Diễn đàn văn hóa: Chiếc bàn thờ tổ trong tâm
Hằng năm, vào ngày 12/ 8 Âm lịch, giới nghệ sĩ sân khấu tổ chức ngày cúng tổ nghề hay vẫn thường quen gọi là ngày Giỗ tổ sân khấu. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận đây là ngày Sân khấu Việt Nam. Và hôm nay, theo lịch Âm, chính là ngày đặc biệt này.
Giỗ tổ sân khấu là hoạt động truyền thống, để nghệ sĩ tỏ lòng tôn kính với nghề nghiệp của mình, cũng là dịp tưởng niệm các tiền bối đã khuất. Tuy ban đầu quy mô của nó chỉ diễn ra trong phạm vi các loại hình sân khấu truyền thống, nhưng đến nay ta thấy nhiều diễn viên, ca sĩ, người mẫu… cũng kỷ niệm ngày này.
Trong vài năm trở lại đây, tình hình khó khăn của sân khấu thường được đem ra thảo luận. Dù được nhận định là đã qua thời hoàng kim, nhưng suốt những năm qua vẫn có những sân khấu tư nhân ra đời, tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với ánh đèn, với sàn diễn, với bức màn nhung che chở bao nhiêu mảnh đời, nụ cười và nước mắt.
Sân khấu Thiên Đăng của nghệ sĩ Thành Lộc vừa khai trương bằng vở Giáng Hương ngày 20/9. Trước đó, năm 2022, nghệ sĩ Minh Nhí thành lập sân khấu Trương Hùng Minh. Ngoài ra, còn có thể kể đến những sân khấu Hồng Hạc, Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân, IDECAF… Người trước người sau, các sân khấu này thay nhau dựng vở, để hình thức nghệ thuật này tiếp tục hiện diện trong đời sống hàng ngày. Bên cạnh trình diễn, nhiều sân khấu còn kết hợp mô hình đào tạo diễn viên mới, hình thành lứa diễn viên mới, giữ gìn và phát huy nghệ thuật sân khấu.
Rồi, ngày 24/9 vừa qua, trong đêm chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ 18, giải quán quân thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Như Ý (Hậu Giang). Sinh năm 2003, Như Ý cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi. Một thế hệ nghệ sĩ cải lương mới vừa xuất hiện. Với dàn giám khảo giàu kinh nghiệm nghề nghiệp như NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thoại Mỹ, khán giả theo dõi chương trình có thể thấy Chuông vàng vọng cổ không chỉ là cuộc thi tìm kiếm tài năng, mà còn là một hoạt động truyền nghề, thắp nên ngọn lửa nghề cho các nghệ sĩ trẻ.
Ở nhiều sân khấu, phía trong hậu trường luôn có chỗ trang trọng để đặt bàn thờ tổ nghiệp. Thành công nào cũng lấy câu "tổ thương","tổ độ" để lý giải đôi phần. Bao nhiêu nghệ sĩ đã đứng trước bàn thờ tổ ấy? Và bao nhiêu nghệ sĩ trẻ về sau sẽ đứng trước chiếc bàn thờ tổ này? Đó là điểm tựa tinh thần của họ, để thấy rằng mình không cô độc trên hành trình làm nghề, giữ nghề.
Thời đại phát triển, nhiều giá trị có thể thay đổi. Tuy nhiên mỗi nghệ sĩ nên có chiếc bàn thờ tổ đặt nơi lòng mình, để trước khi làm bất cứ điều gì, hãy nghĩ về chiếc bàn thờ trong tâm ấy.