Thư robot: Giá như ta đã lắng nghe
Sophia thân mến! Không rõ Sophia có hay xem phim không? Nếu có theo dõi hẳn Sophia sẽ biết đầu năm nay có một bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc The Glory (tên Việt: Vinh quang trong thù hận) thu hút được nhiều khán giả bởi chủ đề bạo lực học đường được khai thác triệt để, trần trụi, dưới góc nhìn của nạn nhân lẫn những kẻ bắt nạt.
Cùng với mức độ phổ biến của phim, làn sóng những người nổi tiếng xin lỗi nạn nhân từng bị họ bắt nạt trong quá khứ. Trong số những người phải đi xin lỗi ấy, có cả đạo diễn của chính bộ phim.
Dĩ nhiên, một bộ phim truyền hình dẫu có thành công đến thế nào đi nữa, cũng chẳng đủ sức mạnh chấm dứt tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra ở nhiều nơi.
Sophia biết đó, gần đây ở Việt Nam, một nữ sinh đã chọn cách tự chấm dứt sinh mệnh của mình. Nguyên nhân dẫn đến kết cục bi thảm này thì vẫn còn đang được làm rõ, nhưng có những nghi ngờ rằng dường như có liên quan bạo lực học đường. Công an đang vào cuộc điều tra. Dư luận đang hết sức quan tâm và mong muốn sớm có một kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ việc để an ủi những người ở lại.
Sophia thấy đó, lâu nay, nỗi lo lắng về vấn nạn bạo lực học đường thỉnh thoảng lại dấy lên trong dư luận và đã có quá nhiều các thông tin cảnh báo về vấn nạn này. Cũng không phải chỉ những tổn thương về thân thể mà mắt thường có thể nhận biết thì mới được xem là "bạo lực". Bạo lực ở đây còn đến từ ngôn từ, đến từ sự ghẻ lạnh, cô lập, một thứ bạo lực tinh thần mà mắt thường khó thấy nhưng những di chứng tâm lý tác động lên nạn nhân thì nhiều khi còn nặng nề hơn là những vết thương về thể xác.
Sophia biết không, ngày nay, con trẻ chúng ta phải đối mặt với nhiều hình thức bạo lực tinh vi hơn mà nếu không có sự quan tâm sát sao của người lớn như phụ huynh, thầy cô, thì rất khó để phát hiện và có những biện pháp thích hợp.
Khi một sự việc đau lòng xảy ra, ta tự hỏi "giá như đã lắng nghe", "giá như quan tâm nhiều hơn", "giá như xử lý triệt để hơn", "giá như…". Nhưng vì chẳng có những "giá như…" đó nên mọi chuyện sẽ chẳng còn cơ hội để thay đổi nữa.
Chúng ta kỳ thực vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến diễn biến tâm lý con trẻ. Khi có chuyện xảy ra, thì nó không còn là "chuyện con nít" nữa mà có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Mất mát từ sự ra đi tức tưởi của những đứa trẻ luôn là tiếng chuông cảnh tỉnh để trong tương lai, sẽ không có bất kỳ trường hợp nào phải lấy sinh mệnh mình ra đánh đổi để mong được mọi người lắng nghe.
Mong rằng, sẽ không phải viết cho Sophia bức thư đau lòng nào nữa.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!