Boeing chấp nhận nộp phạt 51 triệu USD để giải quyết vi phạm liên quan đến xuất khẩu vũ khí

Ngày 29/2, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ cho biết đã đạt được thỏa thuận với Bộ Ngoại giao nước này về việc giải quyết những vi phạm của tập đoàn liên quan đến xuất khẩu vũ khí. 

Theo thỏa thuận dàn xếp, Boeing đồng ý nộp phạt 51 triệu USD, tuy nhiên 24 triệu USD trong số đó chưa phải nộp ngay, thay vào đó Boeing được phép sử dụng để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm tăng cường chương trình tuân thủ quy định của tập đoàn. Ngoài ra, trong ít nhất 2 năm tới, Boeing sẽ phải thuê một viên chức đặc biệt bên ngoài để giám sát việc thực hiện thỏa thuận. Thỏa thuận này cũng quy định phải có 2 cuộc kiểm toán bên ngoài. 

Boeing chấp nhận nộp phạt 51 triệu USD để giải quyết vi phạm liên quan đến xuất khẩu vũ khí  - Ảnh 1.

Máy bay Boeing 737-8 MAX tại nhà máy của Boeing ở Renton, Washington ngày 25/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Boeing phải nộp phạt hành chính do xuất khẩu trái phép dữ liệu kỹ thuật và 199 hành vi vi phạm Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí và Quy định buôn bán vũ khí quốc tế. Thỏa thuận dàn xếp trên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định của chính phủ trong xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng. 

Boeing đã tự nguyện tiết lộ các vi phạm, hầu hết xảy ra trước năm 2020 và các tài liệu của chính phủ không cáo buộc tập đoàn tiết lộ tài liệu mật. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Boeing đã hợp tác và đưa nhiều cải tiến vào chương trình tuân thủ của tập đoàn kể từ khi xảy ra vấn đề. Boeing cam kết thực hiện các nghĩa vụ kiểm soát thương mại, cũng như liên tục cải thiện chương trình tuân thủ kiểm soát thương mại.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong khoảng thời gian từ năm 2013-2017, 3 nhân viên tại các cơ sở của Boeing ở Trung Quốc đã tải xuống dữ liệu kỹ thuật liên quan đến các chương trình bao gồm máy bay chiến đấu F-18, F-15 và F-22, hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không E-3, trực thăng tấn công Apache AH- 64 và tên lửa hành trình AGM84E. Boeing cũng tham gia một số hoạt động xuất khẩu trái phép vật liệu quốc phòng và dữ liệu kỹ thuật liên quan đến các chương trình quốc phòng cho một số quốc gia như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban. 

Boeing cũng thừa nhận có các hành vi tải dữ liệu kỹ thuật trái phép từ năm 2013-2018 tại các cơ sở của Boeing và các cơ sở đối tác tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Australia, Canada, Pháp, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Kenya, Maroc, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Ukraine và Anh.

TTXVN

Link gốc: TTVH