Thanh Thúy lập toàn thành tích đặc biệt, khẳng định đẳng cấp ngôi sao ở 3 giải đấu quốc tế sau 8 năm xuất ngoại
Cho tới lúc này, Thanh Thúy là người xuất ngoại nhiều nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam. Cô sở hữu những thành tích đặc biệt ở cả Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa lẫn Nhật Bản.
Thanh Thúy xuất ngoại nhiều nhất, thi đấu ở đâu cũng để lại dấu ấn
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Thanh Thúy là sang Thái Lan thi đấu cho CLB Bangkok Glass ở vòng 2 giải VĐQG Thái Lan mùa giải 2015-12016. Thúy chính thức ra mắt Bangkok Glass ngày 15/1/2016, thời điểm cô mới 18 tuổi và đã cao 1m90.
Bangkok Glass khi đó vừa vô địch Thái Lan ở mùa giải 2014-2015 và trước khi Thanh Thúy đến đây thì đàn chị lừng danh Ngọc Hoa đã ở đó và là một trong những người hùng góp công vào chức VĐQG đầu tiên trong lịch sử của Bangkok Glass.
Trước khi gia nhập Bangkok Glass, Thúy đã "kịp" cùng tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành HCB SEA Games 28 năm 2015 ở Singapore.
Dù còn rất trẻ khi đó nhưng Thanh Thúy đã được ban huấn luyện CLB Bangkok Glass tin tưởng xếp cô thi đấu trong đội hình chính thức ở 6/7 trận của đội bóng này ở vòng 2 giải VĐQG bóng chuyền nữ Thái Lan mùa 2015-16. Đáp lại, Thanh Thúy chơi đầy nỗ lực và hiệu quả. Trận nào cô cũng nằm trong nhóm những người ghi điểm nhiều nhất của Bangkok Glass, với hiệu suất từ 12-17 điểm/trận. Cùng đàn chị Ngọc Hoa, Thanh Thúy góp công lớn giúp CLB này bảo vệ thành công chức VĐQG Thái Lan với thành tích 14 trận toàn thắng mùa giải ấy.
Sau khi góp công giúp Bangkok Glass VĐQG Thái Lan lần thứ 2 trong lịch sử, Thanh Thúy trở lại Việt Nam khoác áo VTV Bình Điền Long An và tiếp tục rực sáng, giúp CLB này VĐQG Việt Nam hồi 2017.
Thời điểm đó Thúy mới 19 tuổi nhưng đã VĐQG Việt Nam và Thái Lan, đồng thời cùng tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành HCB SEA Games 2015 ở Singapore.
Thành tích của Thúy quá ấn tượng và CLB Attack Line của Đài Bắc Trung Hoa đã trải thảm đỏ mời cô sang thi đấu cho họ vào tháng 10/2017. Chủ công cao 1m90 (thời điểm 2017) có chuyến xuất ngoại lần thứ 2 trong sự nghiệp mới chớm nở nhưng đã rất thành công của mình.
Trong màu áo Attack Line, Thanh Thúy đã ra sân trong đội hình chính thức trong suốt 2 mùa giải cô thi đấu ở đây, với những pha đập bóng như búa bổ từ sau vạch 3m, phát bóng ăn điểm trực tiếp, tấn công từ hai biên.
Cô là ác mộng đối với mọi đối thủ và trở thành chủ công ghi nhiều điểm nhất cho Attack Line với 147 điểm sau 8 trận ở mùa giải 2017-2018, chỉ kém Chen Ziya của CLB CMFC, đạt hiệu suất bình quân ghi 18 điểm/trận. Ở mùa 2018-2019, Thanh Thúy tiếp tục chơi cực "cháy", ghi 158 điểm/8 trận cho Attack Line.
Tổng cộng, trong 2 mùa khoác áo Attack Line, Thanh Thúy chơi 16 trận, ghi 305 điểm, đạt hiệu suất cao nhất giải. Trong 16 trận, có tới 9 trận, Thúy nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu nhờ ghi điểm nhiều nhất và có ảnh hưởng lớn tới lối chơi của toàn đội.
Thành công ở Thái Lan và Đài Bắc Trung Hoa trở thành bệ phóng cho chuyến xuất ngoại lần thứ 3 của Thanh Thúy. Năm 2019, đội bóng chuyền nữ Denso Airybees của Nhật Bản đã mời cô kí hợp đồng thi đấu cho họ trong mùa giải 2019-2020 với mức lương hấp dẫn.
Sau khi gia nhập Denso Airybees, Thanh Thúy có rất ít cơ hội ra sân nhưng cô cũng kịp để lại những dấu ấn của riêng mình nhờ biết tận dụng lợi thế chiều cao để tấn công. Ngoài ra, trong các buổi tập, Thúy luôn tỏ ra nỗ lực hoàn thiện các kĩ năng và hòa nhập vào lối chơi chung của CLB Nhật Bản.
Những nỗ lực của Thúy được Denso Airybees ghi nhận. Bằng chứng là sau đó họ tiếp tục mời cô kí hợp đồng thi đấu ở mùa giải 2020-2021 với những đãi ngộ lớn.
Tuy nhiên, vì một số lí do mà Thanh Thúy đã không đạt được thỏa thuận với Denso Airybees để tiếp tục khoác áo đội này chơi ở giải VĐQG Nhật Bản mùa 2020-2021.
Dù vậy, đến tháng 6 năm 2021, một đội bóng chuyền nữ khác của Nhật Bản là PFU Blue Cats đã liên hệ với CLB VTV Bình Điền Long An để ký hợp đồng với chủ công số 1 Việt Nam tại V.League Nhật Bản mùa giải 2021-2022.
Cuối tháng 9/2021, Thanh Thúy đã lên đường trở lại Nhật Bản với bản hợp đồng trị giá gần 5 tỷ với PFU BlueCats, đội xếp hạng 9 giải VĐQG Nhật Bản mùa 2020-2021.
Ở PFU Blue Cats mùa 2021-2022, Thanh Thúy phải chơi phụ công, có lúc chơi đối chuyền, không được đánh chủ công như sở trường của cô. Dù bị xếp chơi "trái kèo", Thanh Thúy vẫn thể hiện kĩ năng chắn bóng và ghi điểm xuất sắc.
Theo thống kê, cô đã ghi được 364 điểm, có 60 pha chắn bóng thành công và góp mặt trong đội hình chính thức trong 32 trận đấu của PFU BlueCats ở mùa giải 2021-2022.
Thanh Thúy nằm trong số 3 phụ công ghi điểm nhiều nhất và top 20 VĐV ghi điểm nhiều nhất giải bóng chuyền nữ VĐQG Nhật Bản mùa 2021-2022.
Sau những màn trình diễn cực ấn tượng của Thanh Thúy ở mùa đầu tiên, CLB PFU Blue Cats quyết định chi tiếp hơn 12 tỷ đồng để kí hợp đồng với cô trong 2 mùa giải liên tiếp 2022-2023 và 2023-2024.
Đó là chỉ dấu cho thấy tài năng của Thanh Thúy đã được CLB Nhật Bản ghi nhận. Cần lưu ý rằng ở giải VĐQG Nhật Bản, mỗi CLB chỉ được thuê 2 ngoại binh trong đó chỉ có 1 suất dành cho ngoại binh đến từ Châu Á.
Việc PFU Blue Cats dành suất ngoại binh châu Á duy nhất cho Thanh Thúy cho thấy họ đánh giá cao cô cỡ nào. Vị trí của Thanh Thúy ở PFU Blue Cats hầu như là không ai có thể thay thế, trừ những lúc cô được thay ra để dưỡng sức.