Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 2): Có một kho vũ khí Cần Vương còn khá nguyên vẹn

Tôi rất bất ngờ khi nhận được tấm hình hàng chục lưỡi gươm các loại gom được ở Muang Samoyay (tỉnh Savannakhet, Lào). Nhìn lướt qua, có thể nhận thấy đa số là gươm nhà Nguyễn, số còn lại là gươm của người địa phương phía Đông Trường Sơn đi theo Cần Vương.

1. Chúng ta đều biết, khi vua Hàm Nghi rời Kinh thành Huế chỉ kịp mang theo vài ba trăm lính cấm vệ hộ tống dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết và 2 tướng Tiệp và Đàm là con trai của Thuyết. Dừng ở Tân Sở (thành Quảng Trị) và sau khi gửi chiếu Cần Vương, đội quân theo Hàm Nghi dần đông đảo hơn, được tăng cường bởi một số quan lại Thanh, Nghệ, Tĩnh và Quảng Bình, Quảng Trị.

Theo khảo sát sơ bộ, dự đoán có đến hàng ngàn thanh kiếm Cần Vương còn được lưu giữ, thờ cúng trong vùng Muang Samoyay. Cạnh đó cũng có hàng trăm khẩu súng hỏa mai báng gỗ, ốp phát hỏa, cò và nòng súng bằng sắt, kiểu châu Âu có loại cò gắp lửa hình đầu chim, bắn đạn bi tròn bằng chì. Nhiều khẩu vẫn còn sử dụng được. Rất hiếm có nơi nào còn lưu giữ được nhiều vũ khí như vậy.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 2): Có một kho vũ khí Cần Vương còn khá nguyên vẹn - Ảnh 1.

Kiếm Cần Vương lưu giữ trong nhà một già làng ở Muang Samoyay

Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp khảo sát nghiên cứu thực địa để hiểu được nguyên do đã tích tụ ở một vùng hẻo lánh như vậy một lượng khí tài, vật dụng lớn đến mức vậy. Rất có thể vùng này đã từng là nơi trú quân khá lâu của đại bản doanh Cần Vương với sự có mặt của những lãnh tụ cao cấp nhất.

 Một già làng vẫn đang lưu giữ và truyền tụng một hoàng bào cỡ nhỏ được coi như áo "nhà  vua". Phải chăng đây chính là bộ hoàng bào Hàm Nghi đã mặc khi mới phất cờ Cần Vương 1884, khi Ngài mới 13 tuổi?

Tôi được mời xem một vài thanh kiếm cao cấp. Nhìn cách khảm tam khí rất tinh xảo ở phần ốp tay cầm, cán kiếm cũng như ốp bạc chạm trổ trên bao kiếm có thể khẳng định thanh kiếm thuộc một võ quan, quý tộc cấp cao của triều đình Huế. Hiện tại "bảo kiếm" của Hàm Nghi vẫn chưa xuất hiện. Dân bản và thầy cúng trong vùng vẫn có ý thức truyền đời cất giấu, gìn giữ và thờ cúng các đồ vật Cần Vương này. Họ rất hạn chế cho người lạ xem.

2. Xin giới thiệu ở đây 2 thanh kiếm và 1 khẩu súng mà tôi có được tư liệu tốt nhất.

Thanh kiếm thứ nhất có một chữ Hán là "Trừ" khắc ở đầu ốp tay khảm tam khí. Các thanh kiếm được cho xem đều cáu đen bởi muội bếp thời gian. Sau khi tẩy rửa, hiện lên như mới trên nền đồng đỏ nâu là hình hoa lồng 2 chữ "Thọ" giản thể khảm bạc trắng và "đồng đen" sắc nét rất tinh tế.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 2): Có một kho vũ khí Cần Vương còn khá nguyên vẹn - Ảnh 2.

Đốc hình đầu hổ bằng đồng mạ bạc và bao kiếm bọc bạc khảm xà cừ ngũ sắc

Bao kiếm làm bằng gỗ nhẹ nhưng rất chắc, được bọc bạc hoa văn quý tộc và khảm xà cừ ngũ sắc rất đẹp. Trên lưỡi kiếm sắt có đục chìm một chữ "Vạn" nhà Phật. Lưỡi kiếm loại này đều hơi cong, một rìa sắc, dài khoảng 60-70 cm, có rãnh thoát máu ở phía lưng lưỡi. Phần tay cầm làm bằng đồng và cũng được khảm tam khí hình cánh bèo nổi rất sắc sảo. Các miếng ốp chèn giữa lưỡi sắt với tay cầm đều bằng bạc trắng.

Đây là loại kiếm có kiểu tay cầm ốp vuông chiếm số lượng nhiều nhất hiện thấy trong số kiếm Cần Vương ở Muang Samoyay. Đây cũng là một kiểu cải biến kiểu kiếm ốp tay của châu Âu du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 16 mang đặc trưng kiếm nhà Nguyễn thế kỷ 19. Đốc của kiếm "Trừ" là đầu một con hổ cong vào đón lấy một đầu của ốp chắn tay.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 2): Có một kho vũ khí Cần Vương còn khá nguyên vẹn - Ảnh 3.

Kiếm có khắc chữ “Trừ” và chi tiết hình khảm tam khí trên ốp chắn tay

Thanh kiếm thứ 2 mang phong cách truyền thống kiếm Đại Việt. Đặc điểm nhận biết là ở kiểu chắn tay hình hoa vuông hoặc tròn có khuyết góc, khá dày dặn, hoa văn cầu kỳ. Loại tay cầm này không có phần ốp che nối với đốc. Phần đốc loại kiếm này thường là một ốp hộp hình trụ đơn giản có chạm trổ hoa lá. 

