Những điều thú vị về ngày nhuận 29 tháng 2
Gần như cứ 4 năm một lần, chúng ta lại thêm 1 ngày vào lịch, đó là ngày 29 tháng 2 - vốn được gọi là ngày nhuận. Nói một cách đơn giản, 24 giờ bổ sung này được tích hợp vào lịch để đảm bảo rằng nó phù hợp với chuyển động của Trái đất quanh mặt trời.
Trong khi lịch hiện đại có 365 ngày, thời gian thực tế để Trái đất quay quanh Mặt trời dài hơn một chút - khoảng 365,2421 ngày. Sự khác biệt có vẻ không đáng kể, nhưng qua nhiều thập kỷ và thế kỷ, việc thiếu một phần tư ngày mỗi năm dần tích lũy.
Để đảm bảo tính thống nhất với năm thiên văn thực sự, con người cần định kỳ bổ sung thêm một ngày để bù đắp thời gian đã qua và đưa lịch trở lại đồng bộ với thiên văn.
Lịch sử ra đời
Nhiều loại lịch, bao gồm lịch Do Thái, lịch một số nước châu Á và lịch Phật giáo, là lịch âm - nghĩa là ngày tháng của chúng cho biết vị trí của Mặt trăng cũng như vị trí của Trái đất so với Mặt trời. Vì có khoảng cách chênh lệch tự nhiên ước chừng 11 ngày giữa một năm được đo bằng chu kỳ Mặt trăng và một năm được đo bằng quỹ đạo Trái đất, nên những lịch như vậy cần định kỳ bổ sung thêm các tháng, được gọi là tháng nhuận, để giữ chúng đi đúng hướng.
Tuy nhiên, các tháng nhuận không nhất thiết phải đều đặn. Các nhà sử học vẫn chưa rõ ràng về cách những người La Mã đầu tiên tính toán năm của họ. Chủ yếu điều này là do bản thân người La Mã cũng không hoàn toàn chắc chắn về cách tính này. Có vẻ như lịch La Mã sơ khai bao gồm 10 tháng cộng với khoảng thời gian mùa Đông không xác định, có độ dài khác nhau, khiến lịch của họ không được gắn với năm dương lịch.
Cuối cùng, khoảng thời gian không xác định này đã được thay thế bằng tháng 1 và tháng 2 mới, nhưng tình hình vẫn phức tạp. Họ sử dụng một tháng nhuận 23 ngày được gọi là Mercedonius để tính sự khác biệt giữa năm của họ và năm dương lịch. Và tháng này được "chèn" vào không phải giữa các tháng mà trong tháng 2, vì những lý do có thể liên quan đến chu kỳ Mặt trăng.
Nhưng điều này càng làm cho vấn đề trở nên khó hiểu hơn, khi quyết định về việc khi nào giữ tháng Mercedonius thường thuộc về các quan chấp chính - những người đã sử dụng khả năng rút ngắn hoặc kéo dài một năm cho mục đích chính trị của riêng mình. Kết quả là vào thời Julius Caesar, năm La Mã và năm dương lịch hoàn toàn không đồng bộ.
Hệ thống Mercedonius "linh hoạt" có vẻ đã làm Caesar - vị tướng lĩnh và sau đó là nhà độc tài của La Mã, đồng thời là người đã thay đổi mạnh mẽ tiến trình lịch sử châu Âu - cảm thấy khó chịu. Ngoài việc chinh phục xứ Gaul và biến Rome từ một nước cộng hòa thành một đế chế, Caesar còn sắp xếp lại lịch La Mã, cung cấp cho chúng ta bản thiết kế mà phần lớn thế giới vẫn vận hành cho đến ngày nay.
Trong thời gian ở Ai Cập, Caesar đã bị thuyết phục về tính ưu việt của lịch Mặt trời của Ai Cập. Lịch này có 365 ngày và thỉnh thoảng có một tháng nhuận khi các nhà thiên văn học quan sát các điều kiện chính xác của các ngôi sao. Caesar và triết gia Sosigenes đã thực hiện một sửa đổi quan trọng: thay vì luôn dựa vào các vì sao, họ chỉ cần thêm một ngày vào mỗi 4 năm.
Để phù hợp với truyền thống của người La Mã về độ dài của tháng Hai, ngày đó sẽ rơi vào tháng thứ hai trong năm - do đó ngày nhuận 29/2 đã ra đời. Caesar thêm 2 tháng dài hơn vào năm 46 trước công nguyên để bù đắp cho những khoảng xen kẽ bị bỏ lỡ. Và Lịch Julius có hiệu lực vào ngày 1/1/45 trước công nguyên.
Đến thế kỷ 16, các học giả nhận thấy rằng thời gian vẫn bị… vuột đi. Tính toán của Caesar rằng một năm kéo dài 365,25 ngày là gần đúng, nhưng vẫn dài hơn năm dương lịch 11 phút. Đây là một vấn đề đối với Giáo hội Công giáo, vì ngày lễ Phục sinh dần trôi xa khỏi vị trí truyền thống của nó, tức Chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên sau ngày xuân phân (khoảng từ ngày 19 - 21/3), khoảng 10 ngày.
Giáo hoàng Gregory XIII sau đó đã đưa ra một loại lịch sửa đổi. Theo đó, ông cho khai sinh một loại lịch giữ ngày nhuận nhưng chỉnh sửa sự thiếu chính xác bằng cách loại bỏ ngày nhuận vào những năm thế kỷ không chia hết cho 400 (ví dụ: 1700, 1800 và 1900 không phải là năm nhuận, nhưng năm 2000 thì lại là năm nhuận). Sự ra đời của lịch Gregorian đánh dấu sự thay đổi cuối cùng đối với lịch phương Tây như chúng ta biết ngày nay.
