Bóng đá Việt Nam và Indonesia: Khác biệt trong xuất khẩu cầu thủ

Thành công của bóng đá Indonesia ở Asian Cup 2023 cho thấy một lối đi khác với truyền thống trong việc nâng cao số lượng cầu thủ xuất ngoại.

Khác biệt ấy là nếu không thể tự mình đào tạo cầu thủ cho xuất khẩu, chúng ta hãy nhập khẩu thẳng họ về từ nước ngoài. Đó là con đường mà Indonesia đã chọn, một con đường hoàn toàn khác với Thái Lan và cả Việt Nam, đối thủ mà họ vừa đánh bại ở Asian Cup 2023.

Nếu số lượng cầu thủ thi đấu ở nước ngoài là thước đo đánh giá năng lực một đội tuyển thì việc Indonesia qua được vòng bảng Asian Cup là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đội bóng của HLV Shin Tae Yong có 10/26 cái tên đang chơi bóng ở nước ngoài. Họ là 1 trong số ít đội tuyển có tỷ lệ xuất ngoại cao nhất, ngang ngửa Hàn Quốc và vượt trội phần còn lại của Đông Nam Á.

Tuy nhiên, khác với Việt Nam hay Thái Lan vốn theo đuổi con đường truyền thống là đào tạo - lên đội 1 - lên ĐTQG rồi xuất khẩu, Indonesia có những cách làm đa dạng hơn. 10 trong 26 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài của Indonesia đến từ 2 con đường.

Thứ nhất và quan trọng hơn cả, ấy là đường nhập tịch. Chiến lược này được bóng đá Indonesia triển khai kiên định trong nhiều năm và đặc biệt đẩy mạnh dưới thời Shin Tae Yong (các HLV ngoại không bị ràng buộc nhiều bởi bản sắc luôn dễ dàng lựa chọn cách làm này) đã giúp "châu Âu hóa" độituyển Indonesia. Chính sách ấy đã cho thấy hiệu quả từ 2 kỳ AFF Cup gần đây khi Indonesia liên tiếp có mặt tại bán kết và thăng hoa ở Asian Cup bằng tấm vé vào vòng loại trực tiếp lần đầu trong lịch sử.

Khác biệt trong xuất khẩu cầu thủ giữa Indonesia và Việt Nam - Ảnh 1.

“Nhập khẩu” trực tiếp những cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu như Jenner (24) là cách để Indonesia nâng cấp sức mạnh ĐTQG một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ảnh: Hoàng Linh

Thứ 2, Indonesia vẫn có những tài năng tự đào tạo. Tuy nhiên, những ngôi sao trong nước này được đào tạo theo kiểu "gà nòi", nghĩa là nhiều người chưa có suất ở CLB và giải quốc nội nhưng vẫn lên đội tuyển trẻ, tập trung dài hạn với Shin Tae Yong, được giới thiệu đi Hàn Quốc, châu Âu, đá giao hữu với các nền bóng đá mạnh và từ đó phát triển vượt bậc.

Cả 2 chính sách của Indonesia đều gắn liền với vai trò của HLV Shin Tae Yong, người đầu tiên trong lịch sử dẫn dắt cả 3độituyển U20, U23 và quốc gia Indonesia. Ông Shin ở Indonesia không chỉ là HLV, ông còn giống như một giám đốc kỹ thuật, người định hướng cho cả nền bóng đá. Kết quả là rõ ràng khi U22 Indonesia giành HCV SEA Games giữa năm ngoái và giờ là thành tựu của ĐTQG.

Thay vì nâng tầm nền bóng đá để tạo ra những cầu thủ đủ năng lực xuất khẩu, người Indonesia làm theo cách ngược lại khi tự mang về những cầu thủ giỏi từ bên ngoài, đồng thời chấp nhận cách đào tạo cục bộ ra một nhóm tài năng đặc biệt.

Đương nhiên, cách làm này vẫn có hạn chế khi nó chưa dẫn tới sự thay đổi hệ thống giải trong nước. Các CLB Indonesia chưa để lại dấu ấn ở châu Á, mâu thuẫn giữa CLB với LĐBĐ vẫn lớn, giải quốc nội tồn tại nhiều vấn đề, còn scandal thì vẫn xuất hiện thường xuyên. Những vụ bạo lực hay sập sân chấn động làng túc cầu vẫn tới từ Indonesia, thậm chí còn khiến nước này bị tước quyển đăng cai U20 World Cup 2021.

Dù vậy, về phương diện kết quả, bóng đá Indonesia đang gặt hái thành tựu lớn.

Thất bại trước Australia đã khép lại hành trình của xứ vạn đảo ở giải châu Á. Nhưng với tiềm năng đã thể hiện, với độ tuổi còn rất trẻ của nhóm trụ cột, Indonesia hoàn toàn có thể cạnh tranh ngai vàng khu vực trong tương lai gần.


Thanh Hà

Link gốc: TTVH