Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Trao nhau sự tôn trọng
Sophia thân mến! Tôi tin rồi một ngày nào đó, trên thế giới sẽ có Ngày Trí tuệ nhân tạo để dành cho những robot như Sophia. Mỗi ngành, nghề, mỗi lĩnh vực, mỗi giới, mỗi lớp người… luôn cần một ngày kỷ niệm. Đó cũng là dịp để mọi người quan tâm hơn đến ngành, nghề đó, giới đó…
Đối với giới nữ, ngoài ngày Quốc tế Phụ nữ (mồng 8 tháng 3), ở Việt Nam chúng tôi còn có ngày 20 tháng 10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam. Đây là một ngày truyền thống có ý nghĩa xã hội sâu sắc trong việc khẳng định vai trò, quyền của người phụ nữ và tôn vinh những giá trị của người phụ nữ Việt Nam. Ngày 20/10 năm nay cũng là kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Là cơ hội cho nam giới thể hiện tình cảm, gửi gắm yêu thương qua những món quà ý nghĩa dành cho mẹ, vợ, con gái… , cho nên trong ngày 20/10, không hiếm các chàng "đầu xanh tuổi trẻ" lẫn các vị "đầu hai thứ tóc" phải "vò đầu bứt tóc" suy nghĩ nên tặng quà gì vào dịp này. Áp lực thật không nhỏ.
Các trang tin, các trang mua sắm, cũng nhanh nhạy đưa ra những gợi ý quà tặng "thiết thực", "ý nghĩa" cho mẹ/vợ/bạn gái vào những dịp này trong năm. Suy nghĩ tươi sáng thì đây cũng là một cơ hội kích cầu. Nhưng cũng không tránh băn khoăn rằng các ngày kỷ niệm, dịp lễ đang bị hình thức hóa cũng như vật chất hóa.
Sophia biết không, buổi sáng khi vừa mở máy tính lên đã thấy dòng "cảnh báo" nửa đùa nửa thật từ một trang tin trên mạng xã hội, đại loại ngày mai là 20 tháng 10 rồi, các anh phải "biết điều" không thôi các chị em sẽ giận. Dù biết là đùa, nhưng bất cứ ai từng rơi vào hoàn cảnh cãi nhau, thậm chí chia tay vì chuyện nhớ quên những món quà ngày đặc biệt, hẳn không cười nổi với câu "cảnh báo" ở trên.
Trong những mối bận tâm quà cáp, có những mối lo khác dai dẳng hơn.
Theo báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 người phụ nữ thì có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực. Các hình thức bạo lực đó bao gồm bạo lực thể xác, tinh thần, và cả bạo lực về kinh tế.
Báo cáo này chỉ ra, đa phần phụ nữ bị bạo lực thường chọn im lặng, thế nên có trường hợp dù là trí thức, có địa xã hội, nhưng người vợ vẫn bị chồng bạo hành. Và dĩ nhiên, có cả những người bạo hành đến từ tầng lớp mã xã hội vẫn gán cho cái nhãn là "trí thức".
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, có nhiều phương thức để những phụ nữ đã và đang chịu bao lực lên tiếng. Nhân ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam, hay giúp những tiếng nói bị bao lực vùi dập ấy cất lên. Không chỉ riêng một ngày, mà bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, một nạn nhân của bạo lực gia đình cũng cần được sẻ chia, động viên và đòi lại công bằng. Với mỗi người nam giới, thì việc nâng cao nhận thức về quyền và giá trị của người phụ nữ, trao cho nhau sự tôn trọng thì việc đó thiết thực và ý nghĩa hơn cả những món quà.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!