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 2): Có một kho vũ khí Cần Vương còn khá nguyên vẹn - Ảnh 4.

Kiểu kiếm chắn tay dày hình vuông hay tròn có khuyết góc không có ốp che tay

Tay cầm thẳng bằng ngà voi, hạt gỗ quý được buộc cuộn bằng mây hoặc da thuộc tạo ma sát khi dùng. Loại kiếm này lưỡi sắt thường thẳng hơn loại có ốp tay. Lưỡi có 2 rìa sắc hoặc cũng có thể 1 rìa sắc. Đây là loại kiếm phổ biến từ thời Lê lưu truyền đến đời Nguyễn, tùy thói quen người dùng.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 2): Có một kho vũ khí Cần Vương còn khá nguyên vẹn - Ảnh 5.

Tay cầm buộc dây mây hay da thuộc

3. Cả 2 loại kiếm kể trên đều được thể hiện trong bức tranh mô tả cảnh bắt giữ vua Hàm Nghi do một họa sĩ Pháp là M.L.Tynayre (thể hiện theo mô tả của M.R de Lnhư một nhân chứng sống). Theo đó, do có kẻ phản bội chỉ điểm, quân Pháp và lính khố xanh do đại úy Boulangier và trung úy hiến binh Bonnefoy đã ập vào bắt giữ vua tôi Hàm Nghi trong đêm tại một ngôi làng hẻo lánh sâu trong rừng Trường Sơn.

Trong tranh, 2 sĩ quan Pháp mang kiếm và súng ngắn đạp cửa xông vào trước, đám lính khố xanh cầm súng hỏa mai cắm lưỡi lê tràn vào phía sau. 2 viên sĩ quan Pháp, 1 người gạt tay kiếm đang vung lên, có lẽ là của Tôn Thất Tiệp (chàng trai võ tướng luôn bám sát bảo vệ Hàm Nghi) tay kia dùng súng ngắn bắn chết ông. Viên sĩ quan Pháp còn lại nắm vai vua Hàm Nghi trong bộ đồ ngủ khi Ngài đang định với thanh kiếm và khẩu súng trường bên cạnh phía chân giường. Người áo trắng thứ 3 có lẽ là cận vệ nhà vua đang chạy ra ngoài. Có lẽ đó là Tôn Thất Đàm.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 2): Có một kho vũ khí Cần Vương còn khá nguyên vẹn - Ảnh 4.

Tranh do một họa sĩ Pháp M.L.Tynayre thể hiện theo mô tả của M.R de L. như nhân chứng của vụ bắt vua Hàm Nghi năm 1888

Thanh kiếm của vua Hàm Nghi thuộc loại kiếm thẳng chỉ có chắn tay theo kiểu truyền thống Đại Việt chứ không có ốp như kiếm châu Âu. Rất có thể quân Pháp đã thu hồi những vũ khí của nhà vua. Loại kiếm có ốp thấy khá nhiều và rất đẹp như mô tả trong bài lại có thể thấy khá giống thanh kiếm đang vung lên trong tay viên tướng (có vẻ như Tôn Thất Tiệp) bảo vệ vua Hàm Nghi trong bức tranh nói trên.

Sự trùng hợp đó giúp thêm bằng chứng tin rằng sưu tập kiếm đang lưu giữ trong các gia đình người Lào ở Muang Samoyay đúng là của các tướng lĩnh Cần Vương để lại.

4. Một khẩu súng hỏa mai đầu chim đã được dân làng cho chụp ảnh thuộc loại súng phổ biến trong quân đội thời Nguyễn. Loại súng này dài từ báng đến đầu nòng khoảng 145-150cm, có thể lắp lưỡi lê, dùng bắn đạn chì tròn, không cát tút. Khi bắn phải nhồi thuốc súng theo đầu nòng súng và dùng bùi nhùi lửa kẹp ở đầu mỏ chim, mổ cò phát hỏa.

Với hàng trăm khẩu súng cùng loại vẫn được lưu trong các gia đình tại Muang Samoyay, tôi càng tin rằng chúng vốn là vũ khí Cần Vương để lại.

Những hiện vật vô giá thời Cần Vương (kỳ 2): Có một kho vũ khí Cần Vương còn khá nguyên vẹn - Ảnh 6.

Hàng trăm khẩu súng hỏa mai cùng loại với đặc trưng đầu chim gắp mồi lửa của nghĩa quân Cần Vương đang được bà con người Lào ở Muang Samoyay gìn giữ

Trong một chuyến thu gom đồ vớt trên sông Kinh Thầy tôi đã thu được một khẩu súng ngắn hỏa mai và một bó dính liền nhau của gần chục khẩu súng cùng loại hỏa mai mỏ chim nói trên. Hiện số súng đó đang lưu tại Bảo tàng Phạm Huy Thông, Kim Bôi, Hòa Bình.

"Một già làng vẫn đang lưu giữ và truyền tụng một hoàng bào cỡ nhỏ được coi như áo "nhà vua". Phải chăng đây chính là bộ hoàng bào Hàm Nghi đã mặc khi mới phất cờ Cần Vương 1884, khi Ngài mới 13 tuổi" - TS Nguyễn Việt.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Link gốc: TTVH