Nhưng các chuyên gia vẫn lưu ý rằng phép tính theo lịch Gregory về một năm dương lịch - 365,2425 ngày - vẫn chưa hoàn hảo, và do đó sẽ cần phải điều chỉnh lại. Rất may, lịch Gregory chỉ lệch khoảng 1 ngày trong mỗi 3.030 năm. Vì vậy, nhân loại còn một khoảng thời gian dài trước khi điều này trở thành vấn đề.
"Truyền thuyết kể rằng Thánh Patrick đã chỉ định ngày duy nhất không diễn ra hàng năm, ngày 29/2, là ngày mà phụ nữ được phép cầu hôn đàn ông".
Những câu chuyện kỳ lạ
Điều kỳ lạ là nhiều phong tục trong ngày nhuận lại xoay quanh chuyện tình cảm và hôn nhân. Theo truyền thuyết, ở Ireland vào thế kỷ thứ 5, Thánh Bridget đã than thở với Thánh Patrick rằng phụ nữ không được phép cầu hôn đàn ông. Vì vậy, truyền thuyết kể rằng Thánh Patrick đã chỉ định ngày duy nhất không diễn ra hàng năm, ngày 29/2, là ngày mà phụ nữ được phép cầu hôn đàn ông. Ở một số nơi, ngày nhuận do đó được gọi là Ngày độc thân. Quả là rất tiến bộ!
Các tu sĩ Ireland sau đó đã mang món quà này đến Scotland. Vào năm 1288, nữ hoàng Margaret của Scotland - khi đó mới 5 tuổi - đã thông qua luật cho phép phụ nữ cầu hôn người mình yêu vào ngày 29/2 và bất kỳ người đàn ông nào từ chối lời cầu hôn vào ngày này sẽ phải nộp phạt bằng một chiếc váy lụa hoặc một nụ hôn. Nữ hoàng cũng đưa ra một quy định rằng người phụ nữ cầu hôn phải mặc váy lót màu đỏ.
Điều này sau đó lan rộng khắp Tây Âu và có sự cải tiến. Phụ nữ có thể mặc quần ống túm thay vì váy lót màu đỏ. Tiền hoặc 12 đôi găng tay cũng có thể được tặng để làm dịu đi sự từ chối (những đôi găng tay có lẽ để che giấu sự thật rằng cô gái ấy vẫn chưa có được nhẫn đính hôn!) Nhưng nói chung, hồi đó, việc phụ nữ cầu hôn người đàn ông, ngay cả vào ngày 29/2, vẫn được coi là táo bạo!
Tuy nhiên, theo truyền thống Hy Lạp, việc kết hôn vào ngày nhuận lại bị coi là xui xẻo. Số liệu thống kê hiện nay cho thấy các cặp vợ chồng Hy Lạp tiếp tục bị chi phối bởi điều mê tín này.
Chưa hết, mặc dù chỉ diễn ra khoảng bốn năm một lần nhưng ngày nhuận vẫn có nhiều sự kiện đáng kinh ngạc, bao gồm trải nghiệm của hai nhà thám hiểm lịch sử nổi tiếng.
Đầu tiên, vào ngày nhuận năm 1832, Charles Darwin đã choáng váng khi lần đầu được thấy vùng Bahia, San Salvador, Brazil. Ông ngay lập tức phải lòng nơi đây - vốn rất đa dạng cây cối, hoa lá, động vật và côn trùng và giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của ông.
Trước đó rất lâu, vào ngày này năm 1504, theo một truyền thuyết, Christopher Columbus đã được cứu thoát nhờ nguyệt thực! Khi đó, người da đỏ Jamaica đang có thái độ rất thù địch với Columbus. Đúng ngày đó, nguyệt thực xảy ra, khiến bầu trời tối sầm lại. Biết là nguyệt thực, Columbus đã thuyết phục người da đỏ rằng họ đã chọc giận vị thần của ông vì không cho ông ăn. Người da đỏ cuối cùng đã đầu hàng và nói với Columbus rằng họ sẽ hợp tác với ông, miễn là ông "phục hồi" Mặt trăng.
Ngày nay, ngày 29/2 còn được coi là Ngày quốc tế về các căn bệnh hiếm gặp.
"Ngày nhuận" và "người nhuận"
Ước chừng, cho tới nay, chỉ có khoảng 5 triệu người trên toàn thế giới sinh vào ngày 29/2, nghĩa là theo tỷ lệ khoảng 1/1.461 so với phần còn lại. Một số người nổi tiếng - bao gồm nữ diễn viên kiêm ca sĩ Dinah Shore (sinh năm 1916), diễn giả truyền động lực Tony Robbins (1960) và nghệ sĩ hip hop Ja Rule (1976) - là những "người nhuận" - cách gọi dùng cho người sinh ra vào ngày này.
Về mặt kỹ thuật, những người nhuận chỉ được tổ chức sinh nhật 4 năm một lần, nhưng họ trở thành một phần của nhóm đặc biệt trong xã hội. Các nhà chiêm tinh cũng tin rằng người sinh vào ngày 29/2 có tài năng khác thường, như khả năng đọc từ bé hay vẽ rất xuất sắc.
Trên thế giới, có 1 câu lạc bộ tên là The Honor Society of Leap Year Babies, dành cho những người sinh ngày 29/2. Hiện, có hơn 10.000 người khắp thế giới là thành viên của câu lạc bộ này. Ở một số quốc gia, ngày sinh hợp pháp của người nhuận có thể chuyển qua ngày 1/3 hoặc 28/2.