UNESCO cảnh báo việc lạm dụng công nghệ trong giáo dục

Ngày 26/7, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cảnh báo việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ trong giáo dục có thể không hiệu quả, thậm chí gây bất lợi nếu điều này cản trở việc có được các kỹ năng cơ bản như đọc hiểu.

Trong báo cáo công bố cùng ngày, UNESCO nêu rõ trong khi học sinh nên tìm hiểu về công nghệ trên thế giới, giáo viên cần thận trọng tránh việc lạm dụng công nghệ trong lớp học. Theo báo cáo, có rất ít bằng chứng chắc chắn cho thấy giá trị gia tăng của công nghệ kỹ thuật số trong giáo dục, ngược lại việc sử dụng công nghệ có thể gây tác động bất lợi, nếu không phù hợp hoặc sử dụng quá mức.

UNESCO cảnh báo việc lạm dụng công nghệ trong môi trường giáo dục - Ảnh 1.

Theo UNESCO việc sử dụng điện thoại di động quá mức có liên quan đến việc giảm hiệu suất học tập. Ảnh: PA

Ông Manos Antoninis, người phụ trách việc thực hiện báo cáo trên, khẳng định việc sử dụng công nghệ chỉ có hiệu quả nếu được kết hợp với một khuôn khổ sư phạm vững chắc. Tuy nhiên, hiện chỉ có một số ít quốc gia có đủ điều kiện để phát triển theo hướng trên. Ông Antoninis nêu rõ việc chỉ dựa vào thiết bị công nghệ là chưa đủ.

Theo báo cáo của UNESCO, xu hướng cấm điện thoại thông minh trong lớp học đang gia tăng trên thế giới. Cụ thể khoảng 25% số nước trên thế giới đã thực hiện quy định trên. Điều này cho thấy đã có sự lưu tâm hơn đến những hậu quả của việc mất tập trung mà công nghệ gây ra tại trường học.

Báo cáo cũng lên án mạnh mẽ việc sử dụng công nghệ có được các kỹ năng quan trọng, trong đó có một số kỹ năng có thể giúp trẻ tránh được những "cạm bẫy" của thế giới kỹ thuật số. Thực tế cho thấy những học sinh có kỹ năng đọc tốt, ít có nguy cơ bị lừa bởi những bức thư giả mạo hơn.

Linh Tô/TTXVN

Link gốc: TTVH