Chào tuần mới: Đờn ca tài tử trong thời đại mới
Tuần vừa rồi, Google tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử trên trang chủ của mình, nhân kỷ niệm năm thứ 10 loại hình nghệ thuật đậm chất Nam bộ này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2013 - 2023).
Mười năm qua, đã có những hoạt động bảo tồn và phát huy di sản đờn ca tài tử. Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, đờn ca tài tử đã được biết rộng rãi hơn. Tuy vậy, đờn ca tài tử vẫn rơi vào cái khó của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, đó là nỗi lo thiếu đội ngũ kế thừa.
Nhìn qua các nghệ sĩ trình diễn đờn ca tài tử hiện nay, bóng dáng của lứa tuổi thanh niên, thiếu nhi còn rất ít. Chính những nghệ sĩ trình diễn trẻ mới là lớp kế thừa, gìn giữ di sản cho tương lai. Cho nên, việc tìm kiếm, đào tạo, truyền dạy nghệ thuật, làm sao để loại hình này không chỉ có vài "đệ tử chân truyền", mà có một lứa nghệ sĩ trẻ tiếp nối, sinh hoạt, trở thành những người dẫn dắt cho các thế hệ đờn ca tài tử sau đó, tránh tình trạng tre đã già mà măng chưa kịp mọc.
Nhưng chính các nghệ sĩ đờn ca tài tử cũng đang không có đủ không gian để quảng bá nghệ thuật của mình. Hình dung của đa số công chúng về đơn ca tài tử vẫn là một loại hình sinh hoạt nghệ thuật nhỏ lẻ, mang tính chất nghiệp dư, giữa một vài cá nhân với nhau. Điều này chưa đúng với sự độc đáo, đa dạng của loại hình nghệ thuật này.
Muốn bảo tồn một di sản nghệ thuật thì cần để công chúng hiểu rõ, hiểu đúng và loại nghệ thuật đó. Cần có những chương trình quảng bá tương xứng, cung cấp những kiến thức cơ bản, nhất định về âm nhạc, phong cách trình diễn, điểm giống và khác của loại hình diễn xướng này với loại hình diễn xướng khác.
Xây dựng một lớp nghệ sĩ kế thừa đã đành, cũng cần xây dựng một lớp khán giả kế thừa, biết thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Chính công chúng sẽ trở thành nguồn động lực để cho các nghệ sĩ phát huy hết khả năng của mình.
Sự phát huy ấy nằm trong tính chất cởi mở, chấp nhận những gì phù hợp với đờn ca tài tử. Ví dụ, đờn ca tài tử khởi thủy với 20 bài bản tổ. Về sau, cùng 20 bài này có thêm bài vọng cổ trứ danh và nhiều bài bản khác được sử dụng trong biểu diễn đờn ca tài tử. Tương tự, về nhạc cụ, bên cạnh các loại truyền thống, các nghệ nhân đã cải tiến cây guitar của phương Tây thành guitar phím lõm sử dụng trong đờn ca tài tử.
Những ví dụ trên cho thấy loại hình đờn ca tài tử là luôn vận động, tìm tòi và thể nghiệm điều hay điều mới. Phát huy di sản văn hóa bên cạnh giữ gìn những giá trị nền tảng cốt lõi, cũng nên chú ý đến những yếu tố mang tính thời đại, cách tân.
Còn nhớ nhiều năm trước, bài "vọng cổ teen" trở thành một hiện tượng trong nhạc trẻ. Tuy giá trị nghệ thuật của bài hát này không cao, nhưng nhờ khai thác yếu tố "lạ hóa" của bài vọng cổ trong một ca khúc thị trường, đã thu hút được nhiều khán giả trẻ.
Với nghệ thuật trình diễn, khán giả được thưởng thức trực tiếp là cách thưởng thức tốt nhất. Tuy vậy, hạn chế về không gian, địa lý, ngôn ngữ là điều mà không dễ khắc phục với đờn ca tài tử. Ngày nay, với tiến bộ trong ghi âm, ghi hình, ở chừng mực nào đó, cũng đã tái hiện được chất lượng trình diễn. Đờn ca tài tử cũng nên rộng đường quảng bá, cố gắng xuất hiện liên hoạt trên các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok… để hướng đến giới trẻ. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hiện nay không thể bỏ qua vai trò lớn của truyền thông, mạng xã hội. Nghệ sĩ trẻ đờn ca tài tử cần ý thức điều này, để tích cực quảng bá, tôn vinh giá trị của di sản.