Phát triển công nghiệp âm nhạc Việt Nam (kỳ 3): Nắm bắt xu hướng, tăng cường tiêu thụ 'nhạc sống'
Thực tế cho thấy, khả năng sáng tạo của nghệ sĩ và nhu cầu tiêu thụ âm nhạc của khán giả là cơ sở cho sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc.
Trong những bước đi đầu tiên để xây dựng ngành công nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp, một yêu cầu cần thiết đặt ra đối với Việt Nam, đó là nắm bắt xu hướng phát triển của hoạt động sản xuất cũng như thị trường âm nhạc để có sự điều chỉnh phù hợp, nhất là trong thực hành sáng tạo của nghệ sĩ.
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai, ông Võ Đức Anh, nhà đồng sáng lập Hanoi Rock City, cho biết: Xu hướng âm nhạc ở Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây.
Thay đổi nhiều và nhanh
Theo ông Đức Anh, số lượng các ban nhạc chơi các thể loại nhạc khác nhau ở Việt Nam đang phát triển rất nhiều và rất nhanh. Khoảng 10 năm trước, số lượng các ban nhạc, nghệ sĩ chơi, sáng tác nhạc rất ít và thể loại nhiều nhất là rock-metal. Hiện nay, nhờ sự phát triển của Internet thì xu hướng phát triển âm nhạc tại Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lê Nhất Phương, Giám đốc điều hành tại Warner Chappell Music tại Việt Nam, cho hay: Ở Việt Nam, sự phân tách giữa các dòng nhạc chưa thực sự rõ ràng.
"Thực tế cho thấy xu hướng dòng nhạc phát triển ở Việt Nam gần như không quá khác biệt so với thế giới. Trên thế giới, nếu quan sát bảng xếp hạng âm nhạc Billboard, các dòng nhạc Latin, hip-hop, hoặc RnB luôn giữ những thứ hạng cao. Có chăng chúng ta khá tiệm cận với các nước Á Đông, nên ballad vẫn là một thế mạnh của Việt Nam" - ông Nhất Phương nói - "Đặc biệt, khoảng 3 năm gần đây, rap đã có một chỗ đứng nhất định trên thị trường âm nhạc, từ thời điểm Rap Việt trở thành một chương trình truyền hình chính thức và được đón nhận. Vị trí của rap trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam hiện nay ngày càng rõ ràng hơn".
Còn nhà sản xuất âm nhạc Thành Chu đưa ra một lưu ý cần thiết khi nhìn nhận sự thay đổi, phát triển của nền âm tại Việt Nam, đó là tính vùng miền. Theo ông, "3 miền của chúng ta có 3 cách nghe nhạc và tiêu thụ âm nhạc rất khác nhau. Ví dụ, ở Hà Nội, có gu âm nhạc thể nghiệm và không quá công thức. Trong khi đó, ở miền Nam lại có cách tiêu thụ âm nhạc dễ chịu hơn và cởi mở hơn khi không quá gay gắt về chất lượng trình diễn".
Ông Thành Chu cho rằng, cách tiêu thụ âm nhạc khác nhau sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của nghệ sĩ, cũng như các nhà sản xuất âm nhạc. Hoặc nói cách khác, những sản phẩm âm nhạc được tạo ra phụ thuộc rất nhiều vào việc người làm nhạc đang ở đâu tại Việt Nam. Để các dòng nhạc có chỗ đứng, có sức sống buộc nhà sản xuất, nghệ sĩ sáng tác, ngoài việc tạo ra các sản phẩm âm nhạc, còn phải tạo ra được cộng đồng của dòng nhạc đó.
"Điều này cần nhiều thời gian, nhưng chúng ta đang có lợi thế là khả năng tiếp cận Internet và thế giới phẳng của Việt Nam đang rất tốt. Trong khi, các bạn trẻ Việt Nam lại rất nhanh nhạy, luôn biết cách rút gần khoảng cách với thế giới. Việc còn lại của những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc là phải tìm một phương án đặc biệt cho trường hợp của Việt Nam rất khác biệt so với nước ngoài" - nhà sản xuất âm nhạc Thành Chu nói.
Xu hướng tiêu thụ nhạc số trở nên phổ biến lại phản ánh một thực tế đáng buồn, đó là trải nghiệm nhạc sống ở Việt Nam có những hạn chế nhất định.
"Tiêu thụ" nhạc số và nhạc sống
Theo Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI), hình thức giải trí phổ biến nhất tại Việt Nam chính là âm nhạc, với 75% người nghe nhạc hằng ngày và 93% người dùng sử dụng thiết bị di động làm công cụ nghe nhạc.
Những con số này cho thấy sự phát triển và thống trị của các nền tảng nhạc số trong vai trò quảng bá sản phẩm âm nhạc và kết nối khán giả với nghệ sĩ, đã và đang là xu hướng tiêu thụ âm nhạc.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu thụ nhạc số trở nên phổ biến lại phản ánh một thực tế đáng buồn, đó là trải nghiệm nhạc sống ở Việt Nam có những hạn chế nhất định. Trong khi, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc trình diễn và tiêu thụ nhạc sống, đặc biệt thông qua những lễ hội âm nhạc chuyên nghiệp là bước đi cần thiết để tạo sức bật cho ngành công nghiệp âm nhạc.
