Tín hiệu từ hội sách quốc tế
Sophia thân mến! Hằng năm cứ vào dịp tháng Mười, nhiều người làm sách ở Việt Nam lại nô nức đến Đức để tham gia Hội sách Quốc tế Frankfurt, hội sách thường niên có quy mô lớn nhất thế giới. Năm 2023 là lần thứ 75 hội sách này diễn ra.
Sophia còn nhớ không, trong đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến đề nghị công nhận sách vở là mặt hàng thiết yếu. Nếu thức ăn, thuốc men cần thiết cho sức khỏe thể chất thì nghệ thuật nói chung, hay sách vở nói riêng rất cần cho sức khỏe tinh thần.
Quy mô là thế, lâu đời là thế, nhưng trong đại dịch, Hội sách Quốc tế Frankfurt cũng từng phải thay điều chỉnh hình thức tổ chức để đảm bảo an toàn. Năm nay, hội sách lan tỏa thông điệp "Và câu chuyện vẫn được tiếp nối" (And the story goes on). Có lẽ thông điệp này muốn nhấn mạnh: dù vẫn còn trong giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh, không điều gì có thể làm gián đoạn tình yêu cũng như sức mạnh của những con chữ.
Thông điệp mạnh mẽ là thế, nhưng theo lời kể của một số người tham dự hội sách năm nay cho hay đã thấy dấu hiệu "giảm nhiệt", một điều khá dễ đoán do những khó khăn chung của nền kinh tế.
Sophia biết không, trước đây, đa phần người làm sách đến Frankfurt với tâm thế gặp gỡ đối tác, tìm kiếm những đối tác mới, "săn" những tác phẩm đình đám để mua bản quyền là chính. Những năm trở lại đây, bên cạnh mua bản quyền, người làm sách còn kỳ vọng có thể giới thiệu và bán bản quyền sách của tác giả Việt Nam ra quốc tế.
Theo thông tin từ nhà xuất bản Kim Đồng, đến với Hội sách Quốc tế Frankfurt lần thứ 75, Kim Đồng đã giới thiệu cho đối tác và độc giả gần 60 tựa sách thuộc nhiều thể loại: sách tranh đương đại, tranh truyện dân gian Việt Nam, văn học, kiến thức, kĩ năng.
Có những tín hiệu vui từ hội sách: Tác phẩm "Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương" có tên trong danh mục tác phẩm dành cho thiếu nhi đáng chú ý nhất "The White Ravens" năm 2023 - danh mục của Thư viện Thanh niên Quốc tế (International Youth Library). Đồng thời, nhà xuất bản Kim Đồng cũng nhận được đề nghị mua bản quyền hai tác phẩm "Búp sen xanh" và "Lược sử nước Việt bằng tranh".
Sophia thân mến, tuy số lượng đầu sách tiếng Việt được bán bản quyền ra quốc tế lâu nay còn thấp so với các đầu sách được mua bản quyền về Việt Nam, nhưng có thể xem những gì nêu ở trên là tín hiệu đáng mừng của ngành xuất bản trong nước. Nó cho thấy sách Việt Nam ngày càng có nhiều triển vọng tham gia vào thị trường mua bán bản quyền sôi động trên thế giới.
Dĩ nhiên, với khoảng 4.000 đơn vị xuất bản đến từ 95 quốc gia tham gia hội sách, cuộc cạnh tranh mua bán này không phải dễ dàng. Phải làm sao mời gọi được khách đến gian hàng của mình trong hội sách, từ khâu trang trí đến những hoạt động thu hút độc giả và đối tác. Đó là chưa kể phần thuyết minh, giới thiệu sách, những catalogue bằng tiếng Anh viết sao cho tinh gọn mà hấp dẫn cùng tỉ ti thứ khác mà người làm bản quyền cần chuẩn bị kỹ càng trước khi "mang chuông đi đánh xứ người".
Những năm gần đây, không ít lần dư luận bàn đến chuyện "xuất khẩu" văn chương Việt Nam ra thế giới. Trong những bước cần phải tiến hành, chắc chắn không thể thiếu những bước đi tự tin tới những hội sách quốc tế như thế này.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!