Đội tuyển Việt Nam: Có huy chương hay đoạt Cúp AFF?

Cuối tháng trước, lãnh đạo LĐBĐVN tiết lộ 1 trong 2 chỉ tiêu của HLV Troussier là phải giúp ĐT Việt Nam giành huy chương ở AFF Cup 2024. Nhưng trong thông báo mới nhất, VFF giao nhiệm vụ phải vô địch giải đấu này.

1. Lần gần nhất AFF Cup tổ chức trận tranh giải ba là cách đây… 20 năm, khi Malaysia đánh bại Myanmar 2-1 ở Jalan Besar. Trong 9 giải kể từ ngày đó, Việt Nam vào bán kết đến 8 lần. Tính cả chiều dài lịch sử, ĐT Việt Nam chỉ có 3/14 lần không giành huy chương AFF Cup là vào các năm 2000 (xếp thứ 4), 2004, 2012 (bị loại ở vòng bảng). Điều đó có nghĩa giành huy chương là nhiệm vụ mặc nhiên đối với Những chiến binh sao vàng.

Với một đội bóng đã vào chung kết ở 2 trong 3 giải đấu gần nhất, đặt mục tiêu giành huy chương ở AFF Cup 2024 là quá nhẹ nhàng, cho dù bối cảnh về nhân sự, chiến thuật, hay thời kỳ quá độ như thế nào chăng nữa. Phải chăng sau khi đội tuyển Việt Nam vừa trải qua một kỳ Asian Cup thất bại với 3 trận toàn thua, VFF muốn giảm bớt áp lực cho HLV Troussier và các cầu thủ? 

Nhưng có một điều khó tránh: một mục tiêu khiêm tốn như vậy rất có thể sẽ làm giảm luôn cả động lực chiến đấu của các cầu thủ. Và với một HLV tầm cỡ như Troussier (dù những ngày tháng đỉnh cao của ông đã ở rất xa), đòi hỏi ấy thật sự quá nhẹ nhàng.

Tất nhiên, HLV Troussier còn phải hoàn tất chỉ tiêu thứ hai là đưa Việt Nam vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2026 nữa. Nhưng đó cũng là nhiệm vụ không quá tầm, nếu không nói là bắt buộc, sau khi HLV Park Hang Seo từng đưa Việt Nam lần đầu tiên vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Ông Troussier hẳn cũng không thể hài lòng nếu thành tích thua kém người tiền nhiệm.

Tiêu điểm: Có huy chương, hay đoạt Cúp? - Ảnh 1.

Nhiệm vụ của ông Troussier ở AFF Cup 2024 là có huy chương, hay đoạt Cúp? Ảnh VFF

2. Trong công văn gửi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về kế hoạch thi đấu mùa giải 2023-24 và hướng tới mùa giải 2024-25, VFF đã xác định lại mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là phải vô địch AFF Cup 2024. Với người hâm mộ, đây có lẽ mới đúng là một mục tiêu thực sự có ý nghĩa, dù ai cũng thấy sẽ rất khó khăn.

Khó khăn thứ nhất: các đối thủ của chúng ta hoặc đã hồi sinh (Thái Lan) hoặc mạnh mẽ hơn (Indonesia). Bóng đá Thái Lan từng có những thời điểm suy yếu, như ở AFF Cup 2018 và vòng loại thứ hai World Cup 2022, nhưng đó là thời điểm nhiều ngôi sao xứ chùa Vàng như Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Teerasil Dangda,… bất mãn với các HLV Milovan Rajevac và Akira Nishino, cũng như không hài lòng với chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT) Somyot Poompumuang. Họ phản đối bằng cách từ chối lên tuyển. Nhưng dưới thời Mano Polking và Masatada Ishii, không khí trên tuyển Thái Lan đã tốt hơn nhiều. Và bây giờ, khi Madam Pang đắc cử chủ tịch FAT, người ta tin rằng Voi chiến sẽ còn mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, Indonesia đã mạnh lên trông thấy với chiến lược nhập tịch một loạt những lính lê dương từ châu Âu, kết hợp với những cầu thủ trẻ đã được thử lửa từ rất sớm. Việc Indonesia đánh bại Việt Nam từ SEA Games 32 cho đến Asian Cup 2023 là những minh chứng rõ rệt nhất. Hai trận so tài với Indonesia vào tháng sau ở vòng loại World Cup 2026 rõ ràng đang mang đến nhiều âu lo. 

Và khó khăn thứ hai đến từ chính chúng ta. Trong khi các đối thủ mạnh lên thì ĐT Việt Nam có dấu hiệu yếu đi dưới thời HLV Troussier. Thất bại ở Asian Cup 2023 một phần vì thiếu vắng nhiều trụ cột do chấn thương, một phần vì nhà cầm quân người Pháp đã quá cứng nhắc trong các quyết định trẻ hóa cũng như cách mạng chiến thuật của mình. 

Nếu ông Troussier không sớm thay đổi, ĐT Việt Nam còn đối mặt với nhiều bất lợi.


Tuấn Cương

Link gốc: TTVH