Thư robot: Chuyện khoe thành tích của con
Sophia thân mến! Hẳn Sophia đã nghe "khắp phố phường tiếng ve kêu hè hè hè" và cùng với tiếng ve là tiếng râm ran của các bậc phụ huynh trên mạng xã hội.
Cơn mưa cuối tuần qua đã giúp hạ nhiệt phần nào tâm trạng của các bậc phụ huynh sau buổi họp cuối của niên học. Điểm thi đã có, kết quả năm học cũng có thể tính được rồi. Vậy thì đến lúc mình khoe lên mạng xã hội thôi(!)
Mà Sophia có thể thấy khoe con trên mạng cũng phải có nghệ thuật, có chiến lược. Khoe sao mà như không khoe. Không khoe mà thiên hạ phải vô trầm trồ, ngưỡng mộ: Bận bịu thế mà dạy con khéo thế, xin bí quyết…
Dĩ nhiên, "ai cho mày chê con tao xấu" - chắc Sophia đã nghe câu này. Đối với nhiều bậc phụ huynh, con cái là "tài sản" quý giá nhất. Việc khoe con cũng là tâm lý dễ hiểu. Và cũng cần nói rõ việc khoe thành tích này, các phụ huynh vì mình hơn là vì con.
Tâm sự với Sophia, hồi xưa xửa, khi mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ. Cứ thời điểm gần tổng kết niên học là vài bậc phụ huynh trong xóm lại rầu rĩ, bực dọc, trẻ con khóc lóc. Mà chuyện chẳng có gì, xuất phát từ chuyện khoe thành tích của con, con tôi hơn con anh môn này, con chị kém con tôi môn kia. Rồi thì, vì những 0,25 điểm mà kéo nhau lên trường khiếu nại. Vô hình trung, những đứa trẻ phải chịu áp lực tâm lý, phải chạy theo thành tích để xứng với kỳ vọng của ba mẹ.
Những lúc khoe thành tích như thế, không biết phụ huynh có nghĩ đến những đứa trẻ của mình không, khi đang yên đang lành bị lôi vào một cuộc cạnh tranh mà chúng không có ý định bắt đầu và nhất là khi thành tích không phải là yếu tố quyết định mọi chuyện. Chuyện khoe thành tích như vậy vô tình đẩy đứa trẻ vào thế bị ganh tị trong mắt bạn bè, nhất là những người bạn bị đem ra so sánh, thậm chí bị phụ huynh rầy la vì có thành tích kém.
Sophia biết đó, đấy không phải là những viễn cảnh, mà là chuyện đã từng xảy ra. Ngày hôm nay, những đứa trẻ hoàn toàn nắm trong tay những công cụ đủ mạnh để bắt nạt bạn mình mà không làm tổn thương thân thể bạn. Nhiều khi chỉ vì những chuyện rất tủn mủn, trong đó có chuyện thành tích học tập.
Sắp tới Ngày Quốc tế thiếu nhi rồi. Một năm 365 ngày, dĩ nhiên sự quan tâm dành cho thiếu nhi không chỉ dồn lại một ngày. Khi những hoạt động chào mừng nhân dịp này chuẩn bị diễn ra, lẫn trong những tiếng cười đùa trẻ con vẫn có những tiếng khóc ầm thầm của những em bé bị đối xử thiếu nhân văn. Bảo vệ các em, không chỉ để các em không bị hành hạ, tổn thương thân thể, mà còn những hành động tinh tế, tránh những việc làm "nhân danh tình yêu" hay tưởng chừng vô hại nhưng người cuối cùng người chịu tổn thương lại là chính con em của mình.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!