hơn để làm sao để thu hút người đọc đến mua sách. Sách là kho tàng tri thức của nhân loại và phát triển một cách vô tận, song hành cùng với nhu cầu tìm kiếm tri thức không ngừng nghỉ của con người. Chừng nào nhu cầu đọc vẫn còn là khi ấy sách sẽ còn và tiếp tục phát triển.