Đêm tái xuất huyền diệu của Joni Michell
Buổi hòa nhạc được công bố đầu tiên sau hơn 20 năm của Joni Mitchell kéo dài gần 3 tiếng, mô phỏng danh mục âm nhạc kỳ vĩ của bà. Và một lần nữa, thế giới lại có đêm nhạc tôn vinh giọng hát giàu cảm xúc, không ngừng phát triển và 1 trí tuệ vô cùng sắc bén.
"Chúng ta là 1 vầng sao vàng rực" - Joni Mitchell rạng rỡ nói với đám đông hơn 20 ngàn người tụ tập điểm diễn tuyệt đẹp ở Washington, The Gorge Amphitheater vào tối 10/6.
Một cuộc marathon ngẫu hứng
Mitchell, năm nay 79 tuổi, đang trích dẫn lại Woodstock, ca khúc mà bà viết năm 1969. Nhưng lúc này, bà dường như miêu tả hình ảnh hiện đại hơn ở buổi hòa nhạc: Một biển ánh sáng từ những chiếc điện thoại di động giơ cao trong đêm tối.
Nhiều nghệ sĩ trẻ có lẽ đã trở nên mỏi mệt khi nhìn cảnh tượng này, nhưng Mitchell vốn đã lâu không trở lại sân khấu đích thực. Hình ảnh điện thoại chiếu sáng cả sân vận động đối với bà, thật xa lạ nhưng đầy cảm hứng. "Các bạn trông như một chòm sao rơi" - bà nói với đám đông, ngân nga vài điệu thơ.
Nhưng đó mới chỉ là một trong bao phép màu của đêm diễn.
Tháng Bảy năm ngoái, Mitchell khiến thế giới âm nhạc choáng váng khi bất ngờ xuất hiện tại lễ hội nhạc dân gian Newport. Đó là màn trình diễn trước công chúng đầu tiên của bà kể từ sau ca phình động mạch não suýt chết hồi năm 2015. Đêm nhạc với 13 ca khúc ở Newport được gọi là "Joni Jam" (Joni ngẫu hứng), được tổ chức bởi ca sĩ - nhạc sĩ Brandi Carlile với mục đích tái hiện những buổi tiệc rượu nhẹ nhàng mà Mitchell hay tổ chức cho các nhạc sĩ ở phòng khách nhà bà tại California những năm gần đây.
Tại Newport,Mitchell đã thể hiện sự kiên cường, khi đang phải học lại cách nói, cách hát. Nhưng đó cũng là lời khích lệ cho thế hệ sau. "Ngay lúc này, bà đang mang tới cho các bạn một sự dũng cảm vô cùng" - Carlile nói với khán giả ở lễ hội -"Đây là một cú trust fall ("cú ngã tin tưởng", trong đó một người thả mình rơi tự do xuống những người không quen biết, để xem họ có đỡ hay không - TT&VH)".
Nhưng đêm diễn cuối tuần qua là điều hoàn toàn khác. Nó là một cuộc marathon ngẫu hứng đỉnh cao với gần 3 tiếng đồng hồ, 24 ca khúcbao gồm cả phần biểu diễn ngẫu hứng ngoài chương trình mà trong đó Mitchell chơi guitar điện!
Sau vài ca khúc đầu - bao gồm những màn trình diễn độc tấu Big Yellow Taxi và Raised on Robbery - với một sự công nhận dường như lan tỏa trong đám đông, giọng của Mitchell thậm chí còn mạnh mẽ, giàu sắc thái và linh hoạt hơn cả trong các video lan truyền ở Newport. Trong những buổi diễn trước đó, Carlile thường là người hát dẫn hoặc thậm chí đảm nhiệm hát chính. Nhưng lần này, Mitchell lấy lại quyền kiểm soát.Ở một số nốt, chất giọng không thể bắt chước của bà như vang từ nơi hoang dã, của một loài chim chúa tưởng đã tuyệt chủng từ lâu.
Tuổi già muôn năm
Khán giảtới từ khắp nơi (Mitchell gọi lớn các nhóm từ Nhật Bản, San Francisco và thậm chí quê nhà bà, Saskatoon, Saskatchewan)- để có cơ hội được xem Mitchell biểu diễn ở hòa nhạc. Một số người mặc áo sơ mi hay áo khoác do Mitchell thiết kế. Những chiếc mũ nồi đỏ thêu tên là 1 trong những mặt hàng bán chạy.
Mitchell xuất hiện với tóc đuôi sam, kính râm và áo sơ mi lụa in hoa tung bay trong gió. Khi hoàng hôn buông xuống, tất cả như làm nền tôn thêm Mitchell lên. Sân khấu tái tạo sự ấm áp bình dị của căn phòng khách nhà Mitchell, với những chiếc ghế dài, vài ngọn đèn và trên ghế là là những bằng hữu, hậu bối của bà.
