Gỡ vướng cấp nước sạch tại 'điểm nóng' khu đô thị Thanh Hà

Nhiều tháng qua, khu đô thị Thanh Hà, quận Hà Đông (Hà Nội) trở thành "điểm nóng" về việc thiếu nước sạch sinh hoạt. 

Nhiều đơn thư đề nghị lên các cấp xin đổi đơn vị cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu đô thị Thanh Hà bằng một đơn vị có đủ năng lực pháp lý; có trách nhiệm quản lý, vận hành và cung cấp nước sạch đảm bảo theo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT. Và, vấn đề này đang được Sở Xây dựng Hà Nội đặc biệt quan tâm, tìm giải pháp đề xuất UBND thành phố sớm có biện pháp để tháo gỡ.

Khu đô thị Thanh Hà hiện có khoảng 26.500 dân với lưu lượng dùng nước khoảng 3.500m3/ngày đêm. Để cấp nước cho khu đô thị này, Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 ký hợp tác và giao Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà, Công ty cổ phần nước sạch Nam Hà Nội đầu tư xây dựng, vận hành quản lý, kinh doanh hệ thống cấp nước phục vụ cho toàn bộ cư dân trong khu đô thị.

Gỡ vướng cấp nước sạch tại 'điểm nóng' khu đô thị Thanh Hà - Ảnh 1.

Xe nước sạch đến các hộ dân sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN

Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cũng đã ký hợp đồng cho thuê đường ống cấp nước DN400 trên đường trục phía Nam với Công ty TNHH HTV phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai. Công ty này cũng ký hợp đồng mua nước với Công ty nước mặt sông Đuống rồi bán nước cho Công ty nước sạch Nam Hà Nội thông qua đồng hồ tổng ở bùng binh ngã ba đường trục phía Nam giao với đường Lê Trọng Tấn để cấp vào hệ thống mạng cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà; trong đó, Công ty nước sạch Nam Hà Nội phân phối cấp nước cho người dân tại 6/26 tòa chung cư trong khu đô thị, còn Công ty nước sạch Thanh Hà phân phối cấp nước cho 20/26 tòa.

Để cấp nguồn nước cho dự án, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông đã có văn bản số 84/CTN-KT ngày 30/3/2015 về việc thỏa thuận cấp nước cho dự án đường trục phía Nam (nay là Khu đô thị Thanh Hà). Tuy nhiên, thời điểm đó chỉ cấp được khoảng 1.000m3/ngày đêm và UBND thành phố đã có văn bản số 3258/VP-ĐT chấp thuận chủ trương cho phép Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà nghiên cứu triển khai trạm cấp nước cục bộ công suất 10.000 m3/ngày đêm.

Công ty nước sạch Thanh Hà đã đầu tư xây dựng 1 trạm xử lý nước ngầm công suất 5.000 m3/ngày đêm và vận hành (60-70 %) công suất tương ứng (3.000-3.500) m3/ngày đêm từ tháng 10/2018 với chất lượng theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Nhưng, từ ngày 30/6/2021 chất lượng nước phải áp dụng theo tiêu chuẩn QCVN 01-1:2018 của Bộ Y tế, do chất lượng nước không đảm bảo theo tiêu chuẩn mới của Bộ Y tế, Công ty nước sạch Thanh Hà đã tạm dừng khai thác trạm cấp nước từ tháng 10/2023.

Để đảm bảo việc cung cấp nước sạch ổn định cho khu đô thị Thanh Hà, từ tháng 10/2023, Sở Xây dựng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương chỉ đạo Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để cấp nguồn cho Khu đô thị Thanh Hà.

Từ tháng 11/2023 đến nay, việc điều tiết nguồn cấp tập trung từ nguồn nước mặt sông Đuống cấp cho khu đô thị Thanh Hà đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong khu đô thị với lưu lượng trung bình từ 3.500-5.500 m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, những biện pháp trên đang mang tính tạm thời, vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội đang đề xuất UBND thành phố Hà Nội các giải pháp để đảm bảo cung cấp nước sạch cho khu đô thị Thanh Hà lâu dài.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn trước mắt, Sở đã đề xuất UBND thành phố yêu cầu Công ty TNHH HTV phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai tiếp tục đảm bảo cung cấp nước sạch (nguồn từ nhà máy nước mặt sông Đuống) cho khu đô thị. Cùng đó, Công ty cổ phần nước sạch Nam Hà Nội cùng Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà có trách nhiệm thanh toán tiền đầy đủ tiền nước cho Công ty TNHH HTV phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai theo hợp đồng đã ký kết.

Gỡ vướng cấp nước sạch tại 'điểm nóng' khu đô thị Thanh Hà - Ảnh 2.

Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN

Liên quan đến việc đầu tư hệ thống cấp nước trong khu đô thị Thanh Hà, Công ty cổ phần địa ốc Cienco 5 làm việc với Công ty cổ phần nước sạch Nam Hà Nội và Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà xử lý tài sản đã đầu tư theo quy định.

Về việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà, Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 chủ động liên hệ với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để thống nhất thỏa thuận việc quản lý vận hành cung cấp nước sạch trong khu đô thị này. Bởi, Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5. Bởi, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông là đơn vị được UBND thành phố giao cung cấp dịch vụ cấp nước cho khu vực Hà Đông và một phần của huyện Thanh Oai.

Dự án Khu đô thị Thanh Hà được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định 479/QĐ-UBND ngày 04/3/2008 và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 13/7/2015. Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) nay là Tổng công ty công trình giao thông 5-CTCP được tỉnh Hà Tây cho phép đầu tư tại Quyết định số 964/QĐ-UBND và 961/QĐ-UBND ngày 17/4/2008. Tổng công ty công trình giao thông 5-CTCP đã thành lập Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 để triển khai dự án.

Theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013: Khu đô thị Thanh Hà được cấp nguồn từ hệ thống cấp nước tập trung (nguồn Nhà máy nước mặt sông Đà, nước sạch từ các trạm cấp nước do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông quản lý) qua tuyến DN800 trên đường vành đai 3.5 và vành đai 4.

Theo điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 06/4/2021: Khu vực Hà Đông và phía Nam Hà Nội được cấp bổ sung từ Nguồn Nhà máy nước Xuân Mai. Tuy nhiên, đến nay tuyến ống truyền dẫn DN800 trên đường vành đai 3.5 và vành đai 4 chưa được đầu tư xây dựng và Nhà máy nước Xuân Mai đang triển khai.

Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Link gốc: TTVH