Thiên tài Rodin và kiệt tác bị thất lạc
Một tác phẩm điêu khắc thạch cao từng được Bảo tàng Glasgow mua từ chính nhà điêu khắc vĩ đại Rodin vào năm 1901. Để rồi, sau hơn một thế kỷ, họ vừa nhận "không xác định được vị trí" của tác phẩm - hiện có giá ước tính lên tới 3 triệu bảng Anh.
Đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt tại bảo tàng này.
Mất mát to lớn
Một bức tượng của nhà điêu khắc người Pháp Auguste Rodin, thuộc nhóm tượng Les Bourgeois de Calais nổi tiếng của ông, hiện "không xác định được vị trí" trong bộ sưu tập nghệ thuật của Bảo tàng Glasgow, theo các quan chức bảo tàng.
Bảo tàng Glasgow là nhóm các bảo tàng và phòng trưng bày thuộc sở hữu của thành phố Glasgow, Scotland. Chúng lưu trữ khoảng 1,6 triệu đồ vật, bao gồm hơn 60.000 tác phẩm nghệ thuật, hơn 200.000 hiện vật trong bộ sưu tập lịch sử loài người, hơn 21.000 hiện vật liên quan tới giao thông và công nghệ và hơn 585.000 mẫu vật lịch sử tự nhiên. Chúng được quản lý bởi Glasgow Life, một tổ chức được Hội đồng thành phố Glasgow ký hợp đồng để cung cấp các hoạt động văn hóa, thể thao và giáo dục trong thành phố.
Tác phẩm điêu khắc thạch cao mất tích được Bảo tàng Glasgow mua từ Rodin năm 1901 và từng được trưng bày tại công viên Kelvingrove từ 25/6 tới 30/9/1949, theo Glasgow Life. Nhưng kể từ đó tới nay, nó dường như đã thất lạc. Theo Comité Rodin (nơi duy trì danh mục các tác phẩm của Rodin trên khắp thế giới), bức tượng này cao 2m khắc họa Jean d'Aire, một trong các nhân vật thuộc nhóm tượng Les Bourgeois de Calais.
Les Bourgeois de Calais miêu tả cảnh khốn cùng của cư dân Calais, một thị trấn cảng của nước Pháp, khi bị quân đội Anh vây hãm suốt 11 tháng trong chiến tranh Trăm năm. Sáu bức tượng khắc họa 6 vị tư sản lớn của Calais, những người đã ra đầu hàng vua Anh để cứu lấy thị trấn. Vua Edward III đã yêu cầu họ đeo thòng lọng quanh cổ bước ra ngoài, dâng chìa khóa vào thành phố và các lâu đài. Chính khoảnh khắc này - sự kết hợp sâu sắc giữa sự thất bại, sự hi sinh anh dũng và sự sẵn sàng đối mặt với các chết - đã được Rodin thể hiện trong tác phẩm, được chính quyền thành phố ủy quyền và công bố vào năm 1895.
Rodin, người sau này lừng danh với tác phẩm The Thinker, cũng được luật pháp Pháp cho phép sản xuất thêm các phiên bản khác nhau của Les Bourgeois de Calais bằng thạch cao và đồng. Nhiều phiên bản này hiện tồn tại trên khắp thế giới, đáng chú ý nhất là ở bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York.
Giám đốc bảo tàng, ông Jérôme le Blay, nói rằng sự biến mất này "đáng tiếc, nhưng phải đặt trong bối cảnh thời đại", vì các tác phẩm thạch cao không gây được nhiều sự chú ý vào những năm 1940. Giá trị ngày nay của bức tượng này là vào khoảng 3 triệu bảng, theo ông ước tính.
"Chúng ta mất đi một sản phẩm văn hóa của nhân loại khi để mất một tác phẩm nghệ thuật" - ông Le Blay đau xót - "Các bảo tàng có tới 100.000 đồ vật, thế nên đôi khi có những món bị rơi hoặc thất lạc khi vận chuyển. Dù tác phẩm nghệ thuật thường bị phá hủy trong chiến tranh, nhưng việc nó bị mất do xử lý sai hoặc quản lý yếu kém thì vô cùng đáng xấu hổ. Thật thất vọng khi Glasgow để mất tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa và quan trọng nhường này".
Theo Glasgow Life, bức tượng thất lạc "đã bị hư hại" vào thời điểm triển lãm ngoài trời năm 1949. Nó chịu chung số phận với một bức khác của Rodin, khắc họa John the Baptist, được trưng bày cùng thời điểm ở Kelvingrove. Bức tượng này bị vỡ và những phần còn lại đều được chuyển tới Bảo tàng Glasgow nhưng may mắn được tìm lại nhiều năm sau. Do đó, giám đốc Le Blay hi vọng bức tượng thất lạc lần này có thể cũng được tìm thấy trong kho lưu trữ trong tương lai.
Không chỉ là chuyện ở Scotland
Bảo tàng Anh gần đây cũng thừa nhận bị trộm cắp hàng ngàn đồ vật từ kho lưu trữ của mình. Trong khi đó, Bảo tàng Wales, cơ quan quản lý 7 bảo tàng quốc gia ở Wales, phát hiện mất 2.000 đồ vật. Họ cho rằng nhiều món có thể bị thất lạc hoặc phân loại sai và có thể được tìm thấy trong quá trình kiểm tra các kho lưu trữ.
"Rất đáng lo ngại"
Quy mô thiệt hại các tác phẩm được phát hiện sau lần kiểm tra kho lưu trữ lần này của Glasgow Life cũng đang gây chú ý. Bảo tàng Quốc gia Scotland cho biết trong các món đồ thất lạc còn có 1 chiếc khuyên tai vàng thời Ai Cập cổ đại, các huy chương chiến tranh và bản sao khẩu súng lục Walther PPK - nổi tiếng trong các phim James Bond.
Đây không phải lần đầu những hiện vật quan trọng bị mất tại Scotland. Ba đồng tiền vàng liên quan tới nữ hoàng Mary I của Scotland bị đánh cắp tại phòng trưng bày Kings of Scotland ở Edinburgh vào năm 2015, có giá khoảng 20.000 bảng Anh. Chúng được đúc vào các năm 1555, 1601 và 1604. Cảnh sát Scotland đã công bố hình ảnh của 2 người đàn ông liên quan tới vụ việc.
Theo The Times, có khoảng 1.750 đồ vật đã biến mất khỏi các bảo tàng ở Scotland. Ông Alexander Stewart, phó phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ Scotland, cho rằng: "Mức độ mất mát này là sự đánh mất niềm tin và phản bội các di sản của chúng ta. Việc các bảo tàng quốc gia Scotland đã mất dấu nhiều hiện vật quan trọng - về cơ bản là vô giá và không thể thay thế được - thật sự vô cùng đáng lo ngại".
Tuy vậy, theo Glasgow Life, việc lưu trữ các bộ sưu tập đã được cải thiện dần và nhiều món đồ trước đây bị coi là thất lạc đã tìm lại được.
"Các bảo tàng Glasgow Life đã dành hơn 2 thập kỷ tiến hành kiểm kê các hiện vật trong bộ sưu tập. Từ quá trình này, nhiều món đồ trước đây bị coi là không thể xác định vị trí đã được tìm ra. Quá trình này cũng giúp tăng cường bảo mật cho các bộ sưu tập, ngăn chặn tình trạng trộm cắp từ kho lưu trữ suốt 20 năm qua, và giảm dần số lượng các món đồ bị ghi là không thể xác định vị trí" - thông cáo của Bảo tàng cho biết - "Khi chắc chắn xác định được một vụ trộm tại đây, chúng tôi sẽ áp dụng quy trình xử lý bao gồm thông báo cho cảnh sát và thêm hiện vật này vào danh mục các tác phẩm nghệ thuật bị mất, để ngăn chặn việc chúng bị bán tại các phiến đấu giá hợp pháp".
Rodin - nhà điêu khắc vĩ đại
Francois Auguste René Rodin (12/11/1840 - 17/11/1917) là nhà điêu khắc người Pháp, thường được coi là người sáng lập ra nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Ông được học hành theo lối truyền thống và tiếp cận điêu khắc như một người thợ thủ công. Rodin sở hữu khả năng độc đáo là tạo ra mô hình có bề mặt phức tạp, hỗn loạn và những lỗ sâu trên đất sét. Ông được biết tới rộng rãi với những tác phẩm như The Thinker, Monument to Balzac, The Kiss, The Burghers of Calais (Les Bourgeois de Calais) và The Gates of Hell.
Nhiều tác phẩm đáng chú ý nhất của Rodin từng bị chỉ trích khi đi ngược với truyền thống điêu khắc khi đó - vốn ưa chuộng trang trí, mang tính quy ước với đề tài cổ điển. Thoát khỏi những chủ đề mang tính thần thoại và ngụ ngôn, Rodin mô phỏng cơ thể người theo chủ nghĩa tự nhiên, và các tác phẩm của ông tôn vinh cá nhân về cả tính cách và thể chất. Dù gặp nhiều tranh cãi quanh tác phẩm của mình, Rodin quyết không thay đổi phong cách và dần dần, các tác phẩm của ông ngày được ưa chuộng.
Sinh thời, Rodin đã được tôn vinh là nhà điêu khắc Pháp xuất sắc nhất thời đại của mình. Tới năm 1900, ông nổi tiếng toàn cầu. Các khách hàng tư nhân giàu có săn lùng tác phẩm của ông và ông đã kết giao được với nhiều tri thức, nghệ sĩ nổi tiếng. Sau khi ông qua đời, mức độ phổ biến của các tác phẩm giảm dần. Tuy nhiên, chỉ vài thập kỷ sau, di sản của ông lại được củng cố. Ngày nay, Rodin vẫn là một trong số ít các nhà điêu khắc được biết tới rộng rãi nhất.