Cuộc sống sau ống kính: Ăn Tết phải có răng vàng!
Làm răng vàng từng là "thú chơi" của nhiều người Việt Nam, tuy nhiên, trong khi ở dưới xuôi hầu như không còn ai làm răng vàng, thì một số bà con vùng cao vẫn duy trì tập tục này. Đồng bào làm răng nhiều nhất là dịp cuối năm, khi bán được lúa ngô, bò, lợn và cũng là để chuẩn bị đón Tết.
Tôi chụp những bức ảnh này vào dịp cuối năm 2009 và 2010 tại chợ phiên Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chợ phiên Mèo Vạc vốn nổi tiếng sầm uất bậc nhất cao nguyên đá Hà Giang, trong khi huyện Mèo Vạc khi đó là điển hình về chăn nuôi đại gia súc với nghề nuôi bò nhốt thương phẩm, đồng bào các dân tộc ở đây vì thế có đời sống khá cao.
Có tiền thì phải mua xe máy, phiên chợ thì phải đi để uống rượu, ăn phở. Phụ nữ thì sắm váy áo đẹp và nhiều người sẽ làm răng vàng.
Cách đây 15 năm, giá một chiếc răng vàng làm mới khoảng 120 - 150 nghìn đồng tùy theo độ khó của từng răng. Nếu làm nhiều răng một lúc thì có thể được giảm giá. Nếu làm răng "có tim", tức là chiếc răng vàng có một lỗ thủng hình trái tim, giá sẽ tăng lên 200 nghìn đồng. Cập nhật đầu năm 2024, giá đã tăng khoảng 25%!
Để có răng vàng, đầu tiên phải đến cho thợ mài cho chiếc răng nhỏ bớt, phiên chợ sau thì trở lại để được bọc vàng. Gọi là vàng, nhưng chất liệu để làm răng vàng là một loại hợp kim gì đó có màu vàng mà tôi không rõ và chỉ nặng hơn nhôm một chút. Chúng được chế tác sẵn, nom gần giống như những hạt dưa đã tách lấy nhân và gắn trùm lên chiếc răng đã được mài cho nhỏ từ phiên chợ trước.
Đây không phải là một phong tục được khuyến khích, vì nó ảnh hưởng đến vệ sinh răng miệng. Cũng vì thế mà gần đây đồng bào đã làm răng vàng ít hơn. Ngay ở thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn), ông Trần Văn Bọc, một nghệ nhân nổi tiếng về làm răng vàng trên cao nguyên đá, cũng đã giải nghệ từ lâu.
Gần đây, khi trở lại Mèo Vạc, tôi cũng không thấy hiệu làm răng của ông Mai Xuân Cồ và anh Mua Mý Sính mà mình đã chụp ảnh, có thể do phố xá đã thay đổi, hoặc do họ đóng cửa vì không phải chợ phiên.