Như một phần không thể thiếu trong các buổi "Joni Jam", các nghệ sĩ tài năng khác cũng xuất hiện để hát cho Mitchell nghe. Đồng hương người Canada Sarah McLachlan ngồi bên cây guitar ngâm Blue đầy xúc động. Annie Lennox vinh danh Mitchell bằng màn biểu diễn ám ảnh Ladies of the Canyon. Wendy Melvoin và Lisa Coleman, thành viên lâu năm của ban nhạc nền The Revolution của Prince, mang tới A Strange Boy, từ album năm 1976 Hejira của Mitchell.
Danh sách biểu diễn không chỉ bao gồm những hit làm hài lòng đám đông mà còn tái hiện ngẫu hứng các chất liệu từ khắp danh mục của bà như ca khúc chủ đề lãng mạn trong album cùng tên năm 1991 Night Ride Home, bài bình luận xã hội sôi nổi Sex Kills (1994) hay rõ ràng nhất là Amelia - bài thiền sâu sắc, thoáng đãng về tự do.
Mitchell có thể không chạm tới những nốt cao như chim hoàng yến nữa. Nhưng đã sao? Nó cũng giống như khi bà hát vang dội Both Sides Now: "Có những điều mất đi nhưng có những điều thêm vào trong cuộc sống mỗi ngày". Điều Mitchell thêm vào trong năm tháng là âm vực thấp hơn, thâm trầm như một vị thần thông thái. Bà cũng có khả năng biến điều tưởng chừng bất lợi thành thú vị: Khi bà và những người xung quanh hát, cây gậy bà dùng để hỗ trợ đi lại - hình đầu sói lấp lánh - vừa trở thành một nhạc cụ gõ, vừa trông như một cây quyền trượng.
Càng về đêm, Mitchell càng vui chuyện, kể không ngớt những câu chuyện thú vị về bạn bè, đồng nghiệp như Bob Dylan và Van Morrison. Bà nhớ lại lần Prince mời mình lên sân khấu hát trong chuyến lưu diễn Purple Raindù bà thừa nhận mình không thuộc lời ca khúc chủ đề.
Đáng nói, dù Mitchell là đối thủ nặng ký của bất kỳ biểu tượng rock nào, bà không phải lúc nào cũng được các đồng nghiệp nam công nhận. Lennox, trong bài độc thoại tại đêm diễn, thừa nhận: "Hồi đó, có rất ít phụ nữ chúng tôi làm được điều chúng tôi đang làm".
Tuy nhiên, kể từ khi Mitchell hồi phục sau chứng phình động mạch, thế giới dường như đã tìm cách bù đắp lại, dù muộn màng, khi ghi nhận ảnh hưởng phi thường của bà với âm nhạc đại chúng và trao cho bà hết giải thưởng này tới giải thưởng khác. Trong vài năm qua, bà đã nhận vinh danh của Trung tâm Kennedy, giải MusiCares Nhân vật của năm của Học viên Ghi âm; và gần nhất, giải Gershwin cho ca khúc nổi tiếng của Thư viện Quốc hội.
Chồng chất vòng nguyệt quế quanh cổ có thể trở nên nặng nề với một người, nhưng Mitchell chào đón tất cả sự phô trương này với chút thích thú khi lắc tay, khúc khích cười. Và tất nhiên, một ca khúc nữa! Bà không ngần ngại cover một số ca khúc kinh điển -Love Potion No. 9, Why Do Fools Fall in Love- nhưng chọn kết lại với ca khúc mà bà giới thiệu là "ca khúc Frank Sinatra", Young at Heart. "Tuổi già muôn năm!" - bà hô vang sau tiếng cười khúc khích.
Đôi nét về Joni Mitchell
Sinh năm 1943, Roberta Joan "Joni" Mitchell là ca sĩ - nhạc sĩ, nhà sản xuất, họa sĩ người Mỹ gốc Canada. Nổi lên từ dòng nhạc folk thập niên 1960, Mitchell được biết tới với ca từ mang đậm dấu ấn cá nhân và những sáng tác độc đáo kết hợp các yếu tố pop và jazz. Bà nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm 10 giải Grammy và được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll năm 1997.
Rolling Stone gọi bà là "1 trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại" còn AllMusic viết: "Khi bụi lắng xuống, Joni Mitchell có lẽ là nữ nghệ sĩ quan trọng và có ảnh hưởng nhất vào cuối thế kỷ XX". Bà ngừng lưu diễn và phát hành album thứ 17, cũng là album nhạc gốc cuối cùng, vào năm 2007.