Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 85): Đến Vườn bách thảo Hà Nội
Tiếp theo kỳ trước về Thảo cầm viên ở Sài Gòn, kỳ này chúng ta sẽ đến với Vườn bách thảo ở Hà Nội. Bách thảo được quyết định xây tại Hà Nội vào năm 1890, một phần tư thế kỷ sau Sài Gòn (1864).
1. Nhưng mốc đó cũng chỉ đúng 2 năm sau khi vua Đồng Khánh giao Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa (1888) để xây thành phố, rồi không lâu sau đó, trở thành thủ đô của toàn Liên bang Đông Dương thời Pháp thuộc. Do vậy, có thể nói rằng, người Pháp thực dân nghĩ sẽ ăn đời ở kiếp trên mảnh đất này, nên đã đầu tư xây dựng Hà Nội một cách rất bài bản, để lại cho chúng ta những di sản của nền văn minh phương Tây.
Trong khi ưu tiên và khẩn trương quy hoạch khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm để làm trung tâm cho thành phố, nơi đặt cơ quan đầu não của Bắc kỳ (Phủ thống sứ) và Tòa đốc lý cùng những kiến trúc dân sự theo phong cách Tây phương thì chính quyền thuộc địa đã chuẩn bị không gian cho khu vực đầu não của Liên bang Đông Dương ở phía Tây kinh thành và hạng mục đầu tiên chính là một khu vườn bách thảo mà trong tương lai không xa sẽ gắn kết với Phủ toàn quyền...
Vùng đất đó thuộc về các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp và vùng đầm ao của Khán Xuân ra tới Hồ Tây. Ban đầu dự kiến rộng tới 50 ha, nhưng trên thực tế chỉ đạt tới diện tích 12,5 ha, còn phía ngoài bờ thành (lúc này gọi là đê Pareau) ra đến Hồ Tây thì dành cho vườn ươm của thành phố. Người được giao làm việc này là một sĩ quan tên là Brousmiche được biệt phái về Sở Nông lâm với nguồn nhân lực được sử dụng cả các phạm nhân. Ngày 18/2/1889, Trường Nông nghiệp thực hành được thành lập tại Hà Nội, đặt tại khu vực gần Vườn bách thảo, sau ngày Việt Nam Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tới thăm.
Không gian này bao lấy một gò đất nhỏ, quen gọi là núi Nùng, nhưng tên dân gian xưa của nó là núi Sưa, vì trên đó mọc nhiều loại cây này (cũng có giả thiết cho rằng từng có một núi Nùng ở gần đó, nhưng đá bị san khi phá thành Hà Nội). Trên lưng núi, lại có đền thờ Huyền Thiên Hắc Đế, tương truyền là người giúp nhà Lý đánh giặc phương Nam, nên được phong làm thành hoàng của mấy làng trong khu vực.
Ngay chân núi lại có mấy hồ nước hơn hẳn vườn ở Sài Gòn. Ở đây từng có một ngôi "đền Hàng Hoa" (Pagode des Fleurs), chính là đình Ngọc Hà rất đẹp. Bên khu trại giống cạnh Vườn bách thảo (phía làng Thụy Khê) chuyên ươm các các loại cây và hoa gần gũi với nhu cầu của người Âu, được nhập từ nước ngoài, trồng thử rồi nhân rộng, khiến các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp rực rỡ sắc hoa và phát triển nghề nghiệp, vốn đã từng sống bằng các loài hoa bản địa. Những cô gái bán hoa làng Ngọc Hà lập quán trong phố làm cho Hà Nội ngày càng thêm khởi sắc.
Nhưng sức ép đô thị hóa và việc xây các công thự bao quanh Phủ toàn quyền khiến Vườn bách thảo không mở rộng được không gian, nhưng nó đã có một bộ sưu tập quý giá và phong phú mà nhiều cây đến nay đã thành cổ thụ nhiều người ôm mới xuể.
2. Ban đầu Vườn bách thảo chỉ là một khu thí nghiệm nghiên cứu phương thức di thực các loại thảo mộc từ nước ngoài, nhất là từ các thuộc địa châu Phi, để bổ sung cho các loại cây trồng đô thị và phát triển trồng trọt. Những loại cây lâu năm hiện diện trên đường phố Hà Nội hiện nay như xà cừ, cơm nguội, long não… là những giống nhập ngoại, làm phong phú cho hệ sinh thái của thành phố.
Dần dà, cùng với các giống cây ngày một phong phú, là một số thú nuôi thích hợp như hươu, nai, đặc biệt thu hút người xem là gấu, cọp và voi cùng nhiều loại chim muông được nuôi nhốt nên vườn còn được gọi là Bách thú.
Xung quanh đầu não là Phủ toàn quyền Đông Dương được xây dựng hệ thống các trường trung học đúng theo quy chuẩn chính quốc như Trường Bảo hộ (còn gọi là Trường Bưởi, nay là Chu Văn An) dành cho người bản xứ, Trường Lycée Albert Sarraut dành cho con trai Tây và trường dành cho con gái (Felix Faure). Một quảng trường rộng lớn (từng làm chảo đua xe đạp) nối cổng Vườn bách thảo thẳng trục một con đường lớn đi vào trung tâm nơi có Hồ Hoàn Kiếm.
Cổng vào có 3 khối kiến trúc khiến người ta liên tưởng đến 3 ngôi đình để khi thị trưởng Trần Văn Lai của chính phủ Trần Trọng Kim ra quyết định xóa bỏ những tên gọi liên quan đến thực dân (trước đó được mang tên của cố đạo Puginier), đã đặt tên là Quảng trường Ba Đình, địa danh gắn với một cuộc kháng chiến chống Pháp kiên cường ở Thanh Hóa cuối thế kỷ trước. Và chính tại quảng trường này đã diễn ra sự kiện lịch sử: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945.
Bộ sưu tập phong phú về cây thực vật và chim thú của Vườn bách thảo Hà Nội cùng các hoạt động khoa học và tổ chức nghỉ dưỡng đã thu hút người đến thưởng ngoạn ngày một đông. Có một thời, người phương xa đã đến Hà Nội là phải đi hóng mát Hồ Gươm, ghé chợ Đồng Xuân và thăm Vườn bách thảo mới được coi là đủ món…
Cho đến nay, thời gian khiến cho cây cối lớn hơn, nhưng nhiều cây cũng đến độ già chết, thú không còn, mà đã chuyển sang Thủ Lệ, nhưng Vườn bách thảo Hà Nội vẫn là một không gian xanh rất quý giá của Thủ đô.