Thực tế này được ông Đức Anh cho hay: "Tôi sang Bangkok (Thái Lan) xem show của ban nhạc rock nổi tiếng Arctic Monkeys có khoảng 2.000 người xem, hoặc xem show có hiện tượng âm nhạc Jacob Collier cũng có khoảng 1.500 người xem. Giả sử những nghệ sĩ này có về Việt Nam biểu diễn thì số lượng khán giả Việt Nam đi xem cũng sẽ rất ít. Bởi số lượng khán giả Việt Nam sẵn sàng đi xem những dòng nhạc đặc biệt, mới, lạ đang quá thấp. Cho nên đôi khi các nhà tổ chức sự kiện âm nhạc không dám mời nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam biểu diễn".
Ông Đức Anh cũng minh chứng thêm từ chính hoạt động của Hanoi Rock City do ông đồng sáng lập. "Chúng tôi cũng đã từng tổ chức những show âm nhạc cực kỳ hay và đỉnh cao nhưng, phần lớn số người đi xem chủ yếu là khán giả nước ngoài. Trong khi khán giả Việt Nam thường không đi vì có thể chưa biết tên nghệ sĩ, hoặc chưa bao giờ nghe nhạc của nghệ sĩ đó. Như trường hợp của Jack White - nghệ sĩ nhạc rock nổi tiếng và có sức ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới trong 20 năm qua - về TP.HCM biểu diễn chỉ có khoảng 1.200 người đi xem. Trong đó, 90% khán giả là người nước ngoài".
Kích thích trải nghiệm nhạc sống của khán giả
Từ những dẫn chứng xác đáng, ông Đức Anh cho rằng, xu hướng phát triển âm nhạc của Việt Nam đã khá tốt và nhanh trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, chất lượng âm nhạc phải thay đổi và chờ đợi thời gian để cho số lượng người đi nghe nhạc sống đông hơn. Để bất cứ lúc nào, các nhà sản xuất âm nhạc đưa nghệ sĩ quốc tế về biểu diễn tại Việt Nam cũng có khán giả sẵn sàng bỏ tiền đi xem. Có như vậy thị trường tiêu thụ âm nhạc ở Việt Nam mới có thể phát triển.
Cũng theo nhà đồng sáng lập Hanoi Rock City, để "lôi" được khán giả ra ngoài và nghe nhạc sống là câu chuyện "con gà, quả trứng". Ông kể: "Tôi từng đề cập vấn đề này với nhạc sĩ Anh Quân, anh đã nói vui: Phải cho ăn ngon. Còn tôi nghĩ chúng ta: Phải gây nghiện. Nghiện ở đây là nghiện nhạc, nghiện về chất lượng, nghiện về trải nghiệm".
"Khi tôi mở ra Hanoi Rock City, phải mất đến 6 - 7 năm đầu để "sống" nhờ khán giả nước ngoài. Nếu làm nhạc Việt, trông chờ vào khán giả Việt Nam, có lẽ tôi đã phải đóng cửa trong 6 tháng đầu tiên" - ông Đức Anh kể thêm - "Thời điểm sau đó, thói quen tiêu thụ âm nhạc của khán giả Việt Nam bắt đầu có những tín hiệu khả quan. Từ năm 2015 - 2016, khán giả Việt Nam đã bắt đầu sẵn sàng bỏ tiền ra để nghe nhạc sống của những nghệ sĩ mới nổi, tập trung vào lứa khán giả 9X đời cuối và từ 2000 đổ đi".
Từ câu chuyện của Hanoi Rock City, ông Đức Anh cho rằng, trong bối cảnh ngành âm nhạc tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh, để tiếp tục kích thích trải nghiệm nhạc sống của khán giả, chúng ta cần phải đầu tư chỉn chu hơn về chất lượng của ban nhạc, nghệ sĩ biểu diễn cho đến nhà sản xuất. Sự đầu tư này về lâu về dài giúp hình thành và phát triển văn hóa đi nghe nhạc của khán giả.
Nhạc Việt Nam "đi du lịch"
Ông Nhất Phương, Giám đốc điều hành tại Warner Chappell Music tại Việt Nam, nhấn mạnh: Có một hành trình âm nhạc nổi bật gần đây, đó là âm nhạc Việt Nam đã bắt đầu "đi du lịch" nhiều hơn ở các quốc gia trên thế giới. Ví dụ như Quang Hùng MasterD ở thời điểm xuất hiện, mặc dù chưa quá nổi bật ở Việt Nam, nhưng lại rất được yêu thích ở Thái Lan. Vừa qua, nghệ sĩ trẻ này cũng đã tổ chức buổi gặp gỡ người hâm mộ ở Thái Lan.
Hoặc trường hợp của Tăng Duy Tân với Dạ vũ, cùng nhiều bài hát khác, được yêu thích ở Trung Quốc.
Đặc biệt còn phải kể tới trường hợp của Hoàng Thùy Linh với ca khúc See tình, trở thành hiện tượng âm nhạc gây sốt trên toàn cầu.
(Còn tiếp)