Từ 'cơn sốt' của phim 'Đào, phở và piano': Cơ chế nào để đẩy mạnh phát hành phim Nhà nước đặt hàng?
Từ ngày 6/2/2024, Bộ VH,TT&DL đã có Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và một số đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình trên toàn quốc.
Bộ đã giao Cục Điện ảnh phối hợp với Trung tâm Chiếu phim quốc gia tổ chức phổ biến các phim Đào, phở và piano, Hồng Hà nữ sĩ và chùm 6 phim hoạt hình Việt Nam từ ngày 10/2.
Trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết:
- Đào, phở và piano cùng Hồng hà nữ sĩ là hai bộ phim được Nhà nước đặt hàng, hoàn thành sản xuất trong năm 2023. Và từ Tết Âm lịch đến giờ, chúng tôi đang triển khai kế hoạch thí điểm của Bộ VH,TT&DL về việc phát hành, phổ biến các phim Nhà nước đặt hàng để kinh doanh chiếu rạp.
Khi chiếu phim Đào, phở và piano tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, được sự ủng hộ của đông đảo khán giả, chúng tôi nghĩ đấy là một tín hiệu rất mừng, vì từ trước đến nay, mọi người vẫn có mặc định là phim Nhà nước đặt hàng thì mang tính tuyên truyền, giáo dục, thậm chí còn bị chê là khô cứng, giáo điều. Thì nay, phim Đào, phở và piano cũng đã giải tỏa được nhận định đó của một số người.
* Ông có thể nói rõ hơn về việc thí điểm này?
- Nhà nước hiện nay chỉ đầu tư đặt hàng kinh phí để sản xuất phim, chứ không có kinh phí để phát hành, phổ biến phim. Mà phát hành, phổ biến phim là một công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.
Khi Nhà nước đặt hàng 100% kinh phí để sản xuất bộ phim, khi phim công chiếu có doanh thu, thì về nguyên tắc, 100% kinh phí thu về phải nộp vào ngân sách nhà nước. Chính vì thế, chúng tôi mới gọi việc chiếu 2 phim trên là một kế hoạch thí điểm, khi Trung tâm chiếu phim quốc gia - là đơn vị sự nghiệp của Bộ VH,TT&DL - chiếu để phục vụ nhân dân trong dịp Tết và họ không có được một phần trăm nào gọi là doanh thu cả, hoàn toàn không có.
Trong khi với các nhà phát hành khác, tư nhân hoặc liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài..., khi phát hành phổ biến phim nào thì đều phải có một phần lợi nhuận, được bao nhiêu phần trăm theo thỏa thuận trước thì người ta mới làm.
Thế nhưng cũng rất may và vui là vừa qua đã có 2 doanh nghiệp là Cinestar và Beta Media nhận lời chiếu phim và cũng không đòi hỏi gì về chia lợi nhuận trên doanh thu cả, họ cũng xác định là vì sự nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Tôi nghĩ, đây là một trong những vấn đề mà sẽ phải đề xuất, nghiên cứu để có những quy định về việc này. Nhưng mà tôi cũng xin nói lại rằng, các phim Nhà nước đặt hàng trong những năm qua thì có thể không được chiếu rộng rãi đối với người xem ở các thành phố lớn, nhưng lại có một đối tượng khán giả để phục vụ vì nhiệm vụ chính trị. Hằng năm, Bộ VH,TT&DL vận chuyển các bản phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất để chiếu phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng nông thôn... Những phim này vẫn được tiếp cận và vẫn được xem, thậm chí là chiếu miễn phí, cho nên không phải là phim Nhà nước đặt hàng không có nhiều người xem, mà nói đúng ra, là khán giả ở các thành phố lớn thì ít được tiếp xúc.
Cho nên lần này chúng tôi mới triển khai kế hoạch thí điểm để xem hiệu quả cũng như là sự đón nhận của của các thành phố lớn như thế nào.
* Nhưng nghe nói hằng năm Cục Điện ảnh vẫn được cấp kinh phí để phổ biến phim?
- Đúng là mỗi năm Cục Điện ảnh được cấp 500 triệu đồng để phát hành, phổ biến phim. Nhưng đó không phải là đưa phim ra rạp, mà để làm những công việc ví dụ như in bản phim, dịch bản phim từ tiếng Việt sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... để gửi đi các nước tham dự các hoạt động văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Mà 500 triệu đồng là con số rất hạn chế trong việc phát hành, phổ biến như hiện nay. Riêng tiền dịch ra tiếng các nước rồi in ra các bản phim đã là không đủ...
* Số tiền trên là rất khiêm tốn. Với việc giải thích như trên thì tôi hiểu rằng, hiện đang thiếu hẳn kinh phí phát hành các phim Nhà nước đặt hàng tới công chúng?
- Đúng vậy. Như tôi đã nói, hiện nay chỉ có kinh phí để sản xuất, không có kinh phí để phát hành, phổ biến phim.
* Vậy thì theo ông, sắp tới, có cách nào đó để tháo gỡ không?
- Tôi nghĩ có 2 việc sẽ phải làm. Việc thứ nhất, Cục Điện ảnh sẽ nghiên cứu, tham mưu để có một quy định thống nhất về tỷ lệ % phát hành, phổ biến phim. Nếu không có quy định về tỷ lệ % thì sẽ đề nghị được cấp thêm kinh phí để phát hành và phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng.
Cái thứ hai, tôi nghĩ, còn quan trọng hơn, đó chính là phải làm sao để có được những bộ phim thật hay và hấp dẫn. Còn một khi không có phim hay, những cái khác đều chỉ là lý thuyết.
* Từ câu chuyện này, ông nghĩ sao về việc phát triển công nghiệp điện ảnh?
- Thực ra thì hiện nay chúng ta vẫn chưa thống nhất với nhau về nhận thức cũng như quan điểm để phát triển công nghiệp điện ảnh. Tôi thì nghĩ đơn giản hơn những nhà lý luận, nghiên cứu, đó là công nghiệp điện ảnh tức là phải sản xuất, tạo được nhiều sản phẩm cụ thể, đó là nhiều bộ phim hay, hấp dẫn và phải được khán giả đón nhận. Khán giả phải bỏ tiền ra mua vé xem phim thì lúc đấy mới bàn đến công nghiệp điện ảnh được, chứ nếu phim chúng ta làm ra không có người xem thì không thể nào có công nghiệp điện ảnh được.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.