Độc đáo tục lấy lửa đêm 30 Tết ở làng bích họa Cảnh Dương
Đêm 30 Tết, đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân làng biển Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lại cùng nhau rước ngọn lửa thiêng về nhà để cầu may mắn và bình an.
Làng bích họa bên biển
Nằm bên núi Phượng, sông Loan thơ mộng, làng biển Cảnh Dương như một chiếc thuyền neo bình yên bên bờ biển. Ngôi làng cũng là một trong “bát danh hương”, tức 8 làng cổ có danh tiếng lâu đời của vùng đất Quảng Bình. Đến nay được khoác lên mình bộ áo mới với hàng chục bức bích họa sống động, kéo dài từ đình thờ tổ đến khu vực làng nghề xã, Cảnh Dương bỗng trở nên thơ mộng và cuốn hút.
Người dân nơi đây tự hào về những bức bích họa sinh động. Con đường làng chài dài gần 1 cây số nhưng lại có đến 50 bức tranh 3D, mô phỏng vẻ đẹp trong thời chiến, thời bình, môi trường, cuộc sống thường ngày với sự đơn sơ, rêu phong cổ kính... được người vẽ phác họa tỉ mỉ từng chi tiết. Những ngôi nhà cổ kính, những bức tường bằng đá san hô còn nguyên màu thời gian được vẽ nên bằng những sắc màu. Qua từng nét vẽ, đất và con người nơi đây hiện lên vừa gần gũi, bình dị, vừa khí phách, hiên ngang. Đi hết chiều dài của những con đường bích họa, mọi người như được sống lại cùng lịch sử và truyền thống của con người làng biển. Từng bức bích họa như những lát cắt của lịch sử, khoảnh khắc giản đơn nhưng ấn tượng và chứa đựng những câu chuyện đời sống sâu sắc, nghĩa tình. Theo người dân, từ ngày được khoác lên mình những bức bích họa, Cảnh Dương thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống yên bình nơi đây.
Cảnh Dương còn được gọi với tên khác là “làng biển cá voi”, bởi tục thờ cá voi của người dân nơi đây. Vùng đất này có một nghĩa trang cá voi nằm bên bờ biển, hướng ra khơi với khoảng 30 mộ cá, được người dân cắm bia, đặt tên và chăm sóc chu đáo. Bên cạnh đó, Ngư Linh miếu còn bảo quản, lưu giữ, thờ cúng hơn 200 năm qua hai bộ xương cá ông, cá bà được cho là lớn nhất Việt Nam với chiều dài gần 30 m.
Theo ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, cùng với phát triển kinh tế biển, địa phương đang nỗ lực xây dựng thương hiệu làng văn hóa - du lịch hấp dẫn phía Bắc Quảng Bình. Với những nét văn hóa, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc của người dân vùng biển, các thế hệ người dân nơi đây luôn coi trọng việc giáo dục, lưu truyền nét đẹp cha ông để lại, qua đó bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng.
Độc đáo tục lấy lửa đêm 30 Tết
Đến nay, Cảnh Dương vẫn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo như: Các điệu hò khoan, hát ru, chèo cạn; các lễ hội cầu ngư, đánh cờ người…, trong đó, người dân mong chờ nhất là tục lấy lửa đêm 30 Tết. Theo ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cảnh Dương, tục lấy lửa đêm 30 Tết ở làng biển Cảnh Dương đã có từ lâu, bắt nguồn từ những ngày lênh đênh đánh cá trên biển. Trong điều kiện gió bão ngoài khơi xa, ngư dân ít khi giữ được trọn vẹn ngọn lửa, việc gọi nhau giữa sóng to, gió lớn để xin lửa là chuyện bình thường, qua đó thể hiện tình đoàn kết của dân làng giữa biển khơi rộng lớn. Bởi vậy, ngọn lửa với người dân làng biển hết sức quan trọng và linh thiêng. Người Cảnh Dương quan niệm, ngọn lửa tựa như vị thần mang lại ấm no, hạnh phúc, nhất là trong những ngày đi biển.
Để chuẩn bị cho tục lấy lửa, ngay từ sáng 30 Tết, trước sân đình - nơi được coi là linh thiêng nhất làng, các vị cao niên cho dựng một đống củi cao đến vài mét để chuẩn bị cho lễ rước lửa. Từng gia đình trong làng chuẩn bị sẵn vật dụng để rước lửa từ đình tổ về nhà. Đó có thể là một cây đuốc, bùi nhùi, hoặc một chiếc hộp bên trong có cuộn vải tẩm dầu hỏa (chiếc hộp này được nối vào một cành cây dài để châm lửa).
Vào đêm 30 Tết, mọi người tập trung về sân đình. Khi ba hồi trống vang lên, tục lấy lửa chính thức bắt đầu. Những bô lão trong làng sẽ làm lễ cúng thần linh để cầu may mắn, mưa thuận gió hòa và một năm vươn khơi thắng lợi. Sau đó, ngọn lửa được rước từ đình tổ ra thắp ở sân đình, nơi đống củi lớn đã được dựng sẵn. Người có uy tín nhất trong làng được cử để thực hiện nghi lễ thắp lửa. Đây là ngọn lửa thiêng, tượng trưng cho sự no ấm của cả làng trong năm mới. Do đó, người được chọn thắp lửa phải đạt được các yếu tố “kinh tế lưỡng vượng, phu thê thông toàn, con cái đủ cả trai cả gái”.
Đúng vào thời khắc Giao thừa, tất cả gia đình trong làng đều đi lấy lửa. Người đi lấy lửa thường là trai tráng khỏe mạnh hoặc chủ gia đình. Cách lấy lửa và mang ngọn lửa về nhà phải khéo léo để lửa không bị tắt. Ngọn lửa từ đình tổ của làng được đưa về sưởi ấm cho từng gia đình, cầu mong may mắn và bình an.
Từ ngọn lửa chung ở đền thờ tổ, những ngọn lựa riêng được lấy về, tỏa ra khắp mọi nẻo đường, ngõ ngách, đến từng nhà. Khi chạm ngõ nhà, ngọn lửa thiêng được châm vào nắm hương đầu tiên để thắp lên bàn thờ ông bà, tổ tiên trong năm mới; sau đó là bếp lửa để nấu bánh chưng, đồ ăn cho ba ngày